RSS Feed for Ông Trần Sỹ Thanh: Sau 3 năm trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 13:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ông Trần Sỹ Thanh: Sau 3 năm trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

 - Được biết, sáng nay (24/8/2020), Văn phòng Quốc hội tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kinh tế Trung ương, Bí thư - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin điểm lại quá trình công tác gần 3 năm của ông và những thành tựu của PVN để bạn đọc có thêm thông tin. (Theo nguồn tin riêng của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, tạm thời, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN sẽ kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐTV PVN, trước khi Bộ Chính trị và Chính phủ có quyết định bổ nhiệm người thay thế).

Thủ tướng đề nghị Tạp chí Năng lượng VN tiếp tục đóng góp cho ngành dầu khí

Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam

ĐIỂM LẠI QUÁ KHỨ

Sau giai đoạn phát triển nóng và đầu tư dàn trải, ngoài ngành dẫn đến mất cân đối tài chính, mất vốn chủ sở hữu và thất thoát ở một số dự án lớn, Bộ Chính trị đã điều động ông Trần Sỹ Thanh về PVN nhằm tái cơ cấu để đưa ngành Dầu khí Việt Nam hoạt động chuẩn mực và phát triển bền vững.

Về mặt Đảng, ngày 24/12/2017, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trao Quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trần Sỹ Thanh vào 2 chức danh: Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.

Về mặt Chính quyền, ngày 3/1/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định bổ nhiệm ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.

Sở dĩ cần điểm lại các quyết định điều động và bổ nhiệm cả về mặt Đảng và Chính quyền, để thấy rằng, đề án tái cơ cấu toàn ngành và ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh ở PVN là nhu cầu bức thiết, được cả Bộ Chính trị và Chính phủ quan tâm. Ở đó, song song đề án tái cơ cấu, PVN cần cổ phần hóa và thoái vốn ở doanh nghiệp thành viên theo lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước nhằm hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, nhiệm vụ của ông Thanh còn là công tác cán bộ (gồm triển khai việc luân chuyển và bổ nhiệm các cấp lãnh đạo vì nhu cầu phát triển bền vững).

Về mặt lý luận và tổ chức, chức danh Bí thư - Chủ tịch HĐTV PVN không có trong cơ cấu Ủy viên Trung ương Đảng, vì vậy, Bộ Chính trị đã trao cho ông thêm chức danh Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nhằm đáp ứng 2 tiêu chí tương ứng 2 nhiệm vụ.

Thứ nhất: Ông vẫn có trong cơ cấu Ủy viên Trung ương để quy hoạch các chức danh trong chính quyền có hàm Ủy viên Trung ương sau khi hết nhiệm kỳ ở PVN.

Thứ hai: Chức danh Phó ban Kinh tế Trung ương sẽ giúp ông kết nối và tư vấn cho Bộ Chính trị về đường lối, chính sách với ngành dầu khí nói riêng và năng lượng nói chung từ thực tiễn quản trị ở PVN gần 3 năm qua.

Nhìn lại bức tranh tổng quan PVN trước khi ông Thanh về, khá ảm đạm. Theo đó, trước giai đoạn (trước năm 2006), PVN chỉ tập trung vào ngành nghề cốt lõi và thành công rực rỡ, đóng góp trên dưới 30% mức tổng thu ngân sách Nhà nước.

Giai đoạn từ 2006 đến 2011, được lợi từ giá dầu tăng cao, mức 100 - 120 USD/thùng dầu, PVN thúc đẩy đầu tư ngoài ngành, phát triển nóng và cơ cấu PVN phình to. Giai đoạn này và sau đó ít năm (cụ thể là 2012 và 2013), các hệ lụy chưa phát lộ do giá dầu duy trì trên mức 100 USD/thùng, tăng trưởng cục bộ gánh được cơ cấu hoạt động dàn trải dù các khoản chi phí đang lớn dần.

