RSS Feed for Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về các vướng mắc tại dự án điện Ô Môn 3 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 19:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về các vướng mắc tại dự án điện Ô Môn 3

 - Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo về các vướng mắc liên quan dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Trong đó, Bộ Công Thương đặc biệt lưu ý: Nếu vướng mắc không được giải quyết dứt điểm có thể dẫn tới nguy cơ Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn không thể triển khai được.
Cập nhật tình hình hoạt động dự án khí Lô B - Ô Môn (tháng 4/2023) Cập nhật tình hình hoạt động dự án khí Lô B - Ô Môn (tháng 4/2023)

Theo nguồn tin Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Ban chỉ đạo dự án phát triển khai thác dầu khí Lô B - Ô Môn (của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) vừa ra thông báo kết luận yêu cầu các đơn vị, các ban chuyên môn tập trung mọi nguồn lực, với quyết tâm đạt được quyết định đầu tư (FID) vào tháng 6/2023, nhằm bảo đảm tiến độ thi công (dự án thượng, trung nguồn) để đón dòng khí về bờ vào năm 2026.

Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Nhìn từ 6 nội dung kiến nghị của PVN, EVN Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Nhìn từ 6 nội dung kiến nghị của PVN, EVN

Sau kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tới Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hỗ trợ thúc đẩy Chính phủ trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu 3 kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội xoay quanh các dự án hạ nguồn. Nhân sự kiện này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một vài đánh giá về các kiến nghị của 2 tập đoàn nêu trên.

Theo Bộ Công Thương: Dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 có tổng mức đầu tư hơn 25.200 tỷ đồng (trong đó vốn ODA là trên 17.600 tỷ đồng, vốn đối ứng là hơn 7.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các cơ quan, vẫn còn ý kiến khác nhau (giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp) về đề xuất áp dụng cơ chế cho vay lại vốn ODA.

Cụ thể là, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đề xuất thực hiện theo phương án “cho vay lại và không chịu rủi ro tín dụng”, còn Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo phương án “cho vay lại và chịu toàn bộ rủi ro tín dụng”.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Hiện không có ngân hàng thương mại trong nước nào có đủ hạn mức tín dụng để cho vay lại chịu rủi ro tín dụng toàn bộ khoản vay ODA của Chính phủ Nhật Bản cho dự án này. Còn nếu sử dụng từ 2 ngân hàng thương mại trong nước trở lên tham gia cho vay lại thì không phù hợp với quy trình giải ngân của phía Nhật Bản.

Do vướng mắc trên chưa được tháo gỡ nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về các vướng mắc tại dự án điện Ô Môn 3
Phối cảnh Trung tâm Điện lực Ô Môn.

Theo Bộ Công Thương: Với mục tiêu giảm phát thải carbon, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050, thì các nhà máy điện khí đóng vai trò quan trọng, do đây là loại hình trung gian trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Việc triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn phù hợp với xu thế trên và tận dụng được hết nguồn khí khai thác trong nước.

Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng: Đề xuất của EVN đưa dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại nguồn vốn ODA “không chịu rủi ro tín dụng” là có cơ sở.

Do đó, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương phát triển Nhà máy điện Ô Môn 3 là dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại nguồn vốn ODA mà cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật Quản lý nợ công năm 2017 và Nghị định số 97/2018/NĐ-CP.

Mặt khác, Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, hoàn thành trong tháng 5/2023.

Góc nhìn chuyên gia:

Đối với việc thu xếp vốn vay, trong bối cảnh Chính phủ không phát hành Bảo lãnh Chính phủ (GGU), theo phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Đây sẽ là vấn đề rất khó khăn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi phải chứng minh hiệu quả kinh tế, cũng như cam kết Net zero theo tinh thần COP26 đối với các khoản vay ODA từ Nhật Bản, cũng như các định chế tài chính, ngân hàng quốc tế. Theo đó, các dự án nhà máy điện (khâu hạ nguồn) có vòng đời 25 năm, nếu tính từ thời điểm đón dòng khí về bờ năm 2026 thì đã vượt qua năm 2050 - Đây sẽ là một trong những thách thức đối với việc thu xếp vốn vay từ các ngân hàng quốc tế.

Như chúng ta đều biết, vòng đời của dự án khâu thượng nguồn (theo phê duyệt FDP) là 23 năm. Vì vậy, ngay cả khi dự án được thông qua, PVN sẽ phải cấp bù khí cho các nhà máy điện những năm còn lại theo cam kết hợp đồng.

Cũng theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Các thủ tục liên quan đến Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn đã quá chậm trễ giải quyết. Một trong các nguyên nhân là các quy định chính sách không rõ ràng đã gây cản trở tiến độ.

Với dự án Nhiệt điện Ô Môn 3, thời gian thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài trên 4 năm 6 tháng (các cơ quan quản lý nhà nước không xác định được cơ quan thẩm định nên “chuyền ban” cho nhau, chờ ban hành nghị định mới). Vì vậy, đối với dự án khí, để có được quyết định đầu tư (FID) vào tháng 6 năm nay nhằm bảo đảm tiến độ thi công và đón dòng khí về bờ vào năm 2026, sẽ còn rất nhiều phạm vi công việc cần phải làm.

Cụ thể là hoàn tất đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại (hợp đồng mua bán khí, điện), phê duyệt thiết kế kỹ thuật (nghiên cứu khả thi cho các nhà máy điện), cũng như các phương án thu xếp vốn vay cho các dự án thành phần của PVN và EVN.

Đối với các cam kết thương mại, giá khí từ Lô B về đến cổng Trung tâm Điện lực Ô Môn được cho biết có thể tiệm cận tới hơn 14 USD/triệu BTU vào cuối năm 2026 - thời điểm dự kiến có dòng khí đầu tiên. Do đó, giá điện bình quân của Nhà máy điện Ô Môn 3, Ô Môn 4 sẽ ở mức cao hơn khá nhiều so với mức giá bình quân hiện nay và có thể gây khó khăn trong quá trình huy động phát điện (dù các nhà máy này không phải tham gia thị trường điện cạnh tranh).

Ngoài ra, đối với phê duyệt kỹ thuật (nghiên cứu khả thi các nhà máy điện), việc thay đổi thiết kế kỹ thuật để sử dụng nhiên liệu thay thế trong tương lai sẽ kéo theo thay đổi, theo hướng tăng chi phí đầu tư ban đầu.

Theo dự báo của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn sẽ còn rất nhiều phê duyệt có liên quan đến vốn nhà nước, từ đó phát sinh chậm trễ tiến độ. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các bộ, ngành, cũng như các nhà đầu tư cần phải có giải pháp tối ưu. Bởi Chuỗi dự án không chỉ đem lại lợi ích quốc gia (thông qua PVN, EVN), mà còn tạo dựng và tái khẳng định một môi trường đầu tư, hợp tác dầu khí nói riêng, cũng như kinh tế năng lượng nói chung năng động, chuyên nghiệp của thị trường Việt Nam thông qua các hợp tác liên Chính phủ và các nhà đầu tư quốc tế./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động