RSS Feed for 25 năm thành lập TKV: Hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 15/10/2024 04:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

25 năm thành lập TKV: Hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá

 - Nhìn lại hành trình 25 năm thành lập Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV), ngày 10/10/1994 - 10/10/2019, trải qua rất nhiều gian nan, vất vả thăng trầm, nhưng các thế hệ thợ mỏ TKV hôm nay có thể tự hào về những thành tích và đóng góp của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Hành trình 25 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn là hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá.

TKV phát động thi đua cao điểm về sản xuất và tiêu thụ than

Những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, trước yêu cầu thống nhất quản lý hoạt động khai thác than, tránh thất thoát tài nguyên của đất nước, huy động sức mạnh tổng hợp để đáp ứng nhu cầu than cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, ngày 10/10/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 563/QĐ - TTg thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam.

Sau hơn 10 năm hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91, ngày 08/8/2005 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên thành Tập đoàn Than Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đây là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên được thành lập.

Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam gia nhập Tập đoàn, khi đó là tổng công ty trực thuộc Bộ Công nghiệp.

Từ đây cán bộ công nhân, người lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, lao động sáng tạo, tận tâm, tận lực trong sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng cho sự phát triển của Tập đoàn trong suốt chặng đường 25 năm qua.

Những kết quả nổi bật 

Thứ nhất, trong lĩnh vực kinh doanh chủ lực công nghiệp than: TKV đã đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành Than một cách bền vững để đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.

So với năm đầu thành lập (năm 1995), sản lượng than toàn ngành mới chỉ ở mức 7 triệu tấn. Hiện nay, sản lượng than sản xuất bình quân hàng năm của TKV đạt từ 40-45 triệu tấn, tăng gấp 7 lần. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, TKV đã khai thác được 700 triệu tấn, tiêu thụ 715 triệu tấn.

TKV đã thực hiện đào 5,2 ngàn km đường lò, gấp 3 lần chiều dài đất nước Việt Nam, bình quân đào 206 km/năm và bóc xúc 3,4 tỷ m3 đất đá, bình quân 128 triệu m3/năm.

Tổng doanh thu than từ 1,3 ngàn tỷ đồng năm 1994 tăng lên 62,26 nghìn tỷ đồng năm 2018, gấp 47,6 lần so với thời điểm Than Việt Nam ra đời; Năng suất lao động tính theo than nguyên khai năm 2018 đạt 572 tấn/người-năm, tăng 3,45 lần so với năm 1995.

TKV đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Với các mỏ hầm lò, TKV tăng cường sử dụng công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than cùng các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350 và - 500 mét. Tổng sản lượng than khai thác bằng cơ giới hoá toàn Tập đoàn từ năm 2002 đến hết 2017 đạt 12,75 triệu tấn. Nếu như năm 2008, tỷ lệ khai thác than bằng CGH chỉ chiếm khoảng 3% tổng sản lượng than khai thác, thì đến nay đã tăng lên 15%. Số mét lò chống bằng công nghệ neo năm 2019 vượt trên 40.000 mét, đạt trên 18% tổng số mét lò đào. Cùng với đó, cơ giới hoá, tự động hoá cũng được đẩy mạnh áp dụng vào các khâu thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước trong hầm lò.

Với các mỏ lộ thiên, Tập đoàn đã đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn, khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải tại Mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu m3/năm để giảm giá thành và cải thiện bờ mỏ. Cùng với đó, Tập đoàn đẩy mạnh hiện đại hóa khâu sàng tuyển, dịch vụ cung ứng than...

Thứ hai, TKV đã chủ động ứng dụng tự động hoá, tin học hoá vào quá trình SXKD và công tác quản lý điều hành. Từ cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị đều đã quan tâm đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung.

Hiện tại, TKV đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác điều hành sản xuất như:  Phần mềm hoá đơn điện tử; phần mềm “Quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khoẻ cho người lao động mỏ hầm lò”, Vòng nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các công ty than khai thác lộ thiên, “Hệ thống giám sát lưu chuyển than”…

TKV đã khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba, trong công nghiệp khai thác khoáng sản: TKV đã phát triển theo hướng tăng cường chế biến sâu, tạo ra sức đột phá mạnh mẽ, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của Tập đoàn.

TKV đã đầu tư đồng bộ các tổ hợp khai thác đến chế biến kim loại bao gồm: alumina, đồng, chì, kẽm, thiếc, gang thép, cromit và các kim loại khác. Mỗi năm, Tập đoàn sản xuất trên 11 nghìn tấn đồng tấm; 11 nghìn tấn kẽm thỏi, 180 nghìn tấn phôi thép.

Đặc biệt, với việc thực hiện thành công hai dự án thí điểm khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, TKV đã đặt nền móng cho nền công nghiệp mới của Việt Nam, đó là ngành công nghiệp chế biến alumin - nhôm. Năm 2018, TKV sản xuất và tiêu thụ 1,3 triệu tấn alumina, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 520 triệu USD; đã đóng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế Vùng Tây Nguyên. Các dự án bauxite đã bước vào giai đoạn có lãi.

