RSS Feed for 60 năm xây dựng và phát triển của Than Đèo Nai | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 12:10
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

60 năm xây dựng và phát triển của Than Đèo Nai

 - Đèo Nai là đơn vị duy nhất trong ngành Than được đón Bác Hồ về thăm (ngày 30/3/1959). Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Than Đèo Nai đã gặt hái được biết bao thành tựu đáng tự hào trong chiến đấu và trong lao động sản xuất.

Công ty than Na Dương: 60 năm xây dựng và phát triển

Nằm kề bên tuyến Quốc lộ huyết mạch 18A và bên bờ vịnh Bái Tử Long xinh đẹp, ngay từ những ngày đầu thành lập, Núi Trọc (Đèo Nai) đã có vị trí đặc biệt và luôn là một trong những cái nôi của phong trào công nhân Vùng Mỏ, đặc biệt là trong cuộc Tổng bãi công của trên ba vạn thợ mỏ diễn ra vào ngày 12/11/1936 đã giành thắng lợi vang dội, trong đó có sự đóng góp to lớn của công nhân Núi Trọc (Đèo Nai).

Ngày 25/4/1955, Vùng mỏ được giải phóng, khi tiếp quản Vùng mỏ Đèo Nai là một Công trường khai thác lộ thiên lớn của Xí nghiệp Than Cẩm Phả. Tiếp quản được mỏ, những người thợ mỏ Đèo Nai được đổi đời từ người làm thuê trở thành người chủ Vùng Mỏ, họ đã nhanh chóng tập trung khắc phục mọi khó khăn do thiếu máy móc, thiết bị để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, nhiều phong trào thi đua mới, xây dựng cuộc sống mới, học tập bổ túc văn hóa, xóa mù chữ của Công trường Than Đèo Nai như một điểm sáng ở Vùng Than Cẩm Phả.

Chính bởi vị thế đặc biệt ấy mà Đèo Nai là đơn vị duy nhất trong ngành Than được đón Bác Hồ về thăm (ngày 30/3/1959). Sự kiện Bác Hồ về thăm Đèo Nai diễn ra vào thời kỳ đỉnh cao của giai đoạn khôi phục sản xuất, tiến hành cải tạo XHCN của Công trường Than Đèo Nai.

Đèo Nai là đơn vị duy nhất trong ngành Than được đón Bác Hồ về thăm.

60 năm đã trôi qua, những lời căn dặn của Bác trên Công trường Than Đèo Nai năm nào vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường, nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn để các thế hệ thợ mỏ Đèo Nai vững tin vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần xây dựng Công ty cổ phần Than Đèo Nai ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Người đã dành cho.

Tầng than của Mỏ Đèo Nai được Bác Hồ chọn là nơi đến thăm, vì từ nơi đây có thể bao quát được cả Vùng than Cẩm Phả và Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. Chiều hôm ấy, Bác Hồ đã lên tận tầng 10 Công trường Than Đèo Nai và đã dành hơn một giờ đồng hồ để nói chuyện thân mật cùng anh em cán bộ, công nhân mỏ:

... ‘Trước hết, Bác khen ngợi những cố gắng của cán bộ và công nhân mỏ trong thời gian vừa qua, nhất là từ tháng 8 năm 1958  tới nay, đã có tiến bộ trong sản xuất, giữ gìn máy móc. Những tiến bộ đó chưa phải hoàn toàn 100%, cần cố gắng hơn nữa để tiến bộ mãi”.

Bác dặn dò: ...“Trước đây bốn năm năm khu mỏ này của thực dân Pháp, công nhân còn là nô lệ bị bóc lột và đàn áp khổ cực. Ngày nay khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng, để xe, máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa…”.

“Một điểm nữa là phải cố gắng thi đua, thi đua liên tục, mọi ngành, mọi người thi đua, muốn thi đua tốt phải giúp đỡ lẫn nhau, người giỏi giúp đỡ người kém để cùng tiến bộ. Thi đua để đoàn kết, đoàn kết để thi đua”.

