RSS Feed for Truyền tải điện Kon Tum: Để dòng điện luôn an toàn, ổn định mùa mưa bão | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 14:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Truyền tải điện Kon Tum: Để dòng điện luôn an toàn, ổn định mùa mưa bão

 - Hàng năm, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên phải gánh chịu những cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn về sức người cũng như tài sản của người dân nói chung và những công trình điện của Truyền tải điện nói riêng. Để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, Truyền tải điện Kon Tum đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, giữ dòng điện luôn an toàn, ổn định, liên tục trong mùa mưa bão.


TTĐ Kon Tum làm tốt công tác bảo vệ lưới điện 500kV


Đối với hệ thống Điện Việt Nam thì lưới truyền tải điện 500, 220 kV là trục xương sống, trong đó khu vực miền Trung, Tây Nguyên là vùng giữa, liên kết cả hệ thống. Trong những năm qua như một đòn gánh oằn mình chịu quá tải và luôn chịu sự tàn phá khốc liệt của các mùa mưa bão, lũ. Khó khăn là thế, nhưng những người thợ Truyền tải điện Kon Tum vẫn luôn chung tay vượt qua mọi thử thách khắc nhiệt của thời tiết, giữ vững dòng điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định.

Phổ biến phương án trước khi diễn tập PCTT&CNCH năm 2020.

Hiện nay, Đơn vị được Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) giao quản lý vận hành 1 Trạm biến áp 220 kV, có dung lượng 250 MVA; gần 250km đường dây 500 kV, hơn 120 km đường dây 220 kV mạch kép và đặc biệt hiện nay đơn vị đang đảm nhận nhiệm vụ hết sức quan trọng là tư vấn giám sát thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 Dốc Sỏi - Pleiku 2, trên địa bàn có 252 vị trí cột, tương đương 119,702 km đường dây mạch kép;

Trong mùa mưa bão, chỉ một sơ xuất rất nhỏ trong số lượng móng cột trên bị sạt lở gây hư hỏng nghiêng đổ cột thì hậu quả sẽ không lường được. Bên cạnh đó, muôn vàn lý do, tình huống sự kiện đều có thể gây ra những sự cố bất thường làm gián đoạn cung cấp điện trong mùa mưa bão. Qua thực tế, hiện tượng sạt lở đất móng cột hàng năm xảy ra là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nghiêng đổ móng cột là loại sự cố dễ xảy ra nhưng thường khó xử lý và chi phí rất lớn, thời gian khắc phục kéo dài. Vấn đề quan trọng là làm sao các đường dây truyền tải điện đứng vững trong bão lũ, do vậy, với đặc thù địa hình đường dây và các móng trụ cột phần lớn nằm trên các triền đồi núi có độ dốc lớn nên xác suất sạt lở, hư hỏng là rất cao.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Đơn vị đã triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vận hành hệ thống trong mùa mưa bão năm 2020 với những phương án cụ thể, trong đó ưu tiên quan tâm đến các vị trí móng cột trên núi, đồi và các khu vực có dòng nước chảy qua, tập trung khảo sát, đánh giá tình trạng móng cột, khả năng ổn định của nền đất khu vực để có những biện pháp phòng chống như: Xây kè móng, làm mương thoát nước, nắn dòng chảy không để các dòng nước chảy trực tiếp vào khu vực móng cột; sử dụng 4 phương châm tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) đã được đơn vị thiết lập cụ thể, tránh tình trạng chung chung, đặc biệt quan tâm đến công tác phối hợp với các đơn vị trong, ngoài ngành điện, nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của Ban PCTT&CNCH tại địa phương để xử lý các sự cố khi bão lụt xảy ra.

 

Năm 2020, theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia là năm có khí hậu cực đoan, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa phạm vi trên diên rộng và dự báo trong những tháng nửa đầu năm 2020, ENSO tiếp tục ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020; để chủ động phòng chống lụt bão trên toàn hệ thống lưới điện được tốt, Truyền tải điện Kon Tum đã thành lập Ban chỉ đạo PCTT&CNCH do Giám đốc Truyền tải điện làm trưởng ban, củng cố hệ thống thông tin liên lạc như điện thoại, zalo, messenger, vô tuyến điện…, lập các phương án có tình tiết xử lý cụ thể sẵn sàng tham gia xử lý sự cố.

