RSS Feed for Cần cơ sở pháp lý vững vàng hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 19:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần cơ sở pháp lý vững vàng hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG ở Việt Nam

 - Việc khánh thành, chính thức đưa vào vận hành Kho LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải đánh dấu một bước phát triển mới của ngành công nghiệp khí Việt Nam, hòa cùng xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Nhân dịp này, ông Phạm Văn Phong - Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã chia sẻ với báo chí về những mong muốn có cơ sở pháp lý vững vàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG, cũng như sớm hiện thực hóa giai đoạn 2 của dự án, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.
Phỏng vấn Chủ tịch HĐQT PV GAS trước ngày khánh thành giai đoạn 1 Kho cảng LNG Thị Vải Phỏng vấn Chủ tịch HĐQT PV GAS trước ngày khánh thành giai đoạn 1 Kho cảng LNG Thị Vải

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đang chuẩn bị tổ chức khánh thành Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, với khí thế bước sang một trang phát triển mới trong “Hành trình năng lượng xanh”. Nhân dịp này, ông Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PV GAS đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này và các định hướng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - Xu hướng của ngành năng lượng Việt Nam Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - Xu hướng của ngành năng lượng Việt Nam

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được biết đến vào cuối thế kỷ 19. Đến nay, loại khí này ngày càng được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Trong xu thế chung của nhân loại, Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia thị trường khí LNG.

Quy hoạch điện VIII - Vai trò, cơ hội và thách thức đối với Tổng công ty Khí Việt Nam Quy hoạch điện VIII - Vai trò, cơ hội và thách thức đối với Tổng công ty Khí Việt Nam

Tiếp theo chuỗi phản biện, đề xuất chính sách triển khai Quy hoạch điện VIII, Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu bài viết của chuyên gia Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Nội dung bài viết đề cập đến: (1) Tổng quan công suất, cơ cấu nguồn điện khí trong nước và LNG đến năm 2030; (2) Vai trò, cơ hội, thách thức của PV GAS khi triển khai đầu tư hạ tầng nhập khẩu LNG theo Quy hoạch điện VIII và (3) Các đề xuất, kiến nghị. Rất mong nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng, chuyên gia và bạn đọc.

Cần cơ sở pháp lý vững vàng hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG ở Việt Nam

Ông Phạm Văn Phong - Tổng giám đốc PV GAS: Mong muốn có cơ sở pháp lý vững vàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG, đảm bảo phát triển kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công trình Kho LNG 1 triệu tấn/năm (MMPTA) Thị Vải vừa được khánh thành và đưa vào vận hành thương mại trong chuỗi cung ứng LNG của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung?

Tổng giám đốc PV GAS: Là đơn vị chủ đạo của ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS đánh giá việc nhập khẩu LNG là phù hợp với xu thế năng lượng quan trọng và không thể đảo ngược trên thị trường năng lượng toàn cầu. Đây là giải pháp tối ưu để bổ sung kịp thời lượng khí tự nhiên thiếu hụt do nguồn cung khí nội địa suy giảm.

Việc đưa Kho LNG Thị Vải vào vận hành thương mại để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên phát triển điện khí được cụ thể hóa thông qua thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ các nhiên liệu truyền thống cho phát điện khác (như than, dầu) sang khí tự nhiên.

Việc nhập khẩu LNG bổ sung nguồn năng lượng mới, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia trên lộ trình thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng nhằm đáp ứng mục tiêu quan trọng phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình hiện thực hóa “cam kết xanh” của Việt Nam với thế giới.

Nằm ở vị trí thuận lợi trên luồng hàng hải sôi động Cái Mép - Thị Vải, hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải bao gồm:

- Cảng nhập LNG có khả năng tiếp nhận tàu LNG trọng tải đến 100.000 tấn, bồn LNG có sức chứa 180.000 m3 cùng với hai cụm tái hóa khí với công suất 171 tấn/giờ.

- Trạm xuất LNG bằng xe bồn, đường ống dẫn khí LNG tái hóa Thị Vải - Phú Mỹ, trạm giảm áp Thị Vải.

- Trung tâm điều hành chuỗi LNG đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, cũng như các yêu cầu về an toàn vận hành thông qua quá trình thẩm định chuyên sâu.

Hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải được đánh giá cao bởi độ chi tiết, tính khả thi và chặt chẽ giữa các khâu hoạt động.

Hiện nay, Kho LNG Thị Vải là kho LNG đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành thương mại. Điều này đã được khẳng định thông qua việc đón chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên cập bến và giao hàng vào tháng 7/2023, thời điểm xác lập vị trí Việt Nam trên bản đồ kinh doanh LNG thế giới.

Với những ưu điểm, lợi thế nêu trên và nhằm đảm bảo duy trì cung cấp khí cho các khách hàng hiện hữu và các dự án nhà máy điện mới theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt, PV GAS đang triển khai các thủ tục để nâng cấp hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải lên công suất 3 triệu tấn/năm (tương đương 4,2 tỷ m3 khí/năm) nhằm trở thành kho LNG trung tâm, là mắt xích quan trọng và là nguồn cung cấp năng lượng lớn cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cần cơ sở pháp lý vững vàng hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG ở Việt Nam

Đoàn cán bộ cấp cao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV GAS kiểm tra công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải.

