RSS Feed for 40 năm đánh dấu ngày ra đời ngành công nghiệp dầu khí biển Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 20:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

40 năm đánh dấu ngày ra đời ngành công nghiệp dầu khí biển Việt Nam

 - Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro được thành lập ngày 19/6/1981, hoạt động trên cơ sở Hiệp định liên chính phủ Việt Nam và Liên Xô (cũ) về hợp tác tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí trên Thềm lục địa Việt Nam, ký đầu năm 1980, đánh dấu ngày ra đời ngành công nghiệp dầu khí biển của nước ta, một bước tiến rất mới trên đường hiện đại đất nước.


Vietsovpetro: Mô hình hợp tác quốc tế kiểu mẫu thành công ở Việt Nam

Vietsovpetro và các nghiên cứu thầm lặng phía sau 'giọt dầu'


Lễ ký Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Liên doanh Dầu khí Việt - Xô vào ngày 19/6/1981.

Xuất phát từ những điều kiện vô cùng khó khăn về các điều kiện kinh tế - kỹ thuật - nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng sau ngày thống nhất, hiện nay Vietsovpetro đã có một đội ngũ gần 10.000 cán bộ công nhân viên, gồm chủ yếu là công dân Việt Nam và Nga, có trình độ chuyên môn kỹ thuật - quản lý cao, đủ năng lực điều hành toàn bộ hoạt động thăm dò - khai thác - vận chuyển - tàng trữ - phân phối sản phẩm trong nước và quốc tế, cũng như sản xuất thiết bị chuyên ngành và nghiên cứu khoa học - công nghệ - dịch vụ của một công ty dầu khí  tầm cỡ thế giới.

Các văn kiện của Kỳ họp Hội đồng Vietsovpetro lần thứ 53 đã đánh giá và ghi nhận những thành tích xuất sắc của tập thể CBCNV Vietsovpetro trong những năm 2020 đầy khó khăn khi phải đối mặt với  tình trạng giá dầu sụt giảm chưa từng thấy trong các năm trước đó do kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng, cũng như hậu quả của cuộc đối đầu khốc liệt giữa Liên minh OPEC - Nga và khối nước nằm ngoài OPEC, đứng đầu là Mỹ, để giành quyền điều hành thị trường dầu mỏ thế giới; đồng thời hoạch định chương trình sản xuất - kinh doanh của Vietsovpetro đến năm 2030 khi đại dịch Covid-19 phát triển, hoành hành chưa biết lúc nào dừng, và trong bối cảnh tình hình suy giảm nhanh sản lượng dầu khai thác tại Lô 09-1.

Trong  giai đoạn 2011 - 2020, sau 10 năm gia hạn Hiệp định, tổng trữ lượng thu hồi từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò của Vietsovpetro tăng thêm 39 triệu tấn dầu; sản lượng dầu khai thác đạt trên 50 triệu tấn, chiếm hơn 20% trong tổng số hơn 239 triệu tấn dầu khai thác từ ngày đầu Liên doanh đi vào hoạt động; doanh thu bán dầu khí trong 10 năm nói trên đạt trên 31 tỷ USD, chiếm đến 38% tổng doanh thu 83 tỷ USD đạt được từ trước đến đầu năm 2020, cộng với thu nhập từ hoạt động cung cấp dịch vụ cho bên ngoài trên 2,3 tỷ USD và đã triển khai thực hiện thành công kế hoạch sản lượng 2.999,4 nghìn tấn dầu, cũng như 76,6 triệu m3 khí thiên nhiên. Hơn 40% trong tổng số trích nộp Ngân sách Nhà nước và lợi nhuận của cả hai Phía được nộp vào ngân sách Chính phủ Việt Nam. 

Riêng trong năm 2020, sản lượng khai thác dầu đạt 3,42 triệu tấn (109,4% kế hoạch), sản lượng khai thác khí thiên nhiên đạt 77,2 triệu m3 (109,6% kế hoạch); đưa khí vào bờ đạt 1.202,26 triệu m3 khí; doanh thu bán dầu, khí và condensate  đạt 1.142 triệu USD (83% kế hoạch); tổng nộp NSNN Việt Nam và lợi nhuận hai Phía 872,2 triệu USD, riêng lợi nhuận hai Phía ở mức 250,26 triệu USD (124,5% kế hoạch).