Ban đã chỉ đạo cho các đơn vị lập các phương án PCTT&CNCH theo sát tình hình đặc điểm của đơn vị mình. Tổng kiểm tra toàn bộ lưới điện và xử lý tồn tại về độ ổn định các móng cột đường dây 220-500 kV, xử lý dứt điểm các khiếm khuyết trong quá tình vận hành đường dây; sửa chữa thủ công, phát quang đường vào tuyến; xử lý triệt để cây cao ngoài hành lang tuyến; sửa chữa chống thấm dột, tốc mái cho khu nhà làm việc và các nhà chốt bảo vệ trên tuyến đường dây 500 kV; duy tu sửa chữa phương tiên và các đồ dùng phục vụ trong quá trình xảy ra bão lũ; Lập phương án trình PTC2 phê duyệt và tổ chức tổng diễn tập PCTT&CNCH năm 2020 với sự tham gia của lực lượng xung kích trong đơn vị và các lực lượng tại địa phương từ người dân, chính quyền cơ sở cho đến công an, quân đội thực hiện theo phương án đã ký kết. Đây chính là điểm thành công và tự tin nhất của đơn vị vào mùa mưa bão năm nay.

 

Đặc biệt, đơn vị đã giả định đến một số tình huống cụ thể như do mưa to gió lớn kèm theo lốc xoáy làm dây lèo đường dây 500 kV mạch 1 vắt lên xà đỡ; do mưa lớn kéo dài làm sạt lở móng trụ đường dây 500 kV mạch 2 và mưa lớn kéo dài gây ngập hệ thống mương cáp nhị thứ tại Trạm biến áp 220 kV….

Nhìn chung, các giải pháp trong công tác phòng chống bão lụt năm 2020 có biện pháp xử lý tình huống đảm bảo cung cấp điện liên tục, ngăn ngừa hư hỏng sạt lở móng gây ngã đổ trụ điện, đồng thời đảm bảo an toàn cho người lao động trong kiểm tra phát hiện tồn tại và thi công sửa chữa hư hỏng là yêu cầu cấp bách.

Để làm được điều này, trước mùa mưa bão, Truyền tải đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình diễn biến đường xá giao thông tại địa phương lập các chốt tiền phương tại các điểm hư hỏng hoặc ngập lụt không qua được, tăng cường các điểm rải quân dọc tuyến đường dây.

Công tác xử lý sự cố trong bão, lũ đòi hỏi lãnh đạo Truyền tải và người chỉ huy trực tiếp có những quyết đoán nhanh, chuẩn xác các biện pháp và phương án xử lý, như vậy vừa ngăn được các hư hỏng phát triển thành sự cố và đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng của người lao động.

Tính đến thời điểm này, kế hoạch chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2020 của Truyền tải đã đi vào ổn định; sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong phối hợp nhân lực, hình thành các giải pháp xử lý sự cố đầy linh hoạt và chủ động cho các cơ sở trực thuộc; không những đã tập kết đầy đủ các loại vật tư, phương tiện dự phòng ở mỗi đơn vị trực thuộc, Truyền tải còn đề ra kế hoạch điều động hỗ trợ giữa các đơn vị liền kề mang tính liên hoàn và các loại phương tiện lưu động hỗ trợ từ đơn vị khác trong PTC 2 hoặc đơn vị bạn nếu có tình huống xấu xảy ra trên diện rộng.

Để đảm bảo cung cấp điện liên lục, ổn định và an toàn, nhằm phục vụ các nhu cầu xã hội và dân sinh, đây là những công việc đầy gian truân thầm lặng, cần sự chung tay góp sức của những người thợ truyền tải điện và sự hỗ trợ của các ban, ngành và người dân trên địa bàn để cùng giữ dòng điện truyền tải liên tục và chu toàn hơn trong mùa mưa bão năm nay./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động