COMA 17: Gần nửa thế kỷ bền tâm vững chí với nghề
06:56 | 27/07/2012
ĐỖ ĐÌNH TÂM, Giám đốc COMA 17
Giám đốc Đỗ Đình Tâm (thứ 2 từ trái sang) trao đổi cùng chuyên gia trên công trình Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2
Những năm tháng không quên
Nhà máy cơ khí Sông Chu được thành lập ngày 26/7/1967 theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa. Là nhà máy cỡ trung có thiết bị đồng bộ, được xây dựng tại thôn Phúc Chí, xã Yên Lâm, huyện Yên Định. Các thiết bị được lắp đặt trong hang núi đá và hai xưởng bên sườn núi, có sứ mệnh sản xuất các sản phẩm công nghiệp bù đắp sự thiệt hại của nền công nghiệp miền Bắc chủ nghĩa xã hội đã bị đế quốc phá hoại. Sau khi lắp đặt xong máy móc thiết bị, ngày 01/5/1969 nhà máy nấu mẻ gang đầu tiên. Đến cuối năm 1969 nhà máy đã sản xuất 500 xe cải tiến và một số phụ tùng phục vụ các xí nghiệp sản xuất trong tỉnh.
Thời kỳ năm 1970 - 1971, được sự định hướng của tỉnh, Nhà máy cơ khí Sông Chu thêm chức năng sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp khi cần thì phục vụ thêm cho quốc phòng. Từ đầu năm 1972 sản phẩm đã được định hình, nhà nước giao kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó. Đầu năm 1973 hiệp định Pa-ri được ký kết, Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc. Tỉnh có quyết định cho di chuyển nhà máy về địa điểm mới để giảm bớt khó khăn cho đơn vị. Đó là đồi Nhơn, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn (nay là phố Bà Triệu, thị trấn Triệu Sơn).
Trong thời kỳ này nhà máy tiếp nhận nhiều công nhân cũ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về tiếp tục công tác. Từ năm 1975 - 1980, nhà máy sản xuất ổn định và phát triển lao động bình quân 400 - 450 người. Từ năm 1977 tỉnh Thanh Hóa tập trung xây dựng một số công trình thủy lợi lớn, UBND tỉnh đã giao bổ sung nhiệm vụ cho nhà máy sản xuất và lắp đặt 10 bộ cánh cửa cống cho các công trình sông Lý, Lạch Bạng, Cửa Cống có kích thước, trọng lượng lớn một số công đoạn phải chế tạo tại công trường. Qua những công trình này đã khẳng định khả năng chế tạo kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn của nhà máy tại công trình lớn.
Trong thời gian từ 1976 - 1978 nhà máy liên tiếp được đón Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm và làm việc. Trong bài nói chuyện với CBCNV, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Các đồng chí có nhiều cái quý, song cái quý nhất là lực lượng lao động bao gồm công nhân, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật. Họ là lực lượng quyết định mọi sự thành công. Vì vậy đề nghị lãnh đạo nhà máy và địa phương quan tâm, chăm lo cho họ kể cả về vật chất và tinh thần...”.
Từ năm 1981 sau khi Chỉ thị 100 của Bộ Chính trị được triển khai rộng rãi trên toàn quốc về việc giao khoán cho hộ nông dân, mô hình sản xuất máy nông nghiệp của Cty không còn phù hợp buộc nhà máy phải có sự thay đổi về cơ cấu sản phẩm. Nhà máy được giao sản xuất: êtô, kìm điện, kìm thông tin... và một số dụng cụ cơ khí cầm tay khác để xuất khẩu sang Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu và một số nước khác trên thế giới. Ban đầu sản xuất từ loạt nhỏ, tiếp đến cải tiến để sản xuất lô hàng lớn hơn. Đến năm 1985 nhà máy đã được đứng trong nhóm sản xuất đồ nghề xuất khẩu của Bộ Cơ khí luyện kim, được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
“Đánh vật” với cơ chế thị trường
Năm 1990 chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ kéo theo sự tan vỡ hệ thống XHCN của các nước Đông Âu, thị trường xuất khẩu dụng cụ đồ nghề của Việt Nam sang các nước Đông Âu bị co lại, nhà máy gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất, cũng là lúc nhà nước thay đổi cơ chế, từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Cty không còn thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước rất eo hẹp và chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc giá rẻ và hàng do các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh.
Giai đoạn đầu từ 1991 - 1993 hầu như nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, do chưa quen với cơ chế mới nên giá thành sản xuất thường cao hơn giá bán. Mặc dù chưa định hướng được sản phẩm nhưng với phương châm phát triển công nghiệp trên địa bàn UBND tỉnh vẫn quyết định giữ lại nhà máy, nhà nước giao vốn và giao quyền tự chủ cho đơn vị.
