RSS Feed for Thủ tướng đồng ý xuất khẩu 2,05 triệu tấn than/năm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 19:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủ tướng đồng ý xuất khẩu 2,05 triệu tấn than/năm

 - Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc được xuất khẩu 2,05 triệu tấn than/năm (trong giai đoạn 2016 - 2020).

TKV đẩy nhanh các hợp đồng xuất khẩu để giảm tồn kho
TKV cam kết chủ động đáp ứng than cho thị trường

Trước đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu 2,05 triệu tấn than có chất lượng cao mỗi năm, trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, 2 triệu tấn thuộc về TKV và 50.000 tấn thuộc về Tổng công ty Đông Bắc.

Theo Bộ Công Thương, việc xuất khẩu than của giai đoạn 2011 - 2015 có xu hướng giảm mạnh, từ 16,979 triệu tấn vào năm 2011, xuống còn 6,125 triệu tấn vào năm 2014 và chỉ còn 1,2 triệu tấn vào năm 2015. Hoạt động xuất khẩu than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc giai đoạn 2011-2015 là phù hợp với quan điểm phát triển ngành than đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trong giai đoạn tiếp theo, nhu cầu tiêu thụ than trong nước cho điện, tính toán theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, cũng có sự tăng mạnh. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cân bằng cung - cầu than cho các hộ tiêu thụ trong nước, với nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho điện trước, còn lại cân đối cho các hộ khác ngoài điện cũng cho ra kết quả, lượng than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không hết sẽ dao động quanh mức 2,1 triệu tấn mỗi năm, từ nay tới năm 2030.

Nếu sử dụng các loại than có chất lượng cao cho nhà máy nhiệt điện sẽ không tăng được giá trị gia tăng của các loại than này, dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả tài nguyên than. Trong khi đó, 1 tấn than cục, than cám chất lượng cao có giá trị xuất khẩu tương đương 1,5 đến 2 triệu tấn than cám cho sản xuất điện.

Việc cho phép xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao sang Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn được Bộ Công Thương nhận định, sẽ là điều kiện để Chính phủ Nhật Bản tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than mà không cần bảo lãnh của Chính phủ, với lãi suất ưu đãi và thời hạn kéo dài khoảng 5 năm . Cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

Đó là chưa kể tới hàng loạt hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn Dầu mỏ khí đốt và Khoáng sản quốc gia Nhật Bản, đang trợ giúp thực hiện Dự án đào tạo nhân lực chuyển giao kỹ thuật khai thác và đảm bảo an toàn mỏ than, hiện đã bước sang năm thứ 14, với số tiền luỹ kế là 85 triệu USD; hay Dự án Đào tạo nhân lực cho Trung tâm Quản lý khí mỏ, với kinh phí tương đương 100 triệu USD của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… chỉ để đảm bảo mua được than chất lượng cao của Việt Nam.

Trong khối lượng than xuất khẩu có điểm đến là Hàn Quốc với 1 triệu tấn/năm, điều này sẽ giúp ngành than có điều kiện khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài có bảo hiểm tín dụng Hàn Quốc.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động