RSS Feed for "Vinacomin đang tính việc đầu tư nhà ở cho gia đình thợ lò" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 13:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Vinacomin đang tính việc đầu tư nhà ở cho gia đình thợ lò"

 - Đây là một trong những giải pháp đồng bộ đang được ngành Than tính đến nhằm giữ chân và thu hút được đội ngũ thợ lò.

>> Ngành Than tăng cường đầu tư nâng cao năng lực sản xuất
>> Vinacomin tăng 5% lương cho thợ lò

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Lê Minh Chuẩn cho biết, theo quy hoạch phát triển đến năm 2020 của ngành Than, mục tiêu sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành đạt từ 60-65 triệu tấn, trong điều kiện các mỏ than lộ thiên ngày càng đến giới hạn và buộc phải mở ra các mỏ than hầm lò ở các điều kiện sâu hơn, xa hơn. Rõ ràng đây là một thách thức rất lớn của Tập đoàn.

Trước những khó khăn đó, để cung cấp than cho nội địa, ngành Than phải thực hiện quyết liệt các giải pháp như: Tổ chức tiến hành thăm dò tài nguyên, bổ sung cho trữ lượng tài nguyên… Đồng thời, lập các dự án đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển mỏ đi đôi với đổi mới về công nghệ khai thác hầm lò, cũng như kĩ thuật an toàn mỏ để tăng năng suất toàn ngành, giá thành than hạ, giá thành cung cấp cho thị trường ở mức có thể chấp nhận được. 

Từ nay đến năm 2015, ngành Than phải thực hiện 5 dự án mỏ mới, trong đó có Mỏ Khe Chàm III với sản lượng 2,4 triệu tấn/năm; Hầm lò giếng đứng-300 với sản lượng 2,5 triệu tấn/ năm; Mỏ hầm lò Núi Béo lộ trình đến năm 2017 sẽ ra tấn than đầu tiên, sản lượng 2 triệu tấn/năm…

“Với các dự án và lộ trình như vậy, Vinacomin sẽ đáp ứng được nhu cầu than cho nền kinh tế ổn định từ nay đến năm 2015. Dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ phải nhập một lượng than nhất định để cung cấp cho cả nền kinh tế”, ông Lê Minh Chuẩn cho biết.

Với bài toán nguồn nhân lực, ông Lê Minh Chuẩn thừa nhận thực tế đang diễn ra là sức hút của nghề thợ mỏ, nhất là công nhân hầm lò, số người bám trụ với nghề không nhiều như trước.

Theo Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn, một trong những cản trở lớn nhất đối với việc thu hút công nhân hầm lò là tính rủi ro của nghề này luôn cao hơn các ngành nghề khác. 

Để thu hút nhân công mới, cũng như nâng cao đời sống cho công nhân mỏ, những năm qua Vinacomin luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cũng như chế độ đãi ngộ dành cho công nhân. Tiền lương bình quân thợ lò năm 2014 khoảng 10 triệu đồng/tháng.

 “Tuy nhiên, ngoài tiền lương, phương tiện đi lại làm việc cho công nhân, Vinacomin đang tính đến việc đầu tư nhà ở cho cả gia đình thợ lò. Nếu giải quyết đồng bộ những giải pháp này thì sức hút cho nghề thợ lò sẽ tăng lên” - Chủ tịch Vinacomin cho hay.

Ngoài ra, Vinacomin đã đề nghị với Chính phủ về vấn đề thâm niên cho thợ lò, nếu được thông qua sẽ thu hút nhiều lao động cho ngành Than, đặc biệt công nhân hầm lò sẽ gắn bó hơn với nghề.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động