Ăn Tết ở Thủy điện Huội Quảng
15:38 | 17/01/2013
>> Thủy điện Sông Bung 2: “Hành trình chinh phục thử thách”
>> Thủy điện Lai Châu những ngày đầu năm - công trường rộn tiếng máy
>> 5 điểm sáng về công trình Thuỷ điện Sơn La
NGUYỄN TẤT LỘC
Đã 28 Tết mà công nhân ở mấy dãy nhà tập thể của các đội sản xuất trong công ty vẫn lục tục lên xe đưa đón ra hiện trường. Đây đó chỉ còn một vài căn có ánh điện sáng và tiếng nói của người phát thanh viên đài truyền hình Trung ương đang loan tin tức thời sự buổi sớm. Bảy giờ sáng mà sương mù vẫn đặc quánh xung quanh. Lần đầu tiên trong đời, ngót 40 năm, Liên mới có cuộc hành trình xa quê như thế này.
Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Đặng Thị Liên đã có những giờ giảng cho học sinh nghe những tiết học về câu chuyện trong tiểu thuyết “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, hay trong “Đồng bạc trắng hoa xòe” của Ma Văn Kháng. Hoàn cảnh diễn ra trong những trang tiểu thuyết đã in sâu vào trí tưởng của Liên, rằng nơi đó rừng rất âm u, rậm rạp, núi cao, vực sâu, sông núi chằng chịt và thú rừng nguy hiểm đến ghê rợn. Còn hôm nay, Liên đang đứng giữa “cái rốn” của một vùng rừng Tây Bắc sâu thẳm. Quê chị ở vùng lúa Thái Bình nên khi nghe tên những địa danh như Yên Bái - Lào Cai - Sơn La… đã là những nơi xa vời lắm lắm mà theo chị nghĩ cả đời chắc sẽ chẳng bao giờ đặt chân đến. Vậy mà cuộc hành trình này không chỉ đưa chị tới Sơn La, rồi qua Mường Bú, Mường La và bây giờ vào tới tận nơi chồng chị đang công tác còn phải đi vào sâu thêm 60km nữa.
Nơi đây là bản Huội Quảng. Trước khi chia tách, Huội Quảng thuộc huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên, nay thuộc huyện Mường La tỉnh Sơn La. Thuyết xưa kể lại: “Huội” là suối nước, “Quảng” là đọc chệch từ “hoảng” thành “quảng”. Dòng suối này là nhánh lớn của sông Nậm Mu, xuất xứ từ biên giới Việt - Lào (thuở xa xưa thường hay có nhiều đàn hoẵng trong rừng tìm đến kiếm mồi và uống nước) vì đó, mà người bản địa đặt tên là Huội Quảng.
Mấy ngày qua, mẹ con chị Liên được anh Long (chồng chị) đưa đi tham quan quanh khu vực công trường, được nghe toàn những cái tên đến lạ, nào là xã Nậm Păm, suối Nậm Chiến, bản Chiềng San, rồi Ngọc Chiến, Chiềng Lao, Nậm Mu… Ngay cả bé Thanh, cô con gái 7 tuổi của anh chị, cũng luôn miệng thắc mắc với bố Long về tên đất, tên bản, tên các cây rừng, con suối đến những ngọn núi xung quanh. Ở cùng chồng tại một lán trại nằm lọt thỏm trong thung lũng giữa núi rừng heo hút, có đêm Liên hỏi Long: "Ông xã này, hơn 10 năm đi xa nhà làm thủy điện tận Tây Nguyên, Bình Phước, vậy cảnh vật rừng, núi, sông, suối trong đó có gì khác ở đây không?". Long bảo: “Cho dù nơi nào, đã là thủy điện thì ở đó hầu hết là rừng sâu, núi đồi hiểm trở cả thôi, em ạ! Chắc em không tưởng tượng được rằng, quãng đường bữa trước anh đi đón 2 mẹ con em vào đây, nhờ có thủy điện Sơn La mà hàng trăm km đường được tu bổ, làm mới, những cây cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua sông Đà làm trục giao thông huyết mạch để nối vào những vùng sâu trong này. Mới ngót chục năm trước, hơn 70km đường từ Mường La vào nơi chúng ta đang nghỉ này vốn chỉ là những lối mòn đi bộ hoặc ngựa thồ sản phẩm của đồng bào các dân tộc qua lại mà thôi”.
