RSS Feed for Than Đèo Nai: Vang mãi bản hùng ca vùng mỏ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 22:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Than Đèo Nai: Vang mãi bản hùng ca vùng mỏ

 - Ở vùng than Cẩm Phả, bên bờ Vịnh Bái Tử Long, cái tên Núi Trọc - Đèo Nai đã gắn bó máu thịt với biết bao thế hệ người vùng Mỏ. Nơi đây từng là cái nôi của phong trào công nhân Việt Nam, đặc biệt là cuộc Tổng bãi công của trên ba vạn thợ mỏ, diễn ra vào ngày 12/11/1936. Từ thân phận nô lệ, sớm ngày chịu cúp phạt, đòn roi, thợ mỏ Đèo Nai đã anh dũng đứng lên rũ bỏ xiềng xích, trở thành người làm chủ. Từ một công trường của Xí nghiệp than Cẩm Phả, Mỏ Than Đèo Nai (nay là Công ty cổ phần Than Đèo Nai-Vinacomin) đã chính thức được thành lập vào ngày 1/8/1960.


Duy trì sản lượng khai thác than và 4 nhóm vấn đề cần giải quyết


Ngược dòng lịch sử, vào năm 1955, khi những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi vùng Mỏ, những người thợ mỏ Đèo Nai năm ấy đã tập trung khắc phục mọi khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị để khôi phục lại sản xuất. Một cách thần tốc, cuối năm 1955, Công trường Than Đèo Nai đã trở lại sản xuất bình thường. Với sự giúp đỡ kịp thời của Chính phủ Liên Xô, từ năm 1956 công trường Than Đèo Nai đã có thêm nhiều xe, máy, thiết bị phục vụ sản xuất than; hình thành ban quản lý, điều hành nhịp nhàng, đồng bộ; nhiều tầng sản xuất được mở rộng; công nhân được tuyển dụng đào tạo thêm; sản lượng than khai thác cơ bản đáp ứng được yêu cầu cung cấp than cho nền kinh tế đất nước. Đèo Nai khi đó với các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống, học tập bổ túc văn hóa đã trở thành đơn vị có thành tích xuất sắc nhất, dẫn đầu của ngành Than được biểu dương.

Ngày 30/3/1959, một vinh dự lớn lao duy nhất của ngành Than cả nước là sự kiện Bác Hồ đã về thăm Công trường Than Đèo Nai. Trên tầng than đầy nắng và gió, Bác đã dặn: “Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng. Để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.

Hình ảnh Bác Hồ với ánh mắt sáng ngời, nụ cười đôn hậu, phong thái gần gũi và một giọng nói ấm áp đầy sức thuyết phục đã khắc ghi trong tâm trí của mỗi người cán bộ, thợ mỏ. Ai nấy đều tâm niệm phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện tốt lời dạy của Người. Không lâu sau ngày đón Bác Hồ về thăm, Mỏ Than Đèo Nai chính thức được thành lập vào ngày 1/8/1960. Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, thợ mỏ Đèo Nai ra sức thi đua lao động sản xuất, bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Khắp các tầng than, không khí thi đua sôi nổi không kể ngày hay đêm.

Từ năm 1961 đến năm 1965, năm nào mỏ cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao và liên tục đạt sản lượng than cao nhất vùng mỏ Quảng Ninh. Tháng 2/1965, Bác Hồ về đón tết với nhân dân và cán bộ khu Hồng Quảng. Bác đã tặng “Cờ thi đua luân lưu khá nhất” cho ngành Than và Bác đã trực tiếp giao cho Mỏ Than Đèo Nai tạm giữ cờ luân lưu đó. Tiếp đó ngày 25/4/1965, khi nghe tin Mỏ Đèo Nai hoàn thành vượt mức kế hoạch quý I/1965, Bác đã gửi thư khen ngợi: “Bác vui lòng nhận được báo cáo mỏ đã hoàn thành tốt kế hoạch quý I/1965. Bác mong các cô chú nhân đà thắng lợi đó cố gắng hoàn thành kế hoạch cao hơn nữa”.