Giai đoạn sau đó, bắt đầu từ năm 2014 khi giá dầu bắt đầu sụt giảm từ dưới mức 100 USD/thùng đến năm 2017 thì dưới 40 USD/thùng, những rủi ro về dự án và mất cân bằng về tài chính bắt đầu phát lộ. Do các mỏ dầu khí đều nằm ngoài khơi, chi phí đầu tư thăm dò và khai thác tăng cao, mức 35 đến 40 USD/thùng. Các chi phí này, tính thêm chi phí vốn vay ngân hàng, khấu hao tài sản thì mức giá bán dưới 50 USD/thùng là hòa và lỗ.

Đầu tư dàn trải, mất kiểm soát, hậu quả là nhiều thành viên và dự án của PVN nợ âm vốn chủ sở hữu, không thể hoạt động như: PVC, xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Phú Thọ, Ethanol Dung Quất, Đóng tàu Dung Quất; các dự án nhiệt điện như: Thái Bình 2, Long Phú 1 chưa theo kịp tiến độ và có nguy cơ dừng dự án. Chưa kể, công ty bất động sản dầu khí (PVLand), và các dự án ở nước ngoài đang dừng hoạt động, có nguy cơ dừng hẳn dù PVN và PVEP đang gánh các khoản nợ vay ngân hàng, nhưng dự án có nguy cơ sẽ mất vốn chủ sở hữu.

Vì vậy, với tổng mức nộp ngân sách nhà nước năm 2007 (trên dưới 30%), sau 10 năm (năm 2017), PVN chỉ còn nộp chưa tới 10% ngân sách nhà nước (90,2 ngàn tỷ đồng), dù vẫn duy trì vị trí đứng đầu.

ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU

Hơn hai năm qua, PVN đã triển khai nhiều nhóm việc trong đề án tái cơ cấu, nổi bật gồm:

1/ Thu gọn cơ cấu phòng, ban Tập đoàn và các đơn vị để hoạt động ổn định và hiệu quả hơn.

2/ Tái cơ cấu hoạt động, SXKD của VSP, PVEP, BSR, PV Gas, PV Oil, PV Power và một số doanh nghiệp sản xuất khác như: PVFCCo, PVCFC... phù hợp tình hình mới.

3/ Đưa các tổng công ty, hoặc cơ cấu tương đương gồm BSR, PV Oil, PV Power lên sàn giao dịch chứng khoán lần đầu (IPO) nhằm hoạt động hiệu quả hơn.

4/ Tái cơ cấu nhóm các tổng công ty dịch vụ kỹ thuật như: PV Drilling, PTSC, PV Trans, Petrosetco, DMC, PVC, NASOS tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn.

5/ Sắp xếp lại hoạt động nghiên cứu khoa học, cơ cấu tổ chức của Viện Dầu khí Việt Nam, Đại học Đầu khí, Cao đẳng Dầu khí tinh gọn và chuyên sâu hơn.

6/ Về nhóm các dự án thua lỗ có rủi ro mất vốn: Đưa PVTex đi vào hoạt động hiệu quả, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất hiệu quả hơn. Về các dự án Ethanol, Ethanol Dung Quất đã hoạt động trở lại.

7/ Về đề án thoái vốn ở nhóm các tổng công ty dịch vụ kỹ thuật, PVN sẽ giãn lộ trình thoái vốn khi tình hình SXKD sáng sủa hơn (dự kiến 2022 - 2025).

Theo đề án, sắp tới, PVN sẽ thoái vốn ở BSR, PV Oil xuống mức dưới 50% và PV Power còn mức 51% để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn. Đối với PVEP, PVN sẽ tiếp tục cho tái cơ cấu các danh mục đầu tư, bao gồm việc chuyển nhượng các dự án không hiệu quả ở nước ngoài và trong nước nhằm tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm.

Đối với Viện Dầu khí và Đại học Dầu khí, PVN có thể sẽ cho hợp nhất thành một tổ chức (Học viện Dầu khí) nhằm duy trì hoạt động tinh gọn và tích hợp giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên ngành.

CÁC DỰ ÁN CỐT LÕI NGÀNH VÀ KHÍ - ĐIỆN

Trong 3 năm qua (tiếp nối trên nền tảng nhiệm kỳ trước để lại), PVN và các đối tác đã và đang triển khai hiệu quả các dự án lớn sau đây (chỉ nêu một số dự án nổi bật):

1/ Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt của nhà điều hành Idemitsu (ngoài khơi).