Hình ảnh Bác Hồ với ánh mắt sáng ngời, nụ cười đôn hậu, phong thái gần gũi và một giọng nói ấm áp đầy sức thuyết phục trên tầng than Đèo Nai đầy nắng gió ngày hôm ấy đã khắc ghi trong tâm trí của mỗi người cán bộ, thợ mỏ. Ai nấy đều tâm niệm phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện tốt lời huấn thị của Người, xem đó động lực để thi đua lao động sản xuất, nâng cao sản lượng khai thác than. 

Không lâu sau ngày đón Bác Hồ về thăm, Mỏ than Đèo Nai chính thức được thành lập vào ngày 1/8/1960. Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ công nhân Mỏ than Đèo Nai đã đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, trong thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), năm nào Mỏ cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao và liên tục đạt sản lượng than cao nhất Vùng mỏ Quảng Ninh.

Tháng 2 năm 1965, Bác Hồ về đón tết với nhân dân và cán bộ khu Hồng Quảng, Bác đã tặng “Cờ thi đua luân lưu khá nhất” cho ngành Than và Bác đã trực tiếp giao cho Mỏ Than Đèo Nai tạm giữ cờ thi đua luân lưu đó.

Tiếp đó, ngày 25/4/1965, khi nghe tin Mỏ Than Đèo Nai hoàn thành vượt mức kế hoạch quý I năm 1965. Bác đã gửi thư khen ngợi: “Bác vui lòng nhận được báo cáo mỏ đã hoàn thành tốt kế hoạch quý I năm 1965. Bác mong các cô chú nhân đà thắng lợi đó cố gắng hoàn thành kế hoạch cao hơn nữa”.

Ngày 15/11/1968, Bác Hồ gặp mặt đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành Than ở Phủ Chủ tịch, cấp dưỡng nhà ăn Than Trụ Nguyễn Thị Cầm, chiến sỹ thi đua Ngô Dần đại diện cho hàng ngàn công nhân Mỏ Than Đèo Nai đã có vinh dự  được gặp Bác Hồ.

Phong trào thi đua ở Đèo Nai sau này ngày càng phát triển, anh chị em công nhân vừa đẩy mạnh thi đua sản xuất, vừa tích cực tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Ngày 7-2-1972, lực lượng tự vệ của Đèo Nai đã anh dũng chiến đấu và bắn rơi được 1 máy bay Mỹ, góp phần vào thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của Vùng mỏ trên bầu trời miền Bắc. Vì thế mà, Đèo Nai lại vinh dự 4 lần nữa được nhận “Cờ thi đua luân lưu khá nhất” của Bác Hồ. Những phần thưởng danh dự, những lời động viên của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao để nhiều năm sau đó, Mỏ Than Đèo Nai tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu ngành Than trong phong trào thi đua sản xuất và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ phong trào thi đua làm theo lời Bác, Mỏ Than Đèo Nai khi ấy đã vang danh biết bao tấm gương điển hình trong lao động sản xuất. Nhiều thế hệ CBCN Mỏ sẽ còn ghi nhớ mãi niềm tự hào về những Anh hùng lao động như ông Vũ Hữu Sơn, nguyên là thợ lái máy khoan BY; ông Đặng Văn Bình, nguyên là Giám đốc Công ty và Chiến sỹ thi đua toàn quốc Bùi Đăng Hiếu- nguyên là thợ vận hành máy xúc... Họ là những người Đèo Nai đã cống hiến cả cuộc đời cho vùng Mỏ, cho đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, với hành trang mang theo là lời căn dặn năm nào của Bác Hồ kính yêu, đội ngũ những người thợ mỏ Đèo Nai đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo để vươn lên thành một điểm sáng, tiêu biểu của ngành Than Việt Nam.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Đảng và Nhà nước, Mỏ Than Đèo Nai được chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, đổi tên thành Công ty cổ phần Than Đèo Nai và chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần từ ngày 01/01/2007. Cũng từ thời điểm này, lịch sử phát triển của Mỏ Đèo Nai được viết thêm những trang mới, in thêm những dấu chân vững vàng của người Đèo Nai trên hành trình “vươn ra biển lớn” của ngành Than Việt Nam.

