Cần có chính sách ưu đãi thu hút lao động ngành Than
16:52 | 06/11/2012
>> Công nợ tăng cao, Vinacomin thêm khó khăn
>> Nâng mức bồi dưỡng người lao động khai thác khoáng sản trong hầm lò
>> Quacontrol đối thoại trực tiếp với người lao động
Theo Vinacomin, toàn Tập đoàn có khoảng 138.000 CBCN, trong đó chủ yếu là công nhân mỏ làm việc tại Quảng Ninh, với số lượng khoảng 113.000 người.
Điều kiện lao động của công nhân ngành Than đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với công nhân khai thác hầm lò hết sức khắc nghiệt, thường xuyên tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro đến tính mạng của họ…
Vinacomin cho biết, năm 2012 đã có 1.500 công nhân thợ lò bỏ việc.
Trước đây việc tuyển công nhân thợ lò là ở các tỉnh khu vực miền Bắc như: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương… Nay ở những vùng này không tuyển được ai nữa mà phải đi vào vùng sâu, vùng xa và các tỉnh miền Trung để tuyển.
Với tình trạng thu nhập thấp, có nhiều công nhân vào làm được một thời gian ngắn rồi bỏ đi nơi khác, gây ra tình trạng luôn luôn thiếu công nhân hầm lò, dẫn đến tổn thất lớn về chi phí đào tạo và tuyển dụng. Đây là một báo động hết sức lo lắng.
Theo Vinacomin, trong những năm tới, việc khai thác than hầm lò ngày càng xuống sâu. Hàng năm việc đào lò để phục vụ cho việc khai thác than có tổng chiều dài lên tới 320km, tỷ lệ khai thác than lộ thiên bây giờ chỉ còn 40-45%, còn khai thác than hầm lò trên 50% và sẽ còn tăng hơn nữa.
Trong đó có một số mỏ than như: Mạo Khê, Dương Huy... có khí Mêtan (CH4, CO, SO2, NOx...) rất nguy hiểm, độc hại. Mặc dù ngành Than đã có nhiều biện pháp để khắc phục hạn chế các loại khí nguy hiểm, chất độc hại trong khai thác hầm lò, nhưng không thể đảm bảo triệt để được.
Với đặc thù trên, để cải thiện điều kiện sinh hoạt và tạo sức hút lao động vào nghề khai thác hầm lò, trong những năm qua, Vinacomin đã tạo điều kiện thuận lợi để giữ chân người thợ lò như: bố trí nguồn vốn đầu tư nhà ở cho công nhân hầm lò độc thân; tạo quỹ đất, hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng nhà cửa, trường học, trạm xá; giải quyết công ăn việc làm, nhà ở, trường học, bệnh xá… cho vợ con của công nhân.
Tuy nhiên, Vinacomin khẳng định, các biện pháp trên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ cho CBCNV.
Theo Vinacomin, nhu cầu đời sống công nhân hầm lò ngày càng tăng... Việc giải quyết về nhà ở chính là động lực để CNLĐ gắn bó, yên tâm với nghề, nhưng khó khăn nhất hiện nay là ngành Than không có vốn để đầu tư phát triển quỹ nhà ở. Mấu chốt là do giá than vẫn chưa được xác định đúng bản chất, sức cạnh tranh kém…
Chính vì vậy, cùng với kiến nghị cho phép các dự án nhà ở cho công nhân ngành Than được áp dụng theo Quyết định của Chính phủ về một số chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động thì đối với các dự án nhà ở công nhân mỏ đang triển khai nên được miễn tiền sử dụng đất, được đối trừ tiền sử dụng đất vào tiền thuế đất hàng năm.
Đồng thời, cho phép Vinacomin chuyển đổi mục đích sử dụng một số quỹ đất dôi dư tại các nhà máy, cơ sở của sang đất ở để xây nhà tập thể cho công nhân. Đặc biệt, để nhanh chóng có nguồn vốn triển khai các dự án nhà cho công nhân mỏ, Vinacomin kiến nghị các bộ, ngành xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn được trích 1 USD/tấn than bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở công nhân. Trong 3 năm, Vinacomin sẽ thu được tiền thuê nhà hoàn trả ngân sách…
Vinacomin khẳng định, nếu được trích 1 USD/tấn than sẽ tạo được dòng tiền ngay, mỗi năm sẽ có khoảng 800-900 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho công nhân mỏ. Qua đó, góp phần ổn định nguồn lao động phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong quá trình phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Người Mỹ bầu tổng thống như thế nào?
Thủ tướng Nga Medvedev: 'Việt Nam là đối tác chiến lược đặc biệt'
Điều tra tài sản gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo