RSS Feed for Xây dựng biểu giá điện: Cần thay phương pháp luận | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 20:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Xây dựng biểu giá điện: Cần thay phương pháp luận

 - Xây dựng giá bán điện, các chuyên gia cho là phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội, hoạt động của doanh nghiệp, thu nhập của người dân hiện tại và cấu trúc hệ thống điện, đặc biệt là nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện.

Dự thảo biểu giá bán lẻ điện nghiêng về bậc thang lũy tiến
Điều chỉnh giá điện: Đối tượng nào sẽ chịu tác động?

Sau hội thảo lấy ý kiến trên 3 miền đất nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất 3 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Theo đó, phương án 1, giữ nguyên 6 bậc hiện hành. Phương án 2, quy định một mức giá (đồng giá). Phương án 3, rút từ 6 bậc xuống 3 hoặc 4 bậc.

Giá điện phù hợp với bối cảnh hiện nay, vấn đề “nóng” trong các diễn đàn gần đây. Tại Hội thảo “Cơ sở khoa học của việc tính giá điện” do Hiệp hội Các hội khoa học kỹ thuật VN (Vusta) tổ chức, ngày 16-10, tại Hà Nội, các nhà khoa học đã mổ xẻ chi tiết những bất hợp lý của các phương án do EVN đưa ra.

Tính giá điện, phải xem xét nhiều yếu tố

Ngành điện có những đóng góp lớn cho xã hội, nhưng mỗi lần điều chỉnh giá điện, sự đồng thuận của người dân không cao, thậm chí bị phản ứng gay gắt.

Lý do được TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) lý giải là “giá điện này mới chỉ phục vụ cho lợi ích của người sản xuất, chỉ bảo vệ lợi ích của EVN và đẩy mọi trách nhiệm về phía người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia nói Nhà nước cần tăng cường giám sát đối với ngành Điện. Ảnh: vtc.

Phạm trù giá theo cơ chế thị trường, tức là dùng nhiều thì giá càng thấp, chưa được giải quyết thấu đáo và đảm bảo tính hài hòa trong khi những vấn đề tồn tại giải quyết những nhược điểm của phương án lũy tiến cũng chưa được tính toán và đưa ra một cách cụ thể.

TS Lâm cũng nêu những tồn tại về ghi số điện không chính xác, công tơ chạy không chính xác, vị trí đặt công tơ và kiểm định công tơ khách quan cũng chưa được giải quyết…

Với những bất cập trên, TS Lâm cho rằng cần cho áp dụng phương án giá điện hiện hành, nhưng giá điện phải được các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Công Thương và các Bộ có liên quan cần nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng và công bằng.

“Nhà nước cần tăng cường giám sát đối với ngành Điện trên cơ sở tổ chức giám sát chuyên đề để đảm bảo tính minh bạch cho người dùng”, ông Lâm nói.

Theo TS Lâm, việc xây dựng biểu giá điện cần xem xét nhiều yếu tố khác, trong đó có chi phí tổn thất truyền tải hệ thống đang ảnh hưởng không nhỏ đến giá điện.

Năm 2013, tổn thất truyền tải hệ thống là 8,8%. Đến năm 2014 đã tăng trên 9%. TS Ngô Đức Lâm tính toán, nếu tổn thất truyền tải hệ thống tăng thêm 1%, ngành điện sẽ mất đi 1,1 tỷ kWh.

Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/kWh. Năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh. Nếu nhân với số lượng tổn thất thì đây là con số rất lớn, TS Lâm dẫn chứng.

Một yếu tố cần xem xét trong xây dựng phương án tính giá điện là các loại phí điều độ, vận hành thị trường và yếu tố tiền lương trong giá điện thể hiện năng suất lao động trong ngành điện lực.

“Các Thông tư của Bộ Công Thương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải bàn thêm về số người được tính hưởng lương cho 1kWh”, TS Lâm đề xuất.

Lâu nay, giá điện vẫn là do cơ quan quản lý định ra, tuy có tham vấn nhà sản xuất, nhưng không phải do bên bán điện định ra. Vai trò của người sử dụng điện gần như không có, giá bao nhiêu là trả bấy nhiêu, ngay hợp đồng cũng là mẫu mua - bán định sẵn.

Theo các chuyên gia, giá bán điện ban hành qua các kỳ điều chỉnh chưa thuyết phục, thiếu cơ sở khoa học, chưa công khai minh bạch về giá thành, nên chưa nhận được sự đồng thuận của khách hàng sử dụng điện.

Loại trừ phương án đồng giá

Giá điện từ năm 2009 đến nay đã điều chỉnh tăng 8 lần, năm nào cũng tăng ít nhất 1 lần, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần, mức tăng mỗi lần là 5%, riêng ngày 1/3/2011 tăng 15,28% so với năm 2010.

Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/3/2015 giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh, nếu kể cả thuế VAT là 1.784,25 đồng/kWh, tương đương 8,3 UScent /kWh.

Trên cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn, cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ - Đại học Bách khoa Hà Nội, đề xuất “loại trừ phương án đồng giá”, bởi phương án không quan tâm đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp trước dịch vụ xã hội.

Quy định một giá điện duy nhất cho mọi đối tượng, PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ nói sẽ “không khuyến khích người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng thu nhập cao tiết kiệm điện”.

Giá điện cần sự ổn định nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi giá điện khác với các sản phẩm khác, như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới, không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn.

Việc lập và điều chỉnh giá, cần thiết thực hiện đúng Điều 30 của Luật Điện lực năm 2013. Giá bán điện hợp lý phải dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn và cần những giải pháp thực hiện hiệu quả. 

Điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, hay việc giảm tổn thất và hạ giá thành của hệ thống.