Những năm đầu hoạt động theo mô hình cổ phần, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thực hiện và làm theo lời Bác, Than Đèo Nai đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong quản lý, điều hành nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đó là những giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, điều chỉnh, bổ sung hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quy chế khoán, tạo được tính chủ động và nâng cao trách nhiệm của CBCNV trong các khâu sản xuất.

Với diện tích khu vực khai thác trên 6 km2, đang khai thác ở độ sâu -175m so với mực nước biển, Đèo Nai hiện là một trong những mỏ khai thác than lộ thiên lớn và lâu năm của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Theo thống kê của đơn vị, từ khi thành lập Mỏ vào năm 1960 đến nay, sản lượng than nguyên khai của Đèo Nai đã đạt xấp xỉ 67 triệu tấn, sản lượng bốc xúc đất đá đạt gần 466 triệu m3 đất đá. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, Công ty đã bốc xúc được 251 triệu m3 đất đá, khai thác được 25 triệu tấn than nguyên khai. Than Đèo Nai là loại than antraxit có chất lượng tốt nhất khu vực, được sản xuất, chế biến đạt tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Hiện nay, Than Đèo Nai sử dụng các thiết bị khai thác hiện đại: như máy khoan thủy lực DML; máy xúc thủy lực gầu ngược có dung tích gầu xúc lên đến 12m3 với năng suất tối đa đạt 4.500 m3/ca và sử dụng các thiết bị vận tải tiên tiến  như xe ô tô: HD 785-7; Xe CAT 777 D, CAT 777E; CAT 777F có trọng tải từ 91 đến 96 tấn...

Tương ứng với sự đầu tư về công nghệ, máy móc, phương tiện hiện đại là đội ngũ lao động, thợ mỏ Đèo Nai được đào tạo bài bản, lành nghề và luôn cầu tiến.

Song hành với nhiệm vụ sản xuất than cho nền kinh tế, những năm qua, Công ty cổ phần Than Đèo Nai cũng đã làm tốt công tác hoàn nguyên môi trường các bãi thải. Điển hình là Bãi thải Nam Đèo Nai hiện nay đã trở thành lá phổi xanh của thành phố Cẩm Phả.

Từ phương châm cải thiện tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động chính là tạo động lực cho sự phát triển, những năm qua, Công ty cổ phần Than Đèo Nai đã đảm bảo tạo đủ việc làm, ổn định thu nhập, cùng những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường làm việc, hạn chế bụi, ồn, duy trì công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Có thể thấy, phong trào thợ mỏ Đèo Nai giàu về kiến thức, đẹp về nếp sống đã khơi dậy lòng tự hào trong suy nghĩ và hành động của toàn thể CBCNV Công ty, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện tu dưỡng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 60 năm làm theo lời dạy của Bác Hồ, những điển hình trong lao động sản xuất như phân xưởng vận tải 5, Công trường Xúc, công trường Khoan, Công trường Sàng tuyển tiêu thụ; như công nhân Bùi Hữu Trạm, Phạm Văn Mỵ (CT.Khoan), Trần Đình Hiền (Xúc), Nguyễn Văn Tuyển (PXVT9)...những cây sáng kiến như Phạm Đắc Học, Phạm Văn Lương, Nguyễn Đức Vinh... và nhiều tấm gương CBCNV trong những lĩnh vực công tác khác đã góp phần điểm tô một diện mạo tươi mới cho Than Đèo Nai ngày hôm nay.

Nhớ lại những năm tháng lịch sử khi Bác Hồ về thăm mỏ, sau khi đi thăm tầng than, Bác vào thẳng nhà ăn Than Trụ trên công trường. Bác hỏi chị em cấp dưỡng cho anh em ăn mấy món. Rồi Bác dặn: “Anh em công nhân mỏ làm việc vất vả, các cô phải cơm dẻo, canh ngọt cho mọi người”. Từ lời dặn dò năm nào của Bác, những bữa ăn ca cho công nhân mỏ giờ đây mỗi ngày lại được cải thiện hơn. Không chỉ quan tâm, chăm lo đến đời sống người lao động, Công ty cũng chú trọng đến hoạt động khen thưởng, biểu dương kịp thời những tấm gương lao động giỏi. Hoạt động thăm hỏi, động viên những gia cảnh công nhân khó khăn cũng ngày càng được tăng cường hơn, nhằm tiếp thêm nghị lực cho mỗi thợ mỏ trong lao động sản xuất. Đồng thời hàng năm tổ chức cho hàng nghìn lượt CBCNV đi nghỉ điều dưỡng, phục hồi chức năng, đi tham quan, du lịch trong nước, nước ngoài, thường xuyên tổ chức các giải văn nghệ-thể thao nội bộ và tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa-văn nghệ-thể thao do Tập đoàn, Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh tổ chức và đạt giải cao.

