Khoa học công nghệ góp phần bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ
07:55 | 16/09/2013
>> Sản xuất than hướng đến ngành "công nghiệp xanh"
>> "Vinacomin cần giải quyết các vấn đề môi trường trong khai thác than"
Hệ thống băng tải cấp than của Công ty TNHH MTV Than Mạo Khê
Vinacomin cho biết, trước đây, công đoạn sàng tuyển than tại các mỏ than Việt Nam hầu hết là áp dụng công nghệ sàng khô tách cám than nguyên khai, nhặt tay thủ công và loại bỏ bớt đá thải tại mỏ. Vì vậy, các mỏ thường phải tổ chức nhặt tay, sàng đi sàng lại nhiều lần làm tăng chi phí sản xuất, vỡ vụn than cục.
Hiện nay, Viện Khoa học công nghệ mỏ đã triển khai thực hiện thành công dây chuyền công nghệ tuyển than trong bã sàng cho các mỏ than vùng Quảng Ninh bằng công nghệ huyền phù kiểu tang quay và xây dựng, hoàn thiện công nghệ nâng cao chất lượng than cho các mỏ bằng "huyền phù tự sinh". Công nghệ mới này có tính ưu việt hơn hẳn, ngoài lượng than được tận thu triệt để tăng từ 20-30% sản lượng than so với công nghệ cũ, giải pháp còn giúp tăng năng suất lao động do được cơ giới hóa và tự động hóa cũng như giảm ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Viện Khoa học công nghệ mỏ chuyển giao công nghệ cho các mỏ có dây chuyền tuyển than với các module công suất 250.000 tấn/năm đến 650.000 tấn/năm. Tổng công suất các dây chuyền tuyển than áp dụng theo công nghệ tuyển tang quay được thiết kế là 5.600.000 tấn/năm, chiếm hơn 12% tổng sản lượng khai thác than toàn ngành. Trong đó, công nghệ mới đã được ứng dụng tại nhiều mỏ than như: Than Cọc 6, Núi Béo, Đèo Nai, Quang Hanh, Hà Lầm...
Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng thiết bị cỡ lớn như một giải pháp làm giảm mật độ các nguồn gây bụi và phát thải khí độc hại trên mỏ, dẫn đến làm hạn chế sự phát thải bụi và khí độc hại vào môi trường. Một biện pháp hiệu quả và đơn giản để làm giảm lượng bụi trong quá trình xúc bốc đó là thường xuyên tưới nước lên đống đá.
Đã có 18 trạm xử lý nước thải mỏ được khởi công xây dựng trong năm 2012, trong đó, 4 trạm xử lý nước thải mỏ lộ thiên và 14 trạm xử lý nước thải hầm lò; hệ thống rửa ô tô tuyến Núi Béo - cảng Nam Cầu Trắng; hệ thống rửa toa xe tuyến Cẩm Phả - Cửa Ông (Công ty Tuyển than Cửa Ông); cải tạo phục hồi môi trường bãi thải Công ty 35 (Tổng công ty Đông Bắc), bãi thải vỉa 7, vỉa 8 Công ty Cổ phần than Hà Tu…
Đối với việc xử lý các bãi thải, để ổn định, Vinacomin đã thay đổi công nghệ đổ thải, trong đó các bãi thải mới sẽ phải được thiết kế theo dạng bãi thải phân tầng, các bãi thải chưa đảm bảo sẽ được cải tạo, san cắt tầng. Công nghệ này đã được ứng dụng cho cải tạo các bãi thải V.7, 8 Hà Tu, lộ vỉa 14 Hà Tu (cũ), Ngã Hai, Chính Bắc - Núi Béo, Nam Lộ Phong - Hà Tu, Khe Rè - Cọc Sáu.
Nhằm ổn định sườn bãi thải, chống sạt lở đất đá, giải pháp sử dụng cỏ vetiver đã được áp dụng thử nghiệm từ năm 2007 tại sườn phía Tây bãi thải Chính Bắc - Công ty CP than Núi Béo. Sau thời gian trồng hơn 1 năm, bộ rễ cỏ có chiều dài 1,2m -1,4m, hệ rễ chùm, tạo thành bộ lưới sinh học giữ cho đất đá trên sườn bãi thải không bị sạt lở.
Công nghệ xử lý nước thải được áp dụng có sự thay đổi lớn theo hướng ngày càng tiến bộ và hiện đại, từ hố lắng kết hợp sữa vôi đến phương pháp hoá - lý và lọc cơ học có áp lực. Các trạm xử lý nước thải thuộc thế hệ đầu tiên được áp dụng công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực là Hà Ráng, Hà Khánh, +260 và +320 Đồng Vông, +41 Lộ Trí, +131 Tràng Khê, Khe Chàm... Cùng đó, các trạm xử lý thế hệ thứ hai như: Cọc Sáu, Vàng Danh, Mạo Khê đã được áp dụng công nghệ tấm lắng nghiêng nhằm tăng tốc độ lắng, đồng thời hạn chế diện tích bể lắng sử dụng so với công nghệ bể lắng ngang.
NGUYỄN TÂM (Tổng hợp)
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Sau cuộc 'tán tỉnh chính trị' Campuchia ngả về Trung Quốc
Mỹ tấn công Syria vì "đại cục" hay "sĩ diện"?
Châu Á "phiên bản" 2013 và châu Á thời khủng hoảng
Nga quyết định cải tổ không quân nhằm tránh thảm họa
Abenomics: "Canh bạc" không chỉ của Nhật Bản
Sự yên bình 'khó hiểu' ở thủ đô Bình Nhưỡng
Chính sách kinh tế Lý Khắc Cường và sức ép chính trị