Thì ra vậy! Cô giáo Liên chợt nhận ra rằng hơn bảy chục cây số vào tận Ban điều hành bằng xe ô tô lớn, nhỏ lưu thông trên nền đường rải đá, bê tông được làm mới để phục vụ công trình. Thảo nào suốt cả dọc đường đi, rừng không rậm rạp âm u, cây cối đã phát quang, nhiều trường - trạm được xây mới, các bản làng đều có điện sáng, nhà sàn xen kẽ nhà tầng bê tông còn mới. Nhiều trai bản bây giờ đã sắm xe máy chạy vù vù trên đường lớn. Cảnh tượng ấy khiến cô giáo Liên nghĩ lại những hình ảnh núi rừng Tây Bắc thuở xa xưa mà vợ chồng A Phủ từng sinh sống, chắc hẳn ngày nay cũng đã khác rồi.
Kỹ sư Phan Thanh Long tốt nghiệp Đại học Thuỷ Lợi năm 1989. Anh về nhận việc tại công trường Thanh niên Cộng sản tại Thuỷ điện Sông Đà - Hoà Bình. Bốn năm sau, Long cùng đơn vị Thủy công chuyển vào Tây Nguyên xây dựng Thủy điện Yaly, Sesan 3, rồi lên Bình Phước làm Thủy điện Cần Đơn. Vòng xoay nghề nghiệp đã cuốn hút tuổi trẻ khiến kỹ sư Long mê mải gắn bó với những công trình đào kênh, đắp đập… Hơn 10 năm say đắm với Tây Nguyên, kỹ sư Long đã trở thành cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm và chuyên môn cao. Long được điều ra Bắc làm thuỷ điện Hủa Na, cũng là vùng sâu miền núi phía tây Nghệ An. Vài năm nay, đến với công trường Huội Quảng, tuy là đơn vị chủ công, nhưng Phan Thanh Long vẫn cảm thấy điều gì hụt hẫng, một xí nghiệp 400 - 500 người mà việc làm luôn thất thường, lúc nghỉ lúc làm, máy móc thiết bị khi thiếu khi thừa.
Huội Quảng là dự án lớn 520MW, cho sản lượng điện 1.904tr/kWh hàng năm được xây dựng tại một vùng địa lý thuận tiện về nguồn nước cấp, giá thành hạ, vậy mà 4-5 năm xây dựng, các hạng mục công trình thực hiện chưa được là bao, thậm chí có hạng mục chưa được triển khai. Thủy điện Huội Quảng gồm 2 tổ máy với hàng chục nghìn tấn thiết bị các loại, có hai đường hầm mỗi cái dài 4,7km, đường kính 7,5m, một đập bê tông trọng lực cao 104m, chiều dài đỉnh 267m với hàng chục triệu m3 đất đá phải khoan nổ, đào đắp, vận chuyển… Cụm công trình đầu mối được xây dựng trên địa bàn Than Uyên, giáp tỉnh Lai Châu. Khu vực nhà máy đặt ở xã Chiềng Lao thuộc tỉnh Sơn La. Một công trình có tầm lớn như vậy, lẽ ra thời điểm này đã có nhiều hạng mục quan trọng được hoàn thành, nghiệm thu. Nhưng ở Huội Quảng lại thiếu những yếu tố cần thiết, đặc biệt là nguồn vốn, trong đó có sự giải ngân chậm từ phía Ngân hàng, theo đó, công tác thiết kế cũng không đảm bảo kế hoạch, việc giải phóng mặt bằng, đường giao thông trong công trình thì gập ghềnh, lồi lõm. Rồi thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, sạt lở nhiều cũng khiến cho công trình chậm lại. Ban điều hành tổng thầu cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó chủ yếu vẫn là thiếu tiền vốn mua sắm vật tư thiết bị, nợ lương công nhân dài dài do không quyết toán hoặc được ứng vốn từ nhà đầu tư.