2/ Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 2) và đường ống Sao Vàng Đại Nguyệt (ngoài khơi).

3/ Dự án nâng cấp công suất nén khí cụm mỏ Bạch Hổ (Nhà điều hành VSP).

4/ Dự án LNG Thị Vải cung cấp khí cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (trên bờ).

5/ Về các dự án điện do quá khứ để lại: Thái Bình 2, Long Phú 1 đang được tháo gỡ vướng mắc để tái hoạt động.

Cũng trong 3 năm qua, PVN và các đối tác đã, đang xúc tiến các đàm phán thương mại để đưa vào triển khai các dự án sau đây (chỉ nêu một số dự án nổi bật):

1/ Dự án Cá Voi Xanh: Thúc đẩy các đàm phán (gần hoàn tất) cùng ExxonMobil và EVN (cả ngoài khơi và trên bờ).

2/ Dự án Lô B - Ô Môn: Thúc đẩy các đàm phán (gần hoàn tất) cùng PTTEP/MOECO và EVN (cả ngoài khơi và trên bờ).

3/ Dự án Kình Ngư Trắng (PVEP chuyển nhượng cho VSP làm điều hành).

4/ Dự án Cụm khí - điện Sơn Mỹ 2 (đang xúc tiến đàm phán thương mại và nghiên cứu khả thi).

5/ Dự án Nhiện điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (đã ký kết các hợp đồng thương mại và sẽ đấu thầu EPC vào năm sau).

Về công tác gia tăng trữ lượng dầu khí, trong tháng 7 vừa qua, PVN và đối tác đã công bố phát hiện mỏ khí Kèn Bầu có tiềm năng trữ lượng khí rất lớn ở miền Trung. Đây có thể xem là tiền đề để PVN gia tăng sản lượng khí gấp đôi hiện nay, từ 10 tỷ m3 khí/năm lên hơn 20 tỷ m3 khí/năm (chưa tính khí từ Lô B và Cá Voi Xanh).

QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhìn chung, trong nhiệm kỳ của ông Thanh, các phương án điều động, luân chuyển lãnh đạo cấp tập đoàn và các đơn vị được thực hiện khá tốt, đã tạo ra những khởi sắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về mặt quản trị, thông qua các quyết định của Ban Thường vụ, HĐTV mà nổi bật là Chương trình hành động, đã xác định nhóm lĩnh vực, nhóm việc đi kèm trách nhiệm của các lãnh đạo trong HĐTV và Ban Tổng giám đốc PVN, dễ triển khai, theo dõi và điều chỉnh.

Về mặt tư tưởng và thương hiệu ngành, thông qua “Cẩm nang Dầu khí” và Ban Truyền thông và Văn hóa Doanh nghiệp, PVN đã phần nào tái tạo được văn hóa dầu khí, nêu cao tinh thần đoàn kết của người dầu khí sau những đỗ vỡ của quá khứ.

Đối với các dự án và vụ việc do quá khứ để lại, tập thể Lãnh đạo PVN đã có những kiến nghị kịp thời với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Nhìn tổng quan, từ những nhóm chủ đề trên đây, Ban lãnh đạo PVN sẽ lấy làm nền tảng để chấm dứt 10 năm hệ lụy phát triển nóng và đi vào chu kỳ phát triển bền vững, tập trung vào cốt lõi gồm khâu đầu và khâu sau. Trong đó, điểm nhấn là sẽ ưu tiên thúc đẩy các đề án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi.

Trong 3 năm qua, có một số dự án hiện chưa theo kịp tiến độ do những nguyên nhân chủ quan và khách quan (liên quan đến các phê duyệt cấp bộ, ngành, Chính phủ), nhưng khách quan mà nói, ông Thanh (cùng tập thể Thành viên Hội đồng Thành viên, Ban tổng giám đốc PVN) đã làm được rất nhiều việc, từ những khối lượng công việc khổng lồ, chưa thống kê hết như trên đây.