60 năm làm theo lời dạy của Bác Hồ, Than Đèo Nai đã gặt hái được biết bao thành tựu đáng tự hào trong chiến đấu và trong lao động sản xuất. Đó là những Huân chương lao động, huân, huy chương kháng chiến, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của các Bộ, ngành, địa phương; danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, ghi nhận những đóng góp và cả hi sinh của biết bao thế hệ thợ mỏ Đèo Nai trong hơn nửa thế kỷ qua.

2018 là một trong những năm tương đối thành công của Than Đèo Nai, với sản lượng than tiêu thụ 2,1 triệu tấn đạt 102% KH năm; đất đá bốc xúc đạt 20,4 triệu m3 bằng 102% so kế hoạch; doanh thu 2.942 tỷ đồng đạt 121% Kế hoạch năm; đặc biệt chỉ tiêu lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng bằng 267,5% so với cùng kỳ 2017. Tiền lương bình quân 9.867 nghìn đồng/người/tháng đạt 132% KH năm.

Bước sang năm 2019 chào đón Than Đèo Nai với biết bao thời cơ cũng như không ít khó khăn, thách thức. Các chỉ tiêu SXKD của Công ty cổ phần than Đèo Nai được Tập đoàn giao tăng hơn so với năm 2018; trong đó, than sản xuất 2,270 triệu tấn; than tiêu thụ 2,248 triệu tấn; đất đá bốc xúc 21,6 triệu m3; doanh thu trên 3.052 tỷ đồng; lợi nhuận 22,4 tỷ đồng...

Để hoàn thành được mục tiêu này, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019, Công ty đã xây dựng mục tiêu tổng quát: “An toàn - Đổi mới - Hiệu quả”, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy truyền thống kỷ luật và đồng tâm, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu SXKD để tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Trong những năm tới Công ty đã xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, đặc biệt tập trung thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020: Phấn đấu xây dựng Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức lao động gọn nhẹ, hợp lý; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò trong việc đảm bảo cung ứng sản phẩm than cho TKV; xây dựng mối quan hệ hài hòa trong Công ty vừa đảm bảo lợi ích của TKV và của Công ty, đảm bảo lợi ích của người lao động trong Công ty.

Theo quy hoạch phát triển ngành than giai đoạn đến 2020 có xét triển vọng đến 2030 và trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ Đèo Nai-Cọc sáu-Cao sơn thì giai đoạn 2019 đến 2022, trung bình mỗi năm Công ty khai thác 1.750 nghìn tấn than bốc xúc 20,1 triệu m3 đất đá. Đồng thời, Công ty được TKV giao lập phương án khai thác lộ thiên vùng tài nguyên, trữ lượng khu Đông lộ trí báo cáo để TKV xem xét thông qua để làm cơ sở đề nghị Chính phủ bổ sung dự án vào quy hoạch giai đoạn 2030 và những năm sau 2030.

Thợ Mỏ Đèo Nai càng thêm vinh dự, tự hào khi địa điểm Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, với tinh thần hăng say lao động sản xuất, CBCNV Đèo Nai quyết tâm thực hiện những lời căn dặn của Bác Hồ để viết tiếp những trang sử vẻ vang và xây dựng Công ty cổ phần Than Đèo Nai ngày càng phát triển vững, bước đi lên xứng đáng với những thành tích đã đạt được và luôn là đơn vị dẫn đầu của ngành Than, góp phần xây dựng Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày càng vững mạnh, là trụ cột an ninh năng lượng quốc gia và Xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp.

HOÀNG THỊ QUỲNH TRANG - CÔNG TY CP THAN ĐÈO NAI

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động