PV GAS là đơn vị đầu tiên và cũng là duy nhất tại Việt Nam có đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG. Vậy, sau khi khánh thành Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, ông có thể chia sẻ về những dự định tiếp theo của PV GAS?

Tổng giám đốc PV GAS: Về công tác chuẩn bị nguồn LNG, ngoài triển khai hoàn thành công tác đầu tư hạ tầng LNG tại Thị Vải sẽ xây dựng các quy chế, quy trình vận hành, kinh doanh LNG, cũng như xây dựng nhân lực quản lý điều hành hoạt động vận hành, kinh doanh và chuẩn bị nguồn vốn. PV GAS đã ký kết các hợp đồng khung mua bán LNG với nhiều nhà cung cấp LNG hàng đầu trên thế giới song song với việc đàm phán các hợp đồng định hạn với các điều kiện tối ưu nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho nhu cầu của các hộ tiêu thụ.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh LNG, chuyến tàu LNG đầu tiên đến Việt Nam được PV GAS nhập khẩu và tiêu thụ thông qua Kho LNG Thị Vải vào tháng 7/2023, trước mắt phục vụ cho nhu cầu chạy thử Kho LNG Thị Vải và các hạ tầng kết nối với kho. Trong năm 2024, PV GAS có kế hoạch nhập khẩu các chuyến hàng kế tiếp để phục vụ khách hàng điện và khách hàng công nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ.

Trong tương lai gần, PV GAS sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng lõi phục vụ cho thị trường LNG tại Việt Nam với hệ thống Kho cảng LNG trung tâm trải dài các vùng, miền. Trong đó, tại Thị Vải, PV GAS đầu tư giai đoạn 1 với quy mô công suất là 1 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 tăng lên 3 triệu tấn/năm để cung cấp cho khu vực miền Nam. Với khu vực Nam Trung bộ sẽ đầu tư dự án kho LNG tại Sơn Mỹ với quy mô công suất là 3,6 - 9 triệu tấn. Đối với khu vực Trung bộ, Bắc bộ, Tổng công ty đang nghiên cứu triển khai các hệ thống kho cảng trung tâm tại khu vực Trung bộ, Bắc bộ để đảm bảo tính kết nối và tận dụng tối đa hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp khí mà PV GAS đã đầu tư trên toàn quốc.

Là một lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa từng có tại Việt Nam nên hiện nay các cơ chế, chính sách cho LNG vẫn chưa hoàn thiện, PV GAS có đề xuất gì đến Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có liên quan nhằm phát triển bền vững và hiệu quả ngành công nghiệp LNG tại Việt Nam?

Tổng giám đốc PV GAS: Là doanh nghiệp tiên phong trong việc hình thành, xây dựng, phát triển thị trường kinh doanh khí trong nhiều thập kỷ qua và tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong quá trình hình thành, phát triển của thị trường LNG hiện nay, PV GAS nhận thức được tính cấp thiết trong việc xây dựng các cơ sở pháp lý hiệu quả để Nhà nước điều tiết, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của thị trường LNG.

Cần cơ sở pháp lý vững vàng hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG ở Việt Nam

Lãnh đạo Chính phủ và Trung ương chúc mừng sự kiện khánh thành kho LNG đầu tiên của Việt Nam.

Với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng của quốc gia trên lộ trình chuyển dịch năng lượng xanh của Chính phủ, PV GAS mong muốn Nhà nước cần ưu tiên bổ sung LNG là nguồn khí thay thế khi nguồn khí nội địa đang suy giảm. Tương tự như ở các quốc gia phát triển, cần có cơ chế chuyển ngang bao tiêu khối lượng khí và giá khí LNG tái hóa cùng với các quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền phê duyệt nguyên tắc xác định giá LNG nhập khẩu, cước phí vận chuyển khí, tồn trữ, phân phối LNG... để có cơ sở ký kết hợp đồng mua bán khí LNG tái hóa với các nhà máy điện.

Với các chính sách về hạ tầng, để thúc đẩy sự phát triển bền vững thì hệ thống hạ tầng điện khí LNG của Việt Nam cần được phát triển theo mô hình kho LNG trung tâm (LNG Hub). Theo đó, các doanh nghiệp Nhà nước, hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS có nhiệm vụ phát triển hạ tầng LNG nhằm tận dụng năng lực tài chính, kinh nghiệm, nguồn nhân lực, cũng như cơ sở hạ tầng hiện có trong lĩnh vực công nghiệp khí để phát triển hệ thống hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG của quốc gia.

Đối với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành LNG, PV GAS đề xuất các bộ, ngành tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về lĩnh vực LNG nhằm đảm bảo thống nhất mặt bằng kỹ thuật đối với các chuỗi LNG.

Trân trọng cảm ơn ông!

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động