Thứ tư, trên nền của ngành công nghiệp than, TKV đã phát triển thành công các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện; vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực khác liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.

Hiện tại, TKV đã đầu tư 7 nhà máy điện với tổng công suất thiết kế 1.730 MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ hàng năm của TKV từ 9,5 -10 tỷ kWh, với doanh thu 12,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Tính đến tháng 10/2019, TKV đã sản xuất và tiêu thụ 84 tỷ kWh điện, sản xuất và tiêu thụ 5,5 triệu tấn Alumin, sản xuất 950 tấn thuốc nổ, sản xuất và tiêu thụ 22 triệu tấn xi măng các loại.

Đặc biệt, giai đoạn 5 năm gần đây (2015 - 2019), khối khoáng sản, điện lực, hoá chất của Tập đoàn đã tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Tập đoàn. 

Cụ thể, doanh thu của khối khoáng sản, hóa chất và điện lực đã đạt xấp xỉ 30% tổng doanh thu của Tập đoàn với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,6%/năm; lợi nhuận chiếm tỷ trọng 34,4% toàn Tập đoàn. Điều này đã khẳng định chiến lược phát triển hết sức đúng đắn mà các thế hệ lãnh đạo của Tập đoàn đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện thành công.

Thứ năm, cùng với sự tăng trưởng về hiệu quả SXKD, đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện nâng cao.

Tiền lương bình quân của người lao động hiện nay đạt trên 11,6 triệu đồng/người-tháng, tăng 17,6 lần so với khi thành lập. Trong đó, tiền lương của thợ mỏ hầm lò năm 2018 đã đạt bình quân 18 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, số thợ mỏ có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm ngày một đông đảo.

Năm 2018 có 792 thợ mỏ có thu nhập cao trên 300 triệu đồng, và đã bắt đầu có nhiều thợ mỏ đã có mức thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Số vụ tai nạn lao động giảm hàng năm, năm sau giảm hơn năm trước.

Hiện nay trong Tập đoàn có 25 đơn vị có nhà ở tập thể cao tầng cho công nhân với 3.945 phòng ở. Hầu hết đã đầu tư trang bị máy điều hòa nhiệt độ, máy lọc nước, máy giặt, khu rèn luyện thể chất, nhà sinh hoạt văn hoá phục vụ đời sống tinh thần cho thợ mỏ.

Ngoài việc thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định chung của Nhà nước, TKV còn thực hiện thêm các chế độ phúc lợi đặc thù cho thợ mỏ hầm lò như hỗ trợ miễn phí các chi phí đào tạo nghề, điều trị rửa phổi, bố trí xe ô tô đưa đón đi làm, ăn định lượng, tắm nước nóng và giặt quần áo bảo hộ lao động, làm sạch mũi sau ca làm việc, tham quan, du lịch ở trong và ngoài nước.

Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm đến đội ngũ thợ mỏ. Theo đó chế độ nghỉ hưu của thợ mỏ hầm lò được giảm 10 tuổi so với quy định. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ngành khi tới thăm và làm việc với TKV đều đặc biệt đánh giá cao việc Tập đoàn đã thực hiện tốt các chế độ chính sách và nỗ lực chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho cho người lao động.

Thứ sáu, với chiến lược phát triển bền vững, trong 25 năm qua, TKV đã giải quyết cơ bản những tác động của quá trình khai thác tới môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và nhiều địa phương khác.

Hàng năm, chi phí giành cho công tác môi trường của TKV lên tới với chi phí gần 1000 tỷ đồng. Tập đoàn đã trồng cây phủ xanh trên 1.000 ha bãi thải, tương đương 30% diện tích bãi thải ngoài hiện có; lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động theo dõi lượng bụi, khí phát thải; đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ công suất trên 120 triệu m3/năm, đảm bảo 100% nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường

Cùng với đó, TKV đã tiến hành di chuyển nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật sản xuất than ra khỏi các trung tâm thành phố, góp phần cải thiện môi trường cảnh quan và phát triển đô thị của Vùng Mỏ.

Thứ bảy, hoạt động SXKD của TKV luôn có lãi, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, đồng thời không ngừng tăng cường năng lực tài chính của Tập đoàn.

Liên tục từ năm 2005 đến nay, lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn Chủ sở hữu của TKV luôn đạt mức cao trung bình từ  32 - 42 %. Những năm đầu thành lập, vốn chủ sở hữu là 900 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 35 ngàn tỷ, gấp 37 lần, hoàn toàn do TKV tự tích luỹ. Tổng tài sản là 129 ngàn tỷ, tăng 5,38 lần so với năm 2005. Doanh thu tăng từ 1.850 tỷ lên hơn 124.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng từ 12 tỷ lên 4.950 tỷ đồng. Tính chung 25 năm, tổng doanh thu của TKV đạt 1.121 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận: 60 ngàn tỷ đồng.