Niềm vui trong lao động sản xuất vừa được thổi bùng lên trong kế hoạch 5 năm đầu tiên đã phải thử thách trong bão táp của chiến tranh. Giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, dưới mưa bom bão đạn, mỗi tấn than làm ra không chỉ thấm đẫm mồ hôi mà còn có cả máu và nước mắt của những người thợ mỏ Đèo Nai để chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Ngày 7/6/1972, lực lượng tự vệ của Đèo Nai đã anh dũng chiến đấu và bắn rơi được 1 máy bay Mỹ, góp phần vào thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của vùng Mỏ trên bầu trời miền Bắc. Chính những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và lao động sản xuất, Đèo Nai vinh dự 4 lần được nhận cờ thi đua luân lưu khá nhất của Bác Hồ.

Trong giai đoạn khó khăn của những năm 1999-2000, Đèo Nai đối mặt với rất nhiều sóng gió. Diện tích khai trường hẹp, trữ lượng tài nguyên giảm, đời sống công nhân sa sút. Trước thử thách đó, đội ngũ lãnh đạo và những người thợ mỏ Đèo Nai lại một lần nữa khẳng định sức mạnh từ tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm” để vượt qua cơn bĩ cực. Ngày 1/1/2007, thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Đảng và Nhà nước, Mỏ Đèo Nai được chuyển đổi mô hình hoạt động và đổi tên thành Công ty cổ phần Than Đèo Nai. Lịch sử phát triển của Mỏ Đèo Nai được viết thêm những trang mới, in thêm những dấu chân vững vàng của người thợ mỏ Đèo Nai trên hành trình “vươn ra biển lớn”.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,  đồng hành cùng với những người thợ mỏ Đèo Nai chính là những dàn xe siêu trường, siêu trọng; là máy xúc thủy gầu ngược dung tích lớn như CAT6020B - loại máy xúc hiện đại có dung tích gầu xúc lên đến 12m3, năng suất tối đa đạt 4.500 m3/ca... hay những khối máy khoan thủy lực DML-loại máy có thể khoan ở các gương tầng đất đá rắn, cơ động và có hệ thống dập bụi hiện đại trong khi khoan. 

Đồng thời, Công ty đã ứng dụng mạnh mẽ tin học hóa vào sản xuất, kinh doanh, tạo thế “kiềng ba chân” vững chắc để Đèo Nai không ngừng vươn lên, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới. Hệ thống camera giám sát được lắp đặt đồng bộ ở mọi vị trí sản xuất trọng yếu; những thiết bị vận tải được gắn định vị vệ tinh GPS, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất; những trạm cấp phát nhiên liệu tự động được đầu tư.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, Đèo Nai là mỏ tiên phong trong Tập đoàn ứng dụng CNTT vào hoạt động giao nhận ca online, giúp tăng thời gian sản xuất cho các công trường, từng bước hướng đến mục tiêu xây dựng mỏ hiện đại, ít người, trả lương cao của TKV.

60 năm tiếp quản, xây dựng và trưởng thành, Đèo Nai đã và đang sở hữu khai trường rộng trên 6 km2 với độ sâu khai thác - 210m so với mực nước biển. Trải qua biết bao thăng trầm kể từ những ngày đầu thành lập Mỏ, đến nay, sản lượng than nguyên khai của Đèo Nai đã đạt 69,9 triệu tấn, sản lượng bốc xúc đất đá đạt 497,8 triệu m3. Ước tính đến hết năm 2020 tổng sản lượng khai thác than đạt 70,2 triệu tấn than nguyên khai, bốc xúc được 505,3 triệu m3 đất đá.