Thợ kỹ thuật cao COMA 17 lắp đặt roto nhà máy thủy điện
Cty tiếp tục tìm kiếm thị trường và được nhiều đơn vị giúp đỡ nhất là các đơn vị trong ngành như Cty Bia Thanh Hóa, Nhà máy giấy Lam Sơn, các sản phẩm của Cty bắt đầu tiếp cận với thị trường và cũng xác định được Cty muốn tồn tại thì sản phẩm phải do thị trường quyết định. Với lòng say mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời cũng tin tưởng vào sự đổi mới và tích cực của cơ chế thị trường. Trong khi nhiều nhà máy thực hiện chính sách BAD (bán ăn dần) CBCNV nhà máy vẫn quyết tâm tìm hướng đi mới, nhà máy đã sản xuất một số mặt hàng để thăm dò thị trường và tham gia thêm lĩnh vực lắp máy.
Tự hào chung một “mái nhà” COMA
Tình cờ như một duyên nợ trời cho, trong một lần gặp mặt những năm đầu thế kỷ XXI, Giám đốc nhà máy Lê Xuân Bình đã gặp ông Đỗ Văn Tý - Phó giám đốc Cty Cơ khí và xây dựng Đại Mỗ giới thiệu lắp đặt Nhà máy đường Sơn La. Từ đó Cty được liên danh với TCty Cơ khí Xây dựng để thi công các công trình do TCty trúng thầu. Chính vì vậy Cty đã lo được việc làm cho CBCNV và phát triển trong nền kinh tế thị trường.
Từ chỗ chuyên gia công chế tạo các chi tiết có độ chính xác cao, làm việc trong môi trường có đầy đủ thiết bị dụng cụ, công việc ổn định tại các phân xưởng tại nhà máy. Cty chuyển đổi cơ chế thi công tại công trường nên lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, bám việc với tinh thần học hỏi cao CBCNV được từng bước trưởng thành, các công trình Cty được thi công luôn hoàn thành kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ,nhất là các công trình trọng điểm như thi công lắp đặt nhà máy đường Sơn La, đường Quì Hợp, nhà máy bia Hà Tây, nhiệt điện Phả Lại 2. Đặt biệt với việc hoàn thành thi công khung nhà thép và thiết bị sân khấu cho Trung tâm Hội nghị Quốc gia công ty được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Thời kỳ từ năm 2005 đến nay Cty hoạt động theo mô hình cổ phần. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đưa Cty trở thành một đơn vị mạnh về gia công chế tạo kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn, mở rộng ngành nghề lắp máy nhất là các nhà máy thủy điện, Cty đã đầu tư một số thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất lao động giảm giá thành. Ngoài ra Cty còn tự thiết kế chế tạo nhiều thiết bị thi công thay thế hàng nhập ngoại như máy lốc tôn 3 trục, máy lốc tôn 4 trục, cổng trục 6,3 tấn; 10 tấn và một số thiết bị thi công khác.
Trong các năm qua Cty đã tham gia nhiều công trình lớn như: Gia công chế tạo lắp đặt Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thuỷ điện Hương Sơn, Bản Vẽ, A Lưới, Sê San 4, Cung Quy hoạch, Bảo tàng Hà Nội, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà thi đấu trong nhà. Đặc biệt Cty chế tạo thành công nồi nấu đường liên tục 100m3 cho Nhà máy đường Lam Sơn đảm bảo kỹ thuật được chuyên gia nước ngoài và chủ đầu tư đánh giá cao, giá thành bằng 1/3 so với chế tạo châu Âu và bằng 2/3 so với chế tạo ở Trung Quốc và các nước lân cận.
Trong lĩnh vực lắp đặt, từ một đơn vị trước đây chỉ chế tạo và lắp ráp các chi tiết máy độc lập, nay chuyển sang lắp đặt dây chuyền sản xuất đồng bộ có công nghệ cao, kết cấu phức tạp, Cty đã cử cán bộ tham gia học hỏi việc lắp đặt tại các dự án lớn, thiết bị nặng cồng kềnh, và đã lắp đặt thành công chi tiết nặng đến 500 tấn.
Với kinh nghiệm sẵn có lại được học thêm, CBCNV Cty nắm bắt công việc rất nhanh và đã thực hiện được nhiều công trình lớn như lắp đặt Nhà máy đường Sơn La; lắp đặt lò hơi nhà máy đường Quì Hợp; lắp đặt kết cấu lớn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội. Đặt biệt Cty đã lắp đặt thành công hai tổ máy của 2 nhà máy thủy điện lớn là Thủy điện Bản Vẽ và Thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng tốt đến nay đã phát điện ổn định gần 2 năm.
Với năng lực và khả năng hiện nay, Cty đang thi công công trình thủy điện Đăk Sin 1; công trình cầu Nam Hồng và một số công trình thủy điện khác.
NangluongVietnam