Thứ tám, TKV đã luôn hoàn thành nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước ở mức cao nhất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thương mại và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.

Theo thống kê, nộp ngân sách Nhà nước đã tăng từ 120 tỷ đồng năm 1995 lên 17.800 tỷ đồng năm 2019. 25 năm hoạt động, TKV đã nộp Ngân sách Nhà nước 164 ngàn tỷ đồng. Dự kiến năm 2019 nộp ngân sách nhà nước gấp 148 lần so với năm 1995.

Trên hành trình 25 năm hình thành và phát triển, TKV luôn hoàn thành xuất  sắc nhiệm vụ Chính phủ giao, là doanh nghiệp nòng cốt chịu trách nhiệm sản xuất, cung ứng than cho nền kinh tế. Cùng với PVN, EVN, TKV là một trong ba trụ cột, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ chín, TKV cũng đồng thời là công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Thông qua việc kiểm soát giá bán than của TKV, Nhà nước đã điều tiết giá đầu vào của các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là than dùng để phát điện, từ đó góp phần bình ổn sản xuất trong nước và ổn định đời sống nhân dân.

Thực tế từ năm 2014 trở về trước, giá than của TKV bán cho các nhà máy điện luôn thấp hơn giá thành sản xuất, cụ thể: năm 2011 thấp hơn giá thành 5,6 ngàn tỷ đồng, năm 2012 thấp hơn giá thành 6,4 ngàn tỷ đồng, năm 2013 thấp hơn giá thành 3 ngàn tỷ đồng... Nói cách khác, lợi nhuận của TKV đã được điều tiết cho ngành điện và một số ngành khác để thực hiện chính sách điều tiết vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước.

Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế của cả nước, trong 25 năm qua từ Tổng Công ty Than Việt Nam đến Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày nay, TKV đã có quan hệ hợp tác và là bạn hàng thân thiết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, các Ngân hàng Thương mại, các Doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế của Việt Nam. TKV cũng là bạn hàng, đối tác tin cậy của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và định chế tài chính lớn trên thế giới ở ASEAN, ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ…; TKV - Vinacomin có được thành công như hôm nay là nhờ sự hợp tác, giúp đỡ to lớn và hiệu quả của các bạn hàng, đối tác.

Thứ mười, trong quá trình hoạt động, TKV luôn chú trọng đầu tư cải thiện môi trường vùng mỏ, tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội, góp phần đảm bảo tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GDP của các địa phương nơi có hoạt động của TKV, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Thái Bình, Bắc Giang… góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ KT-XH các địa phương này.

Vai trò tham gia giữ vững ổn định, phát triển kinh tế và xã hội của địa phương và đất nước của Tập đoàn TKV được thể hiện rõ nét nhất tại tỉnh Quảng Ninh với việc đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh xã hội cho khoảng 30 - 35% dân số của tỉnh Quảng Ninh. Phần nộp ngân sách của TKV giai đoạn 2010 ÷ 2018 chiếm tỷ trọng khoảng 42% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh và bằng 70% tổng thu nội địa của tỉnh.

TKV cũng là doanh nghiệp Nhà nước điển hình về các hoạt động xã hội từ thiện. 10 năm liên tục trở lại đây, TKV luôn tích cực tham gia Chương trình 30A của Chính phủ giúp đỡ 3 huyện nghèo thuộc các Tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lâm Đồng, ngoài ra còn tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện của Tỉnh Quảng Ninh và các địa phương khác với kinh phí hàng năm hàng trăm tỷ đồng.

Mục tiêu chiến lược của Tập đoàn là xây dựng TKV thực sự trở thành một Tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh, có thương hiệu và sức cạnh tranh trong khu vực, có cơ cấu sản xuất - kinh doanh hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực SXKD than - khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp; cơ khí, vật liệu xây dựng; mở rộng hợp tác kinh doanh quốc tế; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy các ngành kinh tế đất nước cùng phát triển.

Đứng trước yêu cầu của sản xuất và những thách thức của thị trường, hơn bao giờ hết, TKV xác định việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện tổ chức hệ thống để tạo ra năng suất cao hơn, sức cạnh tranh tốt hơn là những nhiệm vụ quan trọng mà toàn Tập đoàn đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Tính đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn có 68 công ty con và đơn vị trực thuộc; trong đó 27 chi nhánh và văn phòng đại diện trực thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn; 41 công ty con, trong đó có 30 công ty con cổ phần do Tập đoàn giữ quyền chi phối, 4 công ty TNHH một thành viên do Tập đoàn nắm 100% vốn điều lệ, 5 đơn vị sự nghiệp có thu hạch toán độc lập.

Tổng số CNCB toàn Tập đoàn theo danh sách đến thời điểm 30/9/2019 là trên 97 ngàn người. TKV và các đơn vị trực thuộc đang hoạt động tại 42 tỉnh thành trên cả nước./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động