Lẽ dĩ nhiên, trong thành công, có sự đồng lòng chung sức của tập thể lãnh đạo PVN và các công ty thành viên. Và hơn cả, là công sức phấn đấu không mệt mỏi của hơn 60 ngàn CBCNV của Tập đoàn, các đối tác, liên doanh, nhà thầu trong và ngoài nước.

Rời PVN lên Văn phòng Quốc hội, ông Thanh sẽ lại bắt đầu một trọng trách mới. Ở đó, mang kinh nghiệm tổng hợp từ quản lý ở Kho bạc Nhà nước, Đảng, Chính quyền cấp tỉnh và gần nhất là PVN, sẽ giúp ông làm tốt hơn vai trò của mình ở diễn đàn Quốc hội.

Đặc biệt, từ những kinh nghiệm thực tiễn gần 3 năm ở PVN và Phó Ban Kinh tế Trung ương, gồm nhiều nhóm chủ đề liên quan kinh tế - chính trị và an ninh - quốc phòng, ông sẽ tư vấn cho Quốc hội về chính sách đối với ngành Dầu khí Việt Nam và an ninh lãnh hải ở Biển Đông.

Vẫn còn đó những chồng lấn và bất cập trong Luật Dầu khí, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công khi áp dụng vào các dự án lớn ở PVN. Ở Quốc hội, hy vọng ông sẽ làm tốt hơn vai trò tư vấn sửa đổi các bộ Luật để dễ áp dụng hơn vì nhu cầu hợp tác đầu tư quốc tế về dầu khí.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng, trong tầm nhìn dài hạn không chỉ đóng vai trò trọng tâm về kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị và an ninh biển đảo, vì vậy, ông cần đóng góp vai trò tích cực hơn ở Quốc hội nhằm phê duyệt và thông quan các dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí.

CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ TẦM NHÌN DÀI HẠN

Có thể nói, hiện vẫn còn một số việc, đề án còn dang dở (chưa thoái vốn nhà nước triệt để ở nhóm tổng công ty dịch vụ, cơ cấu lại các dự án thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu), nhưng về tổng thể, ông Trần Sỹ Thanh (cùng tập thể Thành viên Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc đã giúp PVN) ổn định được tình hình.

Về các sai phạm, các vụ việc pháp lý liên quan đến các dự án do lịch sử để lại, các cơ quan hữu quan cũng đã xử lý gần như hoàn tất.

Về định hướng dài hạn, trong vai trò Phó Ban Kinh tế Trung ương, ông đã đưa được tinh thần Nghị quyết và Định hướng chiến lược ngành năng lượng của Đảng về PVN, để định hình định hướng chiến lược ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với lãnh đạo cấp Tập đoàn, hiện có một số gương mặt nổi bật, trong đó nổi lên vai trò lãnh đạo hạt nhân của ông Lê Mạnh Hùng, trong tầm nhìn dài hạn.

Hơn một năm qua, trong vai trò Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc PVN, ông Hùng đã làm rất tốt vai trò và trách nhiệm của mình. Ông được đánh giá là có bản lĩnh của người đứng đầu và uy tín cao (gần như tuyệt đối trong Ban chấp hành PVN). Là lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm thực tiễn, định hướng của ông luôn theo sát chủ trương đường lối của Đảng và Chính phủ, nhưng lại cập nhật tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy, các quyết định ông Hùng đưa ra, luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa quản trị và điều hành, giàu tính kỹ trị và có tính thực tiễn cao.

Về lãnh đạo các đơn vị thành viên, sau đề án tái cơ cấu cũng đã định hình được một số gương mặt nổi bật, đưa các đơn vị hoạt động chuẩn mực và hiệu quả hơn. Họ là một tập thể đoàn kết, bản lĩnh và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Theo thông tin mới cập nhật, hiện nhân sự thay thế ông Trần Sỹ Thanh có 2 phương án (từ Trung ương về, hoặc tại chỗ). Theo chúng tôi, phương án nào thì cũng cần sớm kiện toàn để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam duy trì hoạt động ổn định./.

(Còn nữa)

NGUYỄN LÊ MINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động