RSS Feed for Chuyện vượt khó của thợ mỏ Mông Dương | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 16:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyện vượt khó của thợ mỏ Mông Dương

 - Mỏ than Mông Dương nằm ở vị trí gần cuối của dải than vùng Đông Bắc. Trong gần 40 năm xây dựng và phát triển, dường như chưa khi nào Mông Dương không gặp khó khăn. Những câu chuyện vượt khó của thợ mỏ Mông Dương đã làm lan tỏa phong trào xây dựng hình ảnh "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ" của Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin.


Sản xuất, kinh doanh của TKV: Dấu mốc vừa qua, tầm nhìn chặng đường mới


Công ty CP Than Mông Dương tuyên dương gương "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ".

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng ký ức về sự cố ngập mỏ năm 2015 vẫn luôn vẹn nguyên trong tiềm thức của những người thợ mỏ Mông Dương. Trận mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã nhấn chìm cả vùng Mông Dương trong biển nước. Than Mông Dương đứng trước nguy cơ xóa sổ hoàn toàn diện sản xuất. 

Giữa cơn hoạn nạn, tinh thần kỷ luật và đồng tâm của thợ mỏ đã vực Mông Dương đứng dậy. Thay vì đi tìm cơ hội việc làm mới, hàng nghìn thợ lò Mông Dương đã chọn cách ở lại, đồng cam cộng khổ với lãnh đạo, tìm phương án khắc phục. Hàng trăm tổ đội cứu mỏ được hình thành, ngày đêm vận hành các hệ thống bơm nước công suất lớn để hút bùn nước ra khỏi các đường lò. Các thiết bị được trục vớt lên mặt bằng để sửa chữa.

Theo kế hoạch, toàn bộ khối lượng công việc trên sẽ phải thực hiện trong khoảng 5 tháng. Nhưng bằng sự quyết tâm, mưu trí, sáng tạo của thợ mỏ Mông Dương, chưa đầy 2 tháng, nhiệm vụ xử lý sự cố ngập mỏ đã hoàn thành. Đến ngày 15/9/2015, mỏ Mông Dương đã được hồi sinh và sản xuất trở lại trong niềm hân hoan của hơn 3.000 cán bộ, lao động, thợ mỏ của đơn vị. 

Nhớ lại những thời khắc sinh tử bên nhau để cứu mỏ khỏi nguy cơ xóa sổ, họ càng thấm thía hơn giá trị của tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm". Dũng cảm, quên mình cứu mỏ, đồng cam cộng khổ của thợ lò Mông Dương đã trở thành điểm sáng trong ngành Than. Tinh thần đó đã theo họ cho đến sau này, khi ngành Than tiếp tục gặp khó khăn, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, họ vẫn sát cánh bên nhau để cùng vượt qua thử thách.

 

Thợ lò Mông Dương vận hành máy móc phục vụ công tác đào lò.

Giữa năm 2020, lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ đầu tiên của TKV đi vào sản xuất. Đó là thành công đầy tự hào của những người thợ mỏ Mông Dương khi chinh phục độ sâu lòng đất, đưa công nghệ mới lần đầu áp dụng vào sản xuất than. Nỗ lực khắc phục những khó khăn trong quá trình thi công lò chợ của thợ mỏ Mông Dương đã chứng minh chân lý "Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh".

Lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ của Công ty CP Than Mông Dương có công suất thiết kế 300.000 tấn than/năm, được triển khai lắp đặt ở vị trí lò có độ dốc lớn, địa chất khó khăn. Trong hơn 6 tháng thi công thần tốc, gần 100 bộ giàn chống đã được lắp đặt, đạt yêu cầu kỹ thuật. Lần đầu tiếp cận với công nghệ mới, nhưng bằng quyết tâm, thợ lò Phân xưởng Khai thác 5 đã khắc phục thành công mọi trở ngại để ra than đúng tiến độ.

Theo anh Phạm Quốc Trung, Quản đốc Phân xưởng Khai thác 5: "Đến nay lò chợ vẫn đang hoạt động ổn định với sản lượng bình quân 1.200 tấn than/ca".

Quyết tâm vượt lên những khó khăn về địa chất, giữa tháng 3/2021, Công ty đã cho ra những tấn than đầu tiên từ lò chợ giá khung thủy lực di động liên kết xích. Lò chợ này có công suất thiết kế 160.000 tấn than/năm, được lắp đặt bởi 120 bộ khung thủy lực di động. Đây là công nghệ chống giữ lò lần đầu được áp dụng tại Công ty.

Thợ lò Bùi Xuân Hùng, Phân xưởng Khai thác than 7, cho biết: "Chúng tôi đã kịp thời nắm bắt, làm chủ công nghệ khai thác mới. Bình quân mỗi ngày, Phân xưởng sản xuất được trên 500 tấn than, đảm bảo an toàn lao động".

Để tiếp tục cổ vũ phong trào thi đua vượt khó, sáng tạo, sản xuất giỏi, Đảng ủy Công ty đã phát động  phong trào thi đua, xây dựng hình ảnh “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ Mông Dương”. 

Ông Phan Xuân Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty, cho biết: Những đảng viên là cán bộ quản lý, công nhân, thợ mỏ đang làm việc trực tiếp tại các phân xưởng có nhiều đóng góp trong tháng sẽ được tuyên dương, khen thưởng. Sức đóng góp thể hiện ở những tiêu chí rõ ràng, như số ngày công tham gia; năng suất lao động; thu nhập cao trong tốp đầu đơn vị; tiền lương bình quân vượt tối thiểu 15% tiền lương kế hoạch, không có công nghỉ vô lý do. Những cá nhân đó cũng cần có sáng kiến, ý tưởng, giải pháp thiết thực trong cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong sản xuất; làm chủ, vận hành thiết bị công nghệ mới an toàn, hiệu quả. Trong lao động sản xuất, tích cực tham gia giải quyết những nhiệm vụ, công việc khó khăn, kèm cặp, hướng dẫn công nhân mới, học sinh thực tập, tham gia các hoạt động phong trào do đơn vị và Công ty tổ chức. Từ năm 2020 đến nay, Đảng ủy Công ty đã tuyên dương 47 gương “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”./.

THAN MÔNG DƯƠNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động