RSS Feed for Chức danh Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 23:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chức danh Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

 - Như chúng ta đã biết, cuối tháng Tám vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Hiện nhân sự thay thế đang được Chính phủ và cơ quan chức năng chuẩn bị theo quy trình.

Ông Trần Sỹ Thanh: Sau 3 năm trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Thủ tướng đề nghị Tạp chí Năng lượng VN tiếp tục đóng góp cho ngành dầu khí

Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam

TỔNG QUAN NGÀNH DẦU KHÍ:

Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam tính đến tháng 7 năm 2006, PVN chỉ tập trung vào ngành nghề cốt lõi (gồm thăm dò, khai thác dầu khí), luôn đóng góp trên dưới 30% mức tổng thu ngân sách Nhà nước.

Từ khi nâng cấp cơ cấu từ Tổng công ty lên cấp Tập đoàn vào tháng 8 năm 2006, PVN không chỉ tập trung vào cốt lõi mà đầu tư sang các lĩnh vực điện, hóa chất, xơ sợi, đóng tàu, bất động sản... Từ đây, cơ cấu phình to, đến năm 2013 thì định hình thành 5 lĩnh vực.

Theo Nghị định 149/2013/NĐ-CP ban hành ngày 31/10/2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), quy định PVN có 5 lĩnh vực và chức năng hoạt động gồm:

1/ Thăm dò và khai thác dầu khí (khâu đầu).

2/ Lọc-hoá dầu (khâu sau).

3/ Công nghiệp khí (khâu sau).

4/ Công nghiệp điện.

5/ Dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Trước khi triển khai đề án tái cơ cấu, PVN ngập tràn trong khó khăn, vướng mắc. Theo Nghị định 149 và từ cơ cấu này, đã có sự dịch chuyển cơ cấu hoạt động những năm gần đây. Theo đó, khâu đầu không còn nắm giữ vị trí độc tôn mà đã chia sẻ với khâu sau làm 2 lĩnh vực cốt lõi của PVN.

Như đã đề cập, đề án tái cơ cấu hơn 2 năm qua, đã cơ bản thành công. Trong lộ trình tái cơ cấu và thoái vốn ở nhóm các Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật (bao gồm cả ngoài ngành) và điện lực đến năm 2022 và 2025, PVN sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi. (Do nội dung khá dài nên chúng tôi không đi sâu vào lĩnh vực và danh sách các công ty).

Đây là 2 lĩnh vực quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng ngành và đang nắm giữ phần lớn giá trị tài sản vốn của PVN (khoảng 10 tỷ USD khâu đầu và tương tự, khoảng 10 tỷ USD khâu sau) trực tiếp, hoặc thông qua cổ phần ở các công ty liên doanh.

Năm 2019, dù giá dầu giảm, PVN vẫn duy trì mức nộp ngân sách Nhà nước 108 nghìn tỉ đồng, vượt 23% kế hoạch. Năm 2018, PVN nộp ngân sách Nhà nước đã đạt 110 ngàn tỷ đồng, vượt 46,5% kế hoạch cả năm. Các mức này, đem so sánh với các năm trước đó (2016: 90,2 nghìn tỷ đồng; 2017: 100 nghìn tỷ đồng) cho thấy đã có sự tăng trưởng bền vững.

Năm nay, do khủng hoảng kép từ đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, ước tính PVN vẫn duy trì mức nộp ngân sách trên dưới 100 nghìn tỷ đồng.

Dù còn nhiều khó khăn (cả khâu đầu và khâu sau) ngoài việc ổn định tình hình, cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và trông đợi giá dầu tăng, ngay từ bây giờ Chính phủ, các bộ, ngành cùng các cơ quan hữu quan cần quyết liệt hơn nữa. Cả hệ thống cần thúc đẩy nhanh các phê duyệt để các chuỗi dự án Cá Voi Xanh, Lô B sớm đi vào triển khai.

