RSS Feed for Bối cảnh điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và nhiệm vụ tiếp theo của Bộ Công Thương | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 05/01/2025 03:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bối cảnh điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và nhiệm vụ tiếp theo của Bộ Công Thương

 - Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1710/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp một số nội dung liên quan đến bối cảnh điều chỉnh Quy hoạch và quan điểm chỉ đạo của Chính phủ để bạn đọc tham khảo.
Mười sự kiện tiêu biểu của ngành năng lượng Việt Nam năm 2024 và những băn khoăn, lo ngại Mười sự kiện tiêu biểu của ngành năng lượng Việt Nam năm 2024 và những băn khoăn, lo ngại

Dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ thông tin, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp; cũng như các tiêu chí bình chọn (tính đột phá, sự khác biệt, nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển) của các phân ngành năng lượng, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật trong năm 2024 của ngành năng lượng Việt Nam. Cùng với nhiều điểm ‘sáng’ được chọn là những băn khoăn, lo ngại được nêu ở phần cuối 10 sự kiện. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc.

Bối cảnh điều chỉnh Quy hoạch điện VIII:

Theo nội dung tờ trình phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Ngày 13/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15, yêu cầu đánh giá, rà soát Quy hoạch điện VIII. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội với chi phí hợp lý, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ với Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia.

Các yêu cầu này được củng cố thêm bởi Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị, chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2030, tầm nhìn 2050, và Nghị quyết số 139/2024/QH15 ngày 28/6/2024 của Quốc hội, đưa ra chỉ tiêu sử dụng không gian biển cho năng lượng tái tạo (như điện gió). Tuy nhiên, tình hình địa chính trị quốc tế bất ổn: Xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá nhiên liệu nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI vào ngành năng lượng... trong bối cảnh toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Dù đã xây dựng quyết liệt các cơ chế thực hiện Quy hoạch điện VIII, việc triển khai vẫn gặp nhiều trở ngại. Các dự án nhiệt điện khí LNG, chiếm 22.400 MW công suất đang bị đình trệ do khó khăn trong ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) và cung ứng khí (GSA). Đặc biệt, các dự án sử dụng khí trong nước (như Báo Vàng, Cá Voi Xanh) đối mặt với rủi ro lớn về trữ lượng và tiến độ vận hành.

Trong 11 dự án nhiệt điện than, thì 2 dự án lớn là Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (1.320 MW) và Sông Hậu 2 (2.120 MW) đã lần lượt bị dừng triển khai và chấm dứt hợp đồng BOT. Bên cạnh đó, các dự án điện gió ngoài khơi vẫn vướng mắc về quy hoạch không gian biển, cơ chế giao thí điểm và yêu cầu vốn đầu tư lớn, gây khó khăn trong triển khai.

Với các cam kết quốc tế về Net zero vào năm 2050, Chính phủ đã đề xuất tái khởi động chương trình điện hạt nhân. Đây được coi là hướng đi chiến lược nhằm bổ sung nguồn điện chạy nền, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn.

Việc chậm trễ trong triển khai các dự án nguồn, lưới điện đang kéo dài tiến độ vận hành, ảnh hưởng đến các mục tiêu cung cấp đủ điện và phát triển kinh tế, xã hội. Những khó khăn này đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các yêu cầu pháp luật.

Theo đánh giá, việc phân tích, dự báo chi tiết là cần thiết để xây dựng kịch bản phát triển điện lực tối ưu, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và hòa nhịp cùng xu hướng phát triển bền vững trên toàn cầu. Do đó, việc rà soát để điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện, kịp thời cho phát triển kinh tế, xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7942/BCT-ĐL ngày 8/10/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII và đề xuất chủ trương điều chỉnh. Ngày 15/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ này.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã liên tục phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan để thực hiện các nội dung trên. Từ ngày 15/10/2024 đến 31/10/2024, các văn bản đã được gửi đi để lấy ý kiến đóng góp từ nhiều bên. Ngày 19/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Thẩm định Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. (Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long được phân công làm Chủ tịch Hội đồng Thẩm định).

Đến ngày 26/12/2024, Bộ Công Thương tổ chức họp Hội đồng Thẩm định với sự tham gia của 21 thành viên. Kết quả lấy ý kiến cho thấy đa số đồng thuận thông qua nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch, với một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa thêm để hoàn thiện.

Một số nội dung về nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII (theo Quyết định số 1710):

Về quan điểm phát triển nguồn, Chính phủ đã nhấn mạnh đến vai trò của các nguồn điện mặt trời (tập trung, mái nhà, trên lòng hồ thủy lợi, trên mặt nước lòng hồ thủy điện); thủy điện tích năng; lưu trữ năng lượng và điện gió ngoài khơi.

Đặc biệt, phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trở thành nguồn điện nền quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu Net zero các bon đến năm 2050.

Về lưới điện, tạo lập liên kết lưới điện với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia...), nghiên cứu hợp tác, liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng sông Mê Công, các nước ASEAN để tận dụng tốt tiềm năng về năng lượng của từng nước, tối ưu hóa vận hành của hệ thống điện liên kết.

Về mục tiêu lập Quy hoạch:

1. Nhằm đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện của các năm qua, rà soát dự báo nhu cầu điện giai đoạn 2021-2024, đưa ra các phương án nhu cầu điện giai đoạn 2025-2030 và giai đoạn 2031-2050.

2. Nghiên cứu các phương án phát triển nguồn và lưới điện, lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tốt, có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế, xã hội, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên năng lượng, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo. Trong đó có xét đến trao đổi xuất, nhập khẩu điện với các nước trong khu vực, đề xuất các phương án phát triển hệ thống điện toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

3. Phân tích tính khả thi của phương án phát triển hệ thống điện về các mặt:

- Tiến độ xây dựng nguồn và lưới điện đồng bộ.

- Nguồn vốn và khả năng huy động vốn.

- Đánh giá về tác động môi trường và lập Báo cáo môi trường chiến lược (ĐMC) trong phát triển điện lực.

- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành điện.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, phương pháp lập quy hoạch là kết hợp, lồng ghép giữa quy hoạch phát triển điện lực với các quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; kết hợp giữa các tính toán và phương pháp chuyên gia; kết hợp giữa phát triển điện lực và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Thời hạn thực hiện nội dung trên được Chính phủ giao không quá 30 tháng (kể từ khi nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và lựa chọn xong đơn vị tư vấn)./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động