Ai Cập bắt đầu khai thác khí đốt bằng công nghệ fracking
11:05 | 18/12/2014
Khai thác khí đốt bằng công nghệ fracking.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Dầu khí Ai Cập Hamdi Abdel-Aziz cho biết Tập đoàn Apache Corp có trụ sở tại Texas (Mỹ) và Công ty Shell Ai Cập sẽ khoan thăm dò ba giếng tại Abu El-Gharadiq thuộc Sa mạc phía Tây của nước này với khoản đầu tư lên đến 40 triệu USD.
Dự án thí điểm này đòi hỏi phải sử dụng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy (fracking) hay bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đá phiến sét, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại bên trong lớp đất đá này. Kỹ thuật này hiện được cho là chìa khóa giúp Ai Cập khai thác tiềm năng lớn về dầu khí đang bị bỏ ngỏ, đồng thời mở ra hướng phát triển các nguồn năng lượng mới.
Một báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ năm 2013 khẳng định Ai Cập có trữ lượng khí đá phiến sét lớn, ước tính khoảng 100 nghìn tỷ feet khối (tcf), cao hơn so với dự trữ khí đốt tự nhiên thông thường ở mức 77 tcf. Trong khi đó, Chính phủ Ai Cập đang lên kế hoạch bắt đầu nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ năm 2015.
Ai Cập đã trở thành nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên với lượng lớn trong những năm gần đây do sự gia tăng tiêu dùng trong nước, đặc biệt là ngành điện, trong khi việc khai thác các nguồn khí thông thường bị cạn kiệt tạo ra sự khan hiếm trên thị trường nội địa. Mặc dù các chi phí để khai thác khí đá phiến sét cao hơn rất nhiều so với sản xuất khí tự nhiên thông thường, nhưng nó vẫn ít tốn kém hơn so với việc nhập khẩu LNG.
Theo phân tích của cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Osama Kamal, chi phí hóa lỏng khí, vận chuyển, bảo hiểm, chuyển khí dạng lỏng về dạng khí cũng như dịch vụ hậu cần liên quan đến việc nhập khẩu LNG sẽ có chi phí khoảng 14 USD/1 triệu BTU (đơn vị nhiệt lượng Anh), trong khi sản xuất khí đá phiến sét tại Ai Cập sẽ có mức phí khoảng 4-5 USD/1 triệu BTU.
Việc khai thác dầu và khí từ đá phiến sét trong những năm gần đây đã chứng kiến một sự bùng nổ, đặc biệt là tại Mỹ, nhờ sự phát triển của công nghệ mới. Chính phủ Ai Cập cũng đang cân nhắc lại giá khí của các công ty dầu mỏ nước ngoài, bao gồm cả Apache và Shell, để khuyến khích họ đẩy mạnh thăm dò và sản xuất tại quốc gia Bắc Phi này nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng nội địa ngày một gia tăng.
Công nghệ biến đổi điện năng thành khí
Nguồn: Vietnamplus