Nếu hai dự án này (hoặc một trong hai), cùng với các dự án trên bờ (gồm nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) triển khai theo tiến độ, sẽ là đòn bẩy tăng trưởng cho PVN. Đặc biệt, giúp gia tăng giá trị vốn hóa nhóm các Tổng công ty khâu sau và lĩnh vực “dịch vụ dầu khí chất lượng cao” nhằm đáp ứng nhu cầu thoái vốn theo lộ trình.

Nhìn chung, sau khi triển khai đề án tái cơ cấu, cả 5 lĩnh vực đã hoạt động ổn định hơn, làm tiền đề cho mục tiêu dài hạn.

MỘT SỐ LUẬN ĐIỂM:

Được biết, hiện tại ứng viên chức danh Chủ tịch HĐTV PVN đang được Chính phủ và cơ quan chức năng chuẩn bị theo quy trình. Theo quan điểm của người viết (tham chiếu các Nghị quyết 41 và 55 của Bộ Chính trị, cũng như Chương trình hành động của HĐTV PVN) sẽ thấy những luận điểm sau đây:

Thứ nhất: Từ định hướng “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” (Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị) và “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045” (Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị), PVN đã điều chỉnh, cập nhật định hướng chiến lược ngành. Theo đó, PVN phát triển thêm ngành công nghiệp năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời).

Thứ hai: Đề án tái cơ cấu toàn ngành, về cơ bản đã thành công. Một số tồn đọng (gồm việc chuyển nhượng một số dự án, chưa thoái vốn ở một số tổng công ty) sẽ được triển khai theo lộ trình đến năm 2022 - 2025 khi tình hình sản xuất, kinh doanh khởi sắc.

Thứ ba: Việc quan trọng nhất ở PVN hiện nay là thông quan các dự án trọng điểm để vực dậy ngành.

Thứ tư: Về công tác cán bộ, các phương án nhân sự cao cấp, đề án luân chuyển cán bộ cũng đã được triển khai đồng bộ, giúp PVN ổn định tình hình. Hiện nay, PVN đã cơ bản xây dựng được đội ngũ lãnh đạo cấp tập đoàn có bản lĩnh và không vướng vào các hệ lụy quá khứ.

Thứ năm: Qua đề án tái cơ cấu cho thấy, mấu chốt quan trọng nhất là PVN đã quán triệt các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chủ trương và đường lối của Đảng và Chính phủ (bao gồm việc tuân thủ đúng các luật định, quy trình, quy định hiện hành).

NHU CẦU QUẢN TRỊ ĐIỀU HÀNH:

Theo quy trình, đối với phương án từ Trung ương về, Bộ Nội vụ và các cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định và trình Thủ tướng quyết định. Sau đó, sau khi lấy ý kiến của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và ký quyết định bổ nhiệm.

Đối với phương án tại chỗ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi tờ trình và hồ sơ bổ nhiệm, hoặc giao kiêm nhiệm đến Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan. Bộ Nội vụ sẽ thẩm định về các ứng viên trước khi trình Thủ tướng xem xét.

Theo Điều 8 trong Nghị định số 97/2015/NĐ-CP, không giới hạn việc Tổng giám đốc Tập đoàn tạm kiêm nhiệm, hoặc kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐTV (Công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như PVN). Tuy nhiên, vừa qua, do dịch cúm vi rút Covid có nguy cơ trở lại và việc trao quyết định bổ nhiệm vào sáng thứ Hai đầu tuần, có thể đã ảnh hưởng đến việc phân công nhiệm vụ ở HĐTV PVN sau khi ông Trần Sỹ Thanh rời PVN.

Theo đó, sau khi nhận quyết định bổ nhiệm về Văn phòng Quốc hội vào buổi sáng, chiều cùng ngày, Thường vụ PVN mới nhóm họp để công bố Quyết định về việc ủy quyền điều hành HĐTV PVN. Quyết định này ủy quyền cho các Thành viên HĐTV PVN luân phiên điều hành HĐTV 1 tuần (từ thứ Hai đến Chủ Nhật). Kết thúc mỗi tuần, thành viên HĐTV được ủy quyền sẽ bàn giao công việc cho người được ủy quyền kế tiếp. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24/8/2020 đến khi Thủ tướng có quyết định bổ nhiệm nhân sự, hoặc phân công nhiệm vụ (kiêm nhiệm) Chủ tịch HĐTV PVN.

