RSS Feed for Cần cân nhắc ‘cẩn trọng’ trước khi đầu tư dự án điện khí Bạc Liêu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 05:37
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần cân nhắc ‘cẩn trọng’ trước khi đầu tư dự án điện khí Bạc Liêu

 - Chiều ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng hoan nghênh tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các dự án năng lượng, trong đó có dự án Nhiệt điện khí LNG 3.200 MW; lưu ý tỉnh cần làm đúng quy trình, quy định của pháp luật, cẩn trọng, kỹ càng.

 

 

Thông tin về dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu


 



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu (ngày 26/2).

Chiều cùng ngày, trả lời những kiến nghị liên quan đến đầu tư xây dựng các dự án điện, hệ thống truyền tải điện của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Ủng hộ địa phương phát triển lĩnh vực năng lượng, tuy nhiên, cần cân nhắc thận trọng trước khi quyết định đầu tư để đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Liên quan đến dự án điện khí Bạc Liêu, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: "Hiện đã nhận được đề xuất bổ sung quy hoạch xây dựng các trung tâm điện khí sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng của 15 địa phương, với tổng công suất lên đến gần 50.000 MW, tuy nhiên, hiện mới chỉ có dự án điện khí 3.200 MW Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý bổ sung quy hoạch.

Để tổ chức thực hiện, Bộ Công Thương mong muốn chủ đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Trước hết, cần sớm lập báo cáo nguyên cứu khả thi, sau đó phải thống nhất và đi đến ký kết hợp đồng mua bán khí và mua bán điện giữa các bên liên quan làm cơ sở cho các nhà đầu tư huy động vốn để thực hiện dự án".

"Ủng hộ tỉnh Bạc Liêu phát triển lĩnh vực năng lượng, tuy nhiên, cần cân nhắc thận trọng trước khi quyết định đầu tư để đảm bảo hiệu quả lâu dài" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định.


Theo nhận xét của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, những lưu ý của Thủ tướng và Thứ trưởng Bộ Công Thương trong phát triển dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, công suất 3.200 MW (4 tổ máy) được xây dựng tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình là do có sự lo ngại. Bởi theo cam kết của Công ty Delta Offshore Energy (DOE) - Nhà đầu tư dự án này về giá bán điện (khoảng 7 Cent/kWh) - mức giá này thấp hơn giá thành sản xuất điện bình quân của nhiệt điện than miền Nam (khoảng 7,8 Cent/kWh) và giá thành sản xuất điện bình quân của hệ thống điện Việt Nam.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng hồi cuối năm ngoái, Bộ Công Thương cho biết: Sau khi tham chiếu ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu tính toán theo đúng quy định tại Thông tư 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương: Trong trường hợp giá khí bán cho dự án là 8,37 USD/MMBTU (theo kết luận tính toán tại Chương 4 của Đề án bổ sung quy hoạch), số giờ vận hành tương đương 6.000h/năm, giá điện của dự án sẽ là 8,39 US Cent/kWh (chưa tính chi phí đầu tư lưới điện đồng bộ).

Trong khi điều kiện địa lý của dự án này khá bất lợi. Cụ thể, cảng nhập LNG (mô hình cảng nổi như dưới đây) cách đất liền 35 km, chưa đánh giá chi tiết về luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng; vị trí xây dựng nhà máy điện khí LNG trên đất liền có nền đất yếu; khối lượng đường dây cần xây dựng để giải tỏa công suất khá lớn... Từ đó cho thấy, các yếu tố này sẽ làm tăng chi phí đầu tư, dẫn tới rất khó để đảm bảo giá thành sản xuất điện đạt 7 Cent/kWh như nhà đầu tư đề xuất.

Mô hình cảng nhập khẩu LNG nổi.


Mặt khác, tính toán sơ bộ cần phải xây dựng khoảng 355 km đường dây 500 kV để giải tỏa công suất (ước tính tổng mức đầu tư khoảng 285 triệu USD). Theo đó, các công trình lưới điện cần xây dựng bao gồm: Đường dây 500 kV Bạc Liêu - Long Phú (dài 70 km), đường dây 500 kV Bạc Liêu - Thốt Nốt (dài 130 km); đường dây Thốt Nốt - Đồng Tháp (dài 155 km).

Theo một số thông tin không chính thức, căn cứ để nhà đầu tư DOE tự tin với đề xuất giá điện 7 US cent/kWh là họ đã có các đối tác lớn của các công ty từ chây Âu, Mỹ tham gia từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn của chuỗi khí - điện (cung cấp LNG - vận chuyển - cảng, kho - đường ống khí - nhà máy điện), bao gồm cả huy động nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng... Tuy nhiên, như đã nêu trên, các khả năng xảy ra rủi ro vẫn còn cần được cân nhắc kỹ lưỡng./. 

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động