Song hành với sản xuất, than Đèo Nai cũng luôn nêu cao trách nhiệm với người lao động. Các thế hệ lãnh đạo than Đèo Nai đều hiểu rằng, sẽ không thể có một Than Đèo Nai mạnh mẽ vượt qua mọi sóng gió để trưởng thành như ngày hôm, nếu không có đội ngũ những người công nhân, lao động chuyên cần và dành hết tâm huyết cho đơn vị. Chính vì vậy, dù ở vào giai đoạn nào, dù khó khăn hay thuận lợi, Đèo Nai vẫn luôn dành sự quan tâm, chăm lo tốt nhất đến điều kiện làm việc, điều kiện sống của hàng nghìn công nhân, thợ mỏ. Bình quân thu nhập hiện nay đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng (đạt 155% so với năm 2010).

Giờ đây, công nhân Đèo Nai được đưa đón bằng ô tô đến tận khai trường sản xuất, được vận hành, làm chủ phương tiện, thiết bị hiện đại, được cải thiện từng bữa ăn ca, khám sức khỏe định kỳ và thể hiện năng khiếu trong những phong trào văn hóa, thể thao do đơn vị tổ chức. Mỗi năm, hàng nghìn thợ mỏ tiêu biểu được khích lệ, khen thưởng kịp thời, bằng vật chất và cả những chuyến tham quan, du lịch trong, ngoài nước. Thợ mỏ khó khăn thường xuyên được thăm hỏi, động viên, hỗ trợ về nhà ở để an cư lạc nghiệp. Những sự quan tâm, chăm lo chu đáo ấy đã giúp mỗi công nhân của Than Đèo Nai được củng cố thêm niềm tin vào đơn vị, từ đó thêm yêu nghề và cống hiến nhiều hơn cho ngành than, cho đất nước.

Trong 60 năm qua, Đèo Nai không chỉ đóng góp không ngừng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành than, mà còn có vai trò quan trọng với TP. Cẩm Phả trong phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái. Đứng trên đỉnh Đèo Nai, ngắm nhìn thành phố mỏ, bãi thải Nam Đèo Nai, nơi từng là ngọn núi nhân tạo, chứa hơn 200 triệu m3 đất đá đổ thải giờ là một màu xanh ngút ngàn, tươi mát trải dài. Trong suốt 6 năm, từ 2004 đến 2009, đơn vị đã nỗ lực để biến ngọn núi này thành 120ha rừng cây xanh ngát; 150 tỷ đồng đã được chi cho việc san cắt tầng bãi thải, nạo vét mương suối, xây dựng đê kè chắn đất đá, xây dựng hệ thống thu gom nước thải, trồng cây xanh...

Nhìn lại hành trình 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Than Đèo Nai gặt hái được biết bao thành tựu đáng tự hào trong chiến đấu và trong lao động sản xuất. Đó là những Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba, hạng Nhì; Huân-huy chương kháng chiến, bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các bộ, ngành, địa phương. Vinh dự hơn là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm 1998 và danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, năm 2000. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp và cả hi sinh của biết bao thế hệ thợ mỏ Đèo Nai trong hơn nửa thế kỷ qua.

60 năm, một chặng đường đủ dài để khẳng định sức vóc, vị thế, thương hiệu của một mỏ lộ thiên hiện đại có tên Công ty cổ phần Than Đèo Nai-Vinacomin trên bản đồ của ngành Than Việt Nam. Chặng đường phía trước sẽ còn rất gian nan, nhiều chông gai và thử thách, nhất là khi Tập đoàn đang tiến hành công cuộc cải tổ bộ máy sản xuất, mở rộng quy mô các mỏ lộ thiên. Đó là thách thức lớn, nhưng cũng đồng thời là cơ hội quý báu để Đèo Nai một lần nữa khẳng định được vị thế của chính mình trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới, góp phần xây dựng thành phố Cẩm Phả và tỉnh Quảng Ninh ngày càng đẹp, giàu./.

CÔNG TY CỔ PHẦN THAN ĐÈO NAI

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động