Đánh giá về mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực điện năng
10:31 | 25/08/2021
Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục chuyển đổi sang năng lượng sạch Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công thương Việt Nam tổ chức sự kiện tổng kết dự án ‘Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP)’ do USAID tài trợ sau 5 năm thực hiện. Thông qua dự án V-LEEP, Bộ Công Thương và USAID đã hợp tác nâng cao năng lực của Việt Nam trong xây dựng các chiến lược năng lượng dài hạn, huy động đầu tư tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và cải thiện sự tuân thủ đối với các quy định về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. |
Hoa Kỳ tài trợ 36 triệu USD cho 'Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam 2' Mới đây, tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam - Ann Marie Yastishock đã công bố Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam 2 (V-LEEP 2). Đây là chương trình thực hiện trong 5 năm với ngân sách 36 triệu USD và có mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một hệ thống năng lượng sạch, bảo đảm và theo định hướng thị trường. |
Theo đánh giá của EVN, việc hợp tác và phát triển trong lĩnh vực điện năng giữa EVN với các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, các doanh nghiệp năng lượng của Hoa Kỳ thời gian qua đã có những hiệu quả rõ rệt trên các phân mảng khác nhau của lĩnh vực điện năng.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành (bên phải) tiếp đại diện GE ngày 26/2/2019.
1/ Hỗ trợ đào tạo, kỹ thuật góp phần hiện đại hóa hệ thống điện quốc gia:
Giai đoạn từ 2010 cho đến 2020, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đã hỗ trợ cho EVN khoảng 5 chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật quan trọng với số tiền tài trợ gần 3,6 triệu USD thông qua các công ty tư vấn Hoa Kỳ. Có thế kể đến các dự án quan trọng như: Lộ trình công nghệ thông tin cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (IT Roadmap), dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Kế hoạch phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin phục lưới điện thông minh của Tổng công ty Điện lực miền Trung giai đoạn 2015 - 2020 tầm nhìn 2025, nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam, nghiên cứu phát triển dự án điện khí miền nam Việt Nam...
Các dự án hỗ trợ kỹ thuật thông qua các nhà tư vấn Hoa Kỳ giàu kinh nghiệm và uy tín đã góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quản lý, vận hành, cũng như hiện đại hóa việc vận hành hệ thống điện của EVN. Đặc biệt, trong bối cảnh EVN đang hướng tới trở thành doanh nghiệp chuyển đổi số việc hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật từ Hoa Kỳ là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo, hỗ trợ chuyên gia, tham quan học tập kinh nghiệm tại Hoa Kỳ do USTDA, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Văn phòng Hỗ trợ Kỳ thuật (HTKT) - Bộ Ngân khố Mỹ thực hiện đã hỗ trợ EVN rất nhiều trong các lĩnh vực điện thông minh, năng lượng tái tạo, tài chính bền vững.
Đặc biệt, Văn phòng HTKT - Bộ Ngân khố Mỹ thông qua HTKT dưới hình thức cung cấp chuyên gia hỗ trợ EVN trong lĩnh vực nâng cao năng lực tài chính, quản lý tài chính bền vững (xem xét báo cáo đánh giá xếp hạng tín nhiệm, giúp tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong cổ phần hóa các tổng công ty phát điện...).
EVN và USAID hợp tác thực hiện HTKT về nghiên cứu đánh giá tác động của điện mặt trời phân tán tới tình hình tài chính của EVN. Chỉ tính riêng hai năm 2015 - 2016, USTDA đã tổ chức bốn đoàn chuyên gia, trong đó có EVN, tham dự học tập và tham quan trực tiếp về lĩnh vực lưới điện thông minh và tích trữ năng lượng.
Việc hỗ trợ phát triển lưới điện thông minh thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật của USTDA đã có những kết quả rất thiết thực và tích cực tại miền Trung, điển hình tại Thành phố Đà Nẵng. Mọi khách hàng tại Đà Nẵng giờ đây có thể theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ của mình theo từng giờ, các sự cố kỹ thuật trên lưới điện được cảnh báo tự động.