Có lẽ, không thể để tình trạng trì trệ kéo dài thêm nữa, Ban quản lý dự án đã thực sự vào cuộc bằng việc thu xếp vốn cùng với ngân hàng giải ngân. Ban điều hành nhà tổng thầu đã phát động và ký giao ước thi đua giữa các lực lượng xây dựng trên toàn công trường nhằm giữ vững đội ngũ ngay cả trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch nhằm thi công các hạng mục chính, trước hết đảm bảo mục tiêu chống lũ năm 2013 thắng lợi.
Đơn vị của Phan Thanh Long là mũi nhọn chính của chiến dịch thi đua này, đó là công tác đổ bê tông tại đập chính và thi công cửa nhận nước. Vậy là, thêm một cái Tết nữa anh lại xa quê, xa nhà. Long nghĩ kế sách để thuyết phục vợ sao cho hấp dẫn để Liên vui vẻ phấn khởi nhận lời lên đơn vị cùng đón Tết với mình tại công trường. Thư cho Liên, Long viết rằng khi ở Tây Nguyên xa xôi quá, vả lại lúc đó con gái chúng mình còn nhỏ, nên anh không đón em vào thăm, nay ở Tây Bắc, rất hợp với điều mong mỏi của em. Long nhấn mạnh, gần đó có Thuỷ điện Sơn La hùng vĩ nhất Đông Nam Á, còn ngay bên cạnh là một công trình được xây dựng với nhiều nét độc đáo thú vị đang sắp hoàn thành. Tại đây, những cánh rừng bạt ngàn, có những loài hoa hiếm quý như hoa Ban trắng ngà, hoa Trạng Nguyên đỏ thắm, hoa Cúc Quỳ vàng rực trên dọc đường đi vào bản….
Thế là cô giáo Liên đã cùng con gái thực hiện một cuộc hành trình dài chưa từng có trong đời. Và, đúng như lời hứa, vào một buổi chiều ngày áp Tết, Long tự lái xe đưa vợ, con ra tham quan công trình Sơn La. Đứng trên mặt đập cao gần nửa cây số, Liên đứng tĩnh lặng thả hồn xuống hồ nước trong vắt, mênh mông, tràn trề tít tắp phía thượng nguồn. Chị có cảm tưởng mình đang chiêm ngưỡng một tác phẩm lung linh kỳ vĩ và chắc chắn rằng chị sẽ tự hào hơn hẳn bạn bè đồng nghiệp và những người dân vùng quê lúa chưa một lần lên Tây Bắc thưởng ngoạn những kỳ quan. Chưa hết, sau đó Long còn đưa vợ con đến thăm công trình Thuỷ điện Nậm Chiến cách đơn vị chừng 40km. Tại đây, người ta xây dựng một con đập Vòm hình vòng cung có một không hai ở nước ta; một đường hầm dẫn nước 10km đào xuyên trong lòng núi dài nhất Đông Nam Á. Đó là thành quả lao động sáng tạo của bạn bè đồng nghiệp của Phan Thanh Long làm nên.
Từ chuyến đi này, Liên mới thực sự hiểu hết những khó khăn, gian khổ mà chồng chị cùng cánh thợ xây dựng thuỷ điện đã phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy để hoàn thành những công trình. Nhưng có lẽ, hơn tất cả là sự kính trọng, thương yêu, nể phục những người thợ đã làm ra ánh sáng phục vụ Tổ quốc và Con người.
Chiềng Lao, tháng chạp năm Thìn
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Thủ tướng: Nhân dân hỏi liệu còn thêm Vina nào nữa
Ông Nguyễn Bá Thanh và câu chuyện 100 triệu ở Hà Nội!
"Nhận diện lợi ích nhóm"
Cảnh giác với “bẫy” nguy hiểm của Trung Quốc
Thách thức an ninh chủ quyền và bản lĩnh Việt Nam
Nhật Bản đã sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc
Chuyên gia quân sự Nga bình luận sức mạnh quân sự Trung Quốc