Biểu giá điện hiện nay xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hạch toán, chưa đủ độ tin cậy, chưa áp dụng phương pháp phổ biến và hiện đại theo chi phí biên dài hạn, chưa xây dựng biểu giá hai thành phần: công suất và điện năng.

Điều chỉnh giá bán điện phải được thực hiện công khai, minh bạch phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Do đó, Bộ Công Thương với vai trò chủ trì nên lập Hội đồng thẩm định giá điện có các nhà quản lý, nhà khoa học làm tư vấn thẩm định cho Chính phủ mỗi lần điều chỉnh giá điện.

Lần điều chỉnh này, EVN có thể vẫn giữ nguyên 6 bậc như hiện nay nhưng phải tính toán kỹ số điện trong mỗi bậc thang, tương ứng với mức giá đặt ra. Đặc biệt, để áp giá các bậc thang một cách chính xác EVN phải xác định giá bình quân điện sinh hoạt hợp lý.

PGS,TS. Duệ dẫn chứng, trong đề án “EVN lấy giá bình quân điện sinh hoạt là 1.747đ/kWh là chưa có cơ sở, cao hơn giá điện bình quân cho mọi đối tượng 1.662kWh”.

Cần thay phương pháp luận

Trong 3 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt do EVN đề xuất, các nhà khoa học nhận xét, phương án bậc thang lũy tiến có ưu điểm khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo công bằng xã hội.

Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng cần đứng ra tổ chức việc nghiên cứu, xây dựng giá điện. Cụ thể, tập hợp một đội ngũ chuyên gia để thống nhất nguyên tắc tính giá điện và xây dựng biểu giá điện phù hợp với từng thời kỳ của nền kinh tế.

Tổng cục Năng lượng phải “chỉ huy” để xây dựng cho được cơ sở dữ liệu về tính giá điện cho hiện nay và mai sau, đồng thời phải có cơ quan thẩm định nghiên cứu giá điện nói riêng và năng lượng nói chung.

Bước tiếp theo là tham vấn cộng đồng, bởi đây là một nửa thị trường tiêu thụ điện. Lâu nay, thảo luận về giá điện chỉ có nhà quản lý, chuyên gia, chưa có người dân.

Quốc hội, hội đồng nhân dân sẽ tổ chức để người dân cùng giam gia giám sát. Lộ trình đó sẽ bảo đảm vấn đề minh bạch của giá điện._PGS. TS Bùi Huy Phùng.

 

PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ cho rằng biểu giá lũy tiến vẫn nên áp dụng và cũng không quan trọng ở mấy bậc mà vấn đề áp giá cho từng bậc, xác định mức giá điện bình quân cho hợp lý.

Phương án bậc thang lũy tiến đảm bảo tính ổn định liên tục, không bị “nhảy cóc” bậc của giá, khách hàng càng sử dụng nhiều điện, càng phải thanh toán giá cao và ngược loại. Hiện nay, trên thế giới, một số nước đã áp dụng.

Theo nguyên tắc toán học, càng chia nhỏ thì càng chính xác. PGS, TS. Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đồng tình với phương án bậc thang lũy tiến và gợi ý hai phương án: giữ nguyên 6 bậc như hiện hành và gộp bậc 1 và 2 để còn 5 bậc, còn phương án một giá là không nên.

Bây giờ giá điện là 1.784 đồng/kWh, theo tính toán gồm cả VAT, đã ngang tầm với quốc tế. TS. Phùng không đồng tình với cách giải thích của Bộ Công Thương cho mỗi lần tăng giá điện.

“Lý do bù đắp chi phí giá nhiên liệu tăng, để thu hồi vốn đầu tư, bù lỗ, giá bán thấp hơn giá thành, giá điện các nước cao hơn… là không thuyết phục”, TS. Phùng nói và chỉ rõ: “Bộ Công Thương chưa đề cập đến vấn đề quản lý, giảm tổn thất, giảm chi phí…”.

PGS, TS. Bùi Huy Phùng cho rằng, tính giá điện nói riêng và giá năng lượng nói chung phải đảm bảo được yếu tố: Phải phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế quốc dân; phải xuất phát từ tiềm năng năng lượng và môi trường. Hài hòa giữa hiệu quả sản xuất, tài chính, công bằng xã hội, hài hòa thị trường trong và ngoài nước.

Về mặt phương pháp luận để xây dựng biểu giá điện, PGS, TS. Bùi Huy Phùng cho rằng, lâu nay nước ta vẫn sử dụng phương pháp tính toán thống kê chi phí sản xuất. Điều đó đúng, nhưng trong quá trình thống kê còn có những bất cập, thậm chí là không chính xác.

Nước ta đang hướng tới nền kinh tế thị trường, do đó, cần sớm áp dụng phương pháp tính giá điện một cách khoa học hơn, tức là phải xác định chi phí biên của hệ thống, của từng nhà máy cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Việc nghiên cứu tính giá biên đã được các nước áp dụng từ hơn nửa thế kỷ trước. Ngân hàng Thế giới cũng đã xuất bản cuốn sách: Định giá điện trên cơ sở chi phí biên, xuất bản từ 50 năm trước.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất, theo PGS, TS. Bùi Huy Phùng vẫn là tính toán để chính xác, minh bạch chi phí giá bán điện. Do đó, cần phải xem lại  Điều 30 của Luật Điện lực.

Cạnh đó, phải tiến tới sử dụng phương pháp tính chi phí biên của hệ thống, của từng nhà máy, để đưa ra các chính sách phù hợp.

Một điểm nữa, với điều kiện công nghệ hiện đại, tới đây ngành Điện phải báo giá trực tiếp cho người tiêu dùng, thay vì nói nhiều bậc quản lý khó.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động