Trên cơ sở Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (Hiệp định 123) đã ký kết năm 2014, Công ty GE-Hitachi có hỗ trợ đào tạo kĩ sư điện hạt nhân của trường Đại học Điện lực; các công ty: Westinghouse, GE-Hitachi đã tổ chức nhiều hội thảo về công nghệ điện hạt nhân do Hoa Kỳ phát triển (AP1000, ESBWR) và về các thủ tục trình tự cấp phép xây dựng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển dự án điện hạt nhân...
EVN và USAID ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam (ngày 14/12/2020).
2/ Hợp tác đầu tư, cung cấp thiết bị góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia:
Giai đoạn 2010 - 2020, hệ thống điện Việt Nam là một trong những hệ thống điện có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2020 đạt 216,83 tỷ kWh, tăng 2,53 lần so với năm 2010 (85,6 tỷ kWh), tương ứng tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả giai đoạn 2011 - 2020 là 9,7%/năm (giai đoạn 2011 - 2015 tăng 10,87%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,62%/ năm). Để đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng cao, vấn đề phát triển nguồn cung là một yếu tố then chốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhận thức rõ điều này, EVN đã coi trọng các mối quan hệ hợp tác với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ như: GE, ExxonMobil, AES; các ngân hàng, tổ chức tài chính... đã hợp tác cùng EVN.
Các tập đoàn của Hoa Kỳ đang hoạt động trong lĩnh vực điện năng có thể kể đến: GE, Alstrom, Exxon Mobil... có sự hợp tác hiệu quả với EVN. GE hay Alstom đang là những nhà cung cấp thiết bị quan trọng cho các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện của EVN. Các tập đoàn Hoa Kỳ cũng đang đẩy mạnh vào các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực điện năng. Tập đoàn GE đã ký kết Biên bản hợp tác với Bộ Công Thương để phát triển 1.000 MW điện gió tại Việt Nam và đầu tư giữa EVN - GE về Trung tâm phục hồi tua bin khí tại Phú Mỹ.
Theo thông báo của GE, hiện tại có 82 kĩ sư làm việc, năm 2016 Trung tâm này bắt đầu có lợi nhuận (doanh số 2016 đạt 5,2 triệu USD).
Khai thác tiềm năng hợp tác thông qua tổ chức các sự kiện kêu gọi đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật.
EVN đang tạo những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ có mong muốn và thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực điện năng thông qua các kênh thông tin như: Đối thoại, diễn đàn. Thông qua chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã hợp tác Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hợp tác tổ chức và tham gia đối thoại tại 2 Diễn đàn đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ tại Hà Nội (năm 2018) và tại Hoa Kỳ (năm 2019). Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng cung cấp cho EVN báo cáo thực hiện bởi ENR về đánh giá và khuyến cáo về kết nối, trao đổi điện năng khu vực Mê Kông (tháng 4/2020).
Liên tục trong hai năm 2015 - 2016, EVN đã kết hợp với GE tổ chức liên tục 7 hội thảo lớn về trao đổi thông tin công nghệ mới như:
- Hội thảo về công nghệ tua bin khí thế hệ H của GE (ngày 04/11/2015).
- Hội thảo phần mềm phục vụ lưới điện thông minh và thị trường bán buôn điện (tháng 2/2016).
- Hội thảo về giải pháp quản lý tài sản theo thông tin GIS (tháng 12/2015).
- Hội thảo về giải pháp số hóa nhà máy điện và trạm (ngày 22/6/2016).
- Trao đổi kĩ thuật về quản lý sự tuân thủ và quản trị rủi ro.
- Trao đổi về công nghệ và cấu hình tua bin khí thế hệ HA của GE.
- GE chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông...
Có thể nói, tiềm năng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực điện năng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là rất lớn. EVN đã và sẽ là một trong những mắc xích quan trọng để sự hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực điện năng đạt được hiệu quả mong muốn và đáp ứng thực tế nhu cầu phát triển năng lượng của Việt Nam. Hợp tác quốc tế đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt đối với một tập đoàn đang quản lý, vận hành và kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù như EVN.
Để hiện đại hóa hệ thống điện quốc gia, chuyển đổi số thành công, cũng như đảm bảo nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, thì việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế là một trong những định hướng quan trọng và rất cấp thiết của EVN./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM