RSS Feed for Chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 01:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak

 - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Những năm gần đây, công cuộc chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chuyển đổi số kết hợp với ứng dụng thành quả của CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều chuyển biến lớn trên các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực sản xuất - kinh doanh điện năng. Thực hiện chủ đề năm 2021 của EVN, EVNGENCO2, Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak đã và đang tích cực triển khai chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện, bước đầu mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Thủy điện An Khê - Ka Nak: 10 năm hình thành và phát triển Thủy điện An Khê - Ka Nak: 10 năm hình thành và phát triển

Cách đây 10 năm (ngày 22/4/2011), Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak được Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định thành lập. Sự kiện này đánh dấu quan trọng việc khai thác tiềm năng về thủy điện, bổ sung cho nguồn điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn hai tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước nói chung.


“Chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức”:

Chuyển đổi số không chỉ về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về nhận thức của mỗi con người. Tuy vậy, không mấy trường hợp ngộ nhận về chuyển đổi số và ví như “chiếc đũa thần” có thể thay đổi ngay lập tức hiệu quả sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp cho rằng chỉ cần bỏ tiền đầu tư vào trang thiết bị công nghệ, tổ chức tập huấn là có thể hoàn thành chuyển đổi số và trông chờ đem lại kết quả tích cực ngay.

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 6/2020) cũng nêu rõ quan điểm “chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức”; “nhận thức đóng vai trò quyết định và người dân là trung tâm của chuyển đổi số”. Nhiệm vụ đầu tiên để thực hiện chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ chuyển đổi về nhận thức.

Chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak
CBCNV Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak đang từng bước thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, tích cực nâng cao năng lực bản thân đáp ứng yêu cầu mới.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị:

Công ty đang tập trung phát triển và duy trì năng lực quản trị nội bộ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mô hình quản trị bao gồm con người và tổ chức, hệ thống CNTT và quản trị dữ liệu, các nghiệp vụ quản lý, quản lý rủi ro và an ninh mạng cần được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản trị của Công ty. Với nhu cầu số hóa các quy trình như: Quy trình thanh toán, kế toán, quy trình xuất kho, quản lý nhân sự... Hiện nay, Công ty đang ứng dụng các giải pháp như ERP, E-Office, HRMS/KPI, E-leaning...

Trong thời gian tới, Công ty sẽ đưa vào ứng dụng các hệ thống tính lương, hệ thống quản lý quy trình thủ tục nội bộ…

Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất:

Công ty đã triển khai thực hiện số hóa dữ liệu quản lý thiết bị trên hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS) nhằm phục vụ công tác quản lý vận hành nhà máy điện, như: Cập nhật thông số vận hành, quản lý phiếu thao tác, phiếu công tác, nhật ký vận hành… đảm bảo dữ liệu đồng bộ, thống nhất, tạo thuận lợi cho việc tổng hợp và báo cáo thông tin kịp thời trong điều hành sản xuất điện.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy điện, Công ty thực hiện công tác bảo dưỡng thiết bị theo phương pháp RCM nhằm rút ngắn thời gian sửa chữa, tăng số giờ vận hành tổ máy cao hơn, hoạt động sản xuất điện có hiệu quả.

Trong thời gian tới, Công ty sẽ xây dựng ứng dụng máy tính bảng nhập thông số vận hành tự đồng bộ lên hệ thống PMIS; thu thập hệ thống thủy văn tự động đồng bộ về hệ thống giám sát tại Công ty và EVNGENCO2…

Chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak
Công tác số hóa và ứng dụng số hóa đã được triển khai ứng dụng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Công ty.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực đầu tư xây dựng:

Theo lộ trình chuyển đổi số trong Tổng công ty Phát điện 2, chuyển đổi số lĩnh vực đầu tư xây dựng được chia thành hai giai đoạn, với những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể:

Giai đoạn 2021 - 2022 thực hiện các nhiệm vụ chính như: Đẩy mạnh đấu thầu qua hệ thống điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó 100% số lượng các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng (phù hợp với điều kiện hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hỗ trợ được về kỹ thuật hạ tầng tại thời điểm triển khai lựa chọn nhà thầu), qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả SXKD cho Công ty.

Giai đoạn 2022 - 2025, Công ty tiến tới quản lý 100% các vật tư thiết bị mua sắm cho dự án trong cơ sở dữ liệu giá toàn Tổng công ty. Về giám sát công trình, sẽ ứng dụng công nghệ số như AI, camera thông minh nhận diện hình ảnh và chụp ảnh nhiệt để giám sát chất lượng thi công của nhà thầu, cũng như an toàn lao động trên các công trường nhà máy điện.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực viên thông và công nghệ thông tin:

Chuyển đổi hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin (VT&CNTT) trên thực tế đã được thực hiện trong thời gian qua với các mức độ khác nhau, liên quan đến các công việc triển khai mới, nâng cấp phần cứng, phần mềm và quy trình VT&CNTT… Tuy nhiên, nhằm mục đích phục vụ cho chuyển đổi số, chuyển đổi hệ thống VT&CNTT cần tập trung vào các ứng dụng nền tảng điện toán đám mây, xây dựng nền tảng dữ liệu hỗ trợ việc thu thập và phân tích dữ liệu, các công cụ hỗ trợ tự động hóa công việc và các quy trình vận hành sản xuất kinh doanh điện như hiện đại hóa hạ tầng CNTT với kiến trúc hệ thống CNTT hai tốc độ linh hoạt, nền tảng điện toán đám mây, xây dựng nền tảng dữ liệu hỗ trợ việc thu thập và phân tích dữ liệu, các công cụ hỗ trợ tự động hóa công việc và các quy trình….

Hệ thống CNTT sẽ được phân chia làm hai phần, gồm:

Thứ nhất: Phần hệ thống lõi là các ứng dụng phục vụ công tác quản lý điều hành Công ty cơ bản, đòi hỏi sự hoạt động liên tục ổn định, ít thay đổi và dễ dàng kiểm soát. Đó sẽ là hệ thống quản trị doanh nghiệp (ERP), hệ thống văn phòng điện tử (D-Office), hệ thống quản lý nhân sự (HRMS), hệ thống quản lý kỹ thuật (PMIS/RCM), hệ thống quản lý dự án (IMIS)…

Thứ hai: Phần hệ thống vệ tinh sẽ bao gồm các ứng dụng, các sáng kiến số cần phát triển nhanh, linh hoạt, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thay đổi của tình hình sản xuất, kinh doanh điện thông qua các phương pháp phát triển như: Tư duy thiết kế (Design Thinking), khởi động tinh gọn (Lean Startup), nhanh nhẹn (Agile) cũng như các công cụ triển khai và vận hành của điện toán đám mây.

Hỗ trợ cho hệ thống CNTT là một nền tảng dữ liệu lưu trữ chung các dữ liệu cần thiết để trao đổi, phân tích và một hệ thống hạ tầng, bao gồm các thiết bị mạng, máy chủ, lưu trữ, hệ thống định danh, bảo mật,…

Thời gian tới, Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển đổi số của EVNGENCO2 giao, làm chủ các ứng dụng công nghệ số, tích cực triển khai và nhân rộng những mô hình có hiệu quả trên các lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số vào quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh điện./.

BÀI: THU HOÀI - HÀ THANH TIẾN; ẢNH: NGUYỄN NGỌC ANH

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động