Tuy các con số nêu trên còn là khá nhỏ so với nhu cầu kinh tế - xã hội của nước ta  hiện nay, cũng như so với tầm vóc của nhiều công ty dầu khí nước ngoài, nhưng Vietsovpetro có quyền tự hào chính đáng với những thành tích xuất sắc của mình không chỉ trong khuôn khổ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà cả trong ngành công nghiệp nói chung của Việt Nam. Đó đồng thời cũng là điểm nổi bật trong quan hệ hữu nghị hợp tác bền vững giữa 2 nhà nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Kỳ họp Hội đồng Liên doanh lần thứ 53 cũng đã xác định các chỉ tiêu, kế hoạch chủ yếu trong chương trình công tác năm 2021 của Vietsovpetro bao gồm:

Khai thác dầu khí, triển khai thực hiện kế hoạch sản lượng 2.999,4 nghìn tấn; sản lượng khai thác khí thiên nhiên dự kiến 76,6 triệu m3.

­Về công tác tìm kiếm thăm dò, dự kiến tiến hành 30.210 mét khoan, kết thúc khoan và thử vỉa 6 giếng; gia tăng trữ lượng dầu thu hồi dự kiến đạt 2,9 triệu tấn.

Về khoan khai thác, đảm bảo hoàn thành kế hoạch khoan 65.630 mét, kết thúc thi công và đưa vào khai thác 13 giếng mới, tiến hành 31 lượt sửa chữa giếng khoan, trong đó tại Lô 09-3/12 sẽ thực hiện 1 lượt sửa chữa lớn đặc biệt.

Về xây dựng các công trình biển, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tiến độ chế tạo, lắp đặt, xây dựng giàn BK-18A, giàn BK-19 để đưa vào vận hành vào tháng 10, 11 năm 2021; tiến hành đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị và thuê dịch vụ để xây dựng giàn nhẹ RC-10 và giàn ống đứng RC RB1 tại mỏ Rồng để đưa các giàn này vào vận hành trong năm 2022.

Về đầu tư trang thiết bị mới, áp dụng tổ hợp chương trình quản lý sản xuất nhằm mục đích kiểm soát và tối ưu trực tuyến hệ thống công trình vận chuyển, xử lý sản phẩm, hệ thống gaslift và bơm ép nước duy trì áp suất vỉa. Phù hợp với Nghị quyết Hội đồng và trên cơ sở Luận chứng KTKT mua ROV Work Class đã được phê duyệt, tiến hành tổ chức đấu thầu và thực hiện công tác mua sắm bằng nguồn tiền của Quỹ PTSX. Tiến hành các biện pháp cần thiết để thực hiện các hợp đồng sửa chữa tàu và khôi phục khả năng làm việc của cần trục tàu cẩu rải ống Trường Sa.

Về công tác mở rộng vùng hoạt động, thực hiện nhiệm vụ trong các chương trình công tác và ngân sách đã được Ủy ban quản lý phê duyệt và các nghĩa vụ đối với các lô hiện có; nghiên cứu và đánh giá tiềm năng dầu khí các lô mở, các lô dầu khí tiềm năng Thềm lục địa Việt Nam để xem xét khả năng Vietsovpetro tham gia đầu tư .

Về các chỉ tiêu tài chính, doanh thu năm 2021 dự kiến ở mức 1 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước Việt Nam dự kiến trên 410 triệu USD, lợi nhuận Phía Việt Nam gần 75 triệu USD và lợi nhuận Phía Nga là 72 triệu USD.

Về mở rộng thị trường phát triển dịch vụ mới, Vietsovpetro đã chủ động tìm kiếm, xây dựng các mối quan hệ và tiến hành làm việc với các đối tác, nhà đầu tư, nhà tư vấn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như: Tập đoàn Mainstream, Enterprise Energy, Asia Petroleum Energy Corporation, Novasia Energy, Macquarie, Innogy, Boskalis, Jan De Nul, Java Offshore, REE Cooperation, VIETSE, Tân Hoàn Cầu, Đông Đô, SGRE…

Vietsovpetro đã và đang thực hiện hợp tác phát triển điện mặt trời mái nhà, đồng thời, đã tiến hành chào các gói thầu EPC cho dự án điện gió TLP tại Malaysia cùng các dự án tại Việt Nam như: Dự án điện gió Duyên Hải V1.4, dự án điện gió Đông Hải 2, Viên An V3.5...

Để tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 2021 được giao, trong quý 1/2012, Vietsovpetro đã phát động phong trào thi đua rộng lớn, đến  ngày 31/3 kết quả sản lượng đạt được 797,2 nghìn tấn dầu và densate (104% kế hoạc quý, tương đương 88,6 % cùng kỳ năm 2020), sản lương khí đạt 18,0 triệu mét khối, đưa vào bờ 203,8 triệu m3 (gồm cả lượng khí của các đơn vị khác vận chuyển qua đường ống Bạch Hổ - Vũng Tàu).