Ông Trần Sỹ Thanh đã hết trách nhiệm ở PVN từ ngày 24/8/2020 và việc luân phiên điều hành HĐTV PVN như trên, dự kiến sẽ kéo dài vì các phương án nhân sự đều phải thông qua quy trình 5 bước (lựa chọn, đánh giá, xem xét, thẩm định trước khi Thủ tướng quyết định) sẽ mất thời gian mới xác định được người thay thế. Điều này khác với trước đây khi trống chức danh Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc sẽ được giao tạm kiêm nhiệm (trước khi có quyết định người thay thế) để duy trì hoạt động quản trị và điều hành xuyên suốt.

Theo thông tin mới cập nhật, ngày 31/8/2020 tại Hà Nội, lãnh đạo PVN đã tri ân Phó Tổng giám đốc Tập đoàn (phụ trách thăm dò và khai thác dầu khí) nghỉ chế độ từ ngày 1/9/2020. Theo Quyết định phân công công việc trong Ban Tổng giám đốc PVN, vị trí này rất quan trọng khi giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày của các mỏ ngoài khơi và phụ trách ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố dầu tràn, cũng như vấn đề liên quan ngoài Biển Đông.

Ngoài ra, Tổng giám đốc Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam - SWPOC (hàm Phó Tổng giám đốc PVN) trong chuỗi dự án khí Lô B cũng nghỉ chế độ trong khoảng thời gian này. Vị trí này quan trọng vì SWPOC đang tiến hành các khảo sát, đấu thầu, giải tỏa mặt bằng ở dự án Lô B - Ô Môn.

Cả 2 vị trí trên đây, chưa xác định người thay thế và đều cần phải chờ tân Chủ tịch HĐTV PVN (hoặc người được phân công nhiệm vụ kiêm nhiệm) phê duyệt và bổ nhiệm. Theo quy trình bổ nhiệm hiện nay, việc PVN có tân Chủ tịch sẽ cần một khoảng thời gian khá dài, trong khi nhu cầu công tác cán bộ điều hành rất cấp thiết.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Thủ tướng Chính phủ cần sớm có giải pháp cho vấn đề này, giúp PVN tháo gỡ những bế tắc. Điều này, phù hợp tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ nhằm bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN ổn định và tuân thủ các Nghị định, Quy chế hoạt động của PVN đang có hiệu lực thi hành.

Cuối cùng, việc lựa chọn phương án nào sẽ là công tác cán bộ của Đảng và Chính phủ nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay của ngành Dầu khí Việt Nam. Nhưng dù theo hướng tiếp cận nào, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia: Đảng và Chính phủ cũng cần sớm có quyết định để PVN duy trì hoạt động ổn định, xuyên suốt giữa Quản trị - Điều hành, giữa Hội đồng Thành viên - Ban Tổng giám đốc cùng các đơn vị trên 5 lĩnh vực ngành./.


NGUYỄN LÊ MINH

Chú thích:

Trong bài có tham khảo các tài liệu sau đây:

1/ Nghị quyết 41 của Bộ chính trị năm 2015 về định hướng phát triển ngành dầu khí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

2/ Nghị quyết 55 của Bộ chính trị về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3/ Định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Ban kinh tế Trung ương.

4/ Nghị định số: 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (nắm giữ 100% vốn điều lệ).

5/ Nghị định 149/2013/NĐ-CP ban hành ngày 31/10/2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

5/ Chương trình hành động số 3204/Ctr-DKVN ban hành ngày 14/6/2019 của HĐTV PVN.

6/ Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2018 (bản điều chỉnh)

7/ Quyết định số 950/QĐ-DKVN về việc phân công công việc Ban Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày 10/7/2019.

8/ Quyết định số 4140/QĐ-DKVN ngày 24/8/2020 về việc ủy quyền điều hành HĐTV PVN.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động