Về các chỉ tiêu tài chính, trong 3 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán dầu khí tại Lô 09-1 đạt 327,0 triệu USD (108,4 % kế hoạch quý, đạt 80,8% so với cùng kỳ năm 2020), nộp Ngân sách Nhà nước đạt 156,8 triệu USD (108,4 % kế hoạch quý, bằng 80,9 % so với cùng kỳ); lợi nhuận hai Phía đạt 47,2 triệu USD (108,4 % kế hoạch quý, bằng 80,8 % so với cùng kỳ).

Kế hoạch trong quý 2, dự báo sẽ đạt sản lượng khai thác dầu/condensate là 758,1 nghìn tấn, thu gom và cung cấp vào bờ 225,44 triệu m3 khí; doanh thu bán dầu khí Lô 09-1 đạt 259,5 triệu USD. Lợi nhuận hai Phía đạt 37,6 triệu USD. 

Hiện nay, về hoạt động dịch vụ, Vietsovpetro đang tiếp tục chào thầu cho gói tổng thầu EPCI dự án điện gió Phú Cường - Sóc Trăng và đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất khả năng đầu tư một phần vào dự án điện gió ngoài khơi, cũng như tham dự các gói thầu cung cấp dịch vụ khảo sát địa chất công trình và địa vật lý đáy biển, tổng thầu dự án chế tạo - lắp đặt chân đế và thi công lắp đặt tua bin, xây dựng các công trình điện gió...

Với  tiềm năng trí tuệ lớn của cán bộ được đào tạo chính quy tại các trường đại học có tên tuổi ở Liên Xô cũ, cũng như ở các nước Đông Âu và trong nước được Tổng cục Dầu khí lựa chọn đưa vào làm việc trong Liên doanh, cùng với sự kèm cặp giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài đến từ Nga, Azerbaijean, Ucraina... có nhiều kinh nghiệm và các cán bộ quân đội có trình độ cao, chuyên ngành sang làm quản lý, công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng chế thiết bị và công nghệ mới trong Liên doanh được tổ chức có quy củ, phát triển rất nhanh và đã đạt được những thành tựu lớn cả về số lượng lẫn chất lượng khoa học.

Tiêu biểu trong các kết quả đó là các công trình trong các chuyên ngành thăm dò - khai thác, cơ khí, xây lắp công trình biển trong môi trường nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt cả trên mặt đất lẫn sâu trong lòng đất, được các cơ quan quản lý khoa học trong nước, cũng như quốc tế cấp chứng chỉ xác nhận quyền tác giả, được đưa vào ứng dụng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong 40 năm qua, Vietsovpetro cũng đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tác động tích cực đến sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội và tăng trưởng của tỉnh Bà Rịa - VũngTàu, xây dựng các nhà giàn DK, góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển, đã dành trên 70 triệu USD để giúp đỡ những địa phương khó khăn trên cả nước. Một thành tích quan trọng khác không thể không nhắc đến, đó là nơi đã đào tạo hàng ngàn cán bộ, chuyên gia, kỹ sư người Việt trong nhiều lĩnh vực, thông qua hoạt động đa dạng trong ngành dầu khí.

Hiện nay, Vietsovpetro đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động cải tổ, đổi mới cả về tổ chức, cơ chế quản lý, đào tạo nâng cấp nhân lực, trang bị thiết bị tiến bộ, mở rộng địa bàn sản xuất - kinh doanh trong nước lẫn ở nước ngoài, nhằm hiện đại hóa Liên doanh để nhanh chóng đuổi kịp trình độ khoa học - công nghệ quốc tế, chuẩn bị điều kiện cho việc thích nghi với các lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật mới trong ngành năng lượng sau kỷ nguyên dầu mỏ hóa thạch truyền thống, cũng như các đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tất cả những thành tựu của Liên doanh Vietsovpetro có được cho đến ngày hôm nay là kết quả lao động dựa trên chủ nghĩa yêu nước nồng nhiệt, sức mạnh sáng tạo của cán bộ - công nhân viên Liên doanh nói riêng và của con người Việt Nam đầy trí tuệ nói chung, kết hợp với những đóng góp trên tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Nga cũng như Liên bang Xô-Viết (cũ) và là kết quả tổng hợp của rất nhiều người có tên lẫn không tên thuộc nhiều thế hệ, kể cả máu của các liệt sỹ đã hy sinh để giành độc lập và bảo vệ biển trời của Tổ quốc mà chúng ta không bao giờ quên. Trong thời gian tới, tất cả cán bộ, công nhân của Vietsovpetro sẽ tiếp tục truyền thống vẻ vang của mình, góp phần đưa đất nước ta đạt đến ngưỡng văn minh cao của nhân loại./.

PGS, TS. TRẦN NGỌC TOẢN - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN DẦU KHÍ VIỆT NAM                 

 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động