RSS Feed for Dấu ấn 10 năm điện khí hóa nông thôn ở Trà Vinh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 14:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dấu ấn 10 năm điện khí hóa nông thôn ở Trà Vinh

 - Mười năm qua (2011-2020), Công ty Điện lực Trà Vinh triển khai nhiều công trình, dự án đưa điện về nông thôn trên địa bàn 106 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Cấp điện cho hơn 50 ngàn hộ dân, đưa điện lưới quốc gia về đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, cù lao và các cồn xa đất liền, đặc biệt đến nay đã hoàn thành tiêu chí số 4 xây dựng nông thôn mới cho 85/85 xã.


Đổi thay từ điện lưới quốc gia: Ghi nhận ở “ốc đảo” của Trà Vinh


Những con số biết nói

Ngược dòng thời gian, khi mới tách ra từ tỉnh Cửu Long (tháng 5/1992), hệ thống điện tỉnh Trà Vinh hầu như “không có”, chỉ có duy nhất 1 trạm biến áp trung gian 6 MVA/66 kV, còn đến trên 90% ấp, xã và hơn 91,4% số hộ dân “trắng điện”, sản lượng điện thương phẩm không quá 20 kWh/ người/năm.

Con tôm làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc khi điện lưới về.

Với quyết tâm “điện đi trước một bước”, ngành điện chủ động tìm kiếm đối tác, nguồn vốn đầu tư cho lưới điện, đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, bằng các nguồn vốn: Vốn đầu tư của ngành điện (vốn Khấu hao cơ bản), Jibic, WB, AFD, ADB…

Lãnh đạo Công ty Điện lực tham mưu lãnh đạo tỉnh đẩy nhanh tiến độ các công trình điện về nông thôn: Năm 1995-1996, tỉnh ứng vốn hơn 11 tỷ đồng xây dựng mới 4 công trình trung thế 22 kV trên 100 km kéo liên xã (11 xã) và năm 1996 điện khí hóa xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, xã vùng đồng bào dân tộc Khmer được điện khí hóa đầu tiên của tỉnh, đây là xã đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu long.

Từ năm 1998-2006, triển khai nhiều công trình điện khí hóa, đầu tư phát triển lưới điện về hơn 75 xã, số tiền trên 288 tỷ đồng; kéo điện vượt sông Tiền đưa điện lưới về 2 xã cuối cùng của tỉnh (xã cù lao Hòa Minh và Long Hòa năm 2004); kéo điện vượt sông Hậu cấp điện cho 2 ấp cù lao Tân Quy và Tân Quy 1 xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, kéo điện về cù lao Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh ...

Nhờ các dự án công trình lưới điện được đầu tư và xóa hộ câu đuôi (trên 5.391 hộ, số tiền 16,43 tỷ đồng), lưới điện ở Trà Vinh tiếp tục được mở rộng đến tận vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Số hộ sử dụng điện đạt 99,02%, trong đó số hộ nông thôn đạt 98,89%, so sánh 10 năm trước đây tỉ lệ số hộ dùng điện tăng trên 7,92% và có 85/85 xã đạt tiêu chí số 4 về điện xây dựng nông thôn mới (năm 2000 tỷ lệ số hộ có điện 91,1%, số hộ nông thôn có điện 89,69%).

Điện về đổi thay, có nhiều xã nông thôn mới

Về vùng đồng bào Khmer, huyện Cầu Ngang, điều chúng tôi ghi nhận là sự thay đổi nhanh chóng của miệt biển Trà Vinh. Lưới điện về truyền thêm nguồn năng lượng mới, như truyền thêm sức sống, làm thay da đổi thịt một vùng quê “Phum, Sóc” đổi thay từng ngày.

Nông dân Thạch Dương, ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn, Cầu Ngang kể về cuộc đời của hàng ngàn nông dân quê mình “Vùng đất trước hoàn toàn nhiễm mặn, khi chưa có điện đời sống người dân rất khó khăn, không xem tin tức thời sự trên ti vi được, tinh thần đã thiếu thốn, còn vật chất thì càng khó khăn hơn, có đất nhưng tác không hiệu quả. Khi dự án cấp điện cho đồng bào Khmer hoàn thành, có điện tui mở rộng sản xuất ngoài canh tác lúa ra, trồng trên 100 gốc chanh, thu nhập thêm hiện nay cũng được từ 200.000đ-300.000 đ/ngày.

Long Sơn là xã nghèo của huyện Cầu Ngang, với 3.629 hộ, trong đó hộ dân tộc Khmer chiếm trên 50% và mười năm trước tỉ lệ số hộ sử dụng điện ở xã chỉ đạt từ 50-60%.

Dệt chiếu bằng điện ở Cà Hom cho năng suất cao gấp 5 lần so với dệt thủ công.

Ông Lư Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: 5 năm trở lại  đây, nhờ điện xã Long Sơn thay đổi đi lên, sản xuất màu (trồng lúa, trồng màu), nuôi tôm, tỉ lệ số hộ trồng màu và nuôi tôm tăng nhanh. Trước đây mỗi hộ trồng màu chỉ được khoảng 1-2 công, khi có điện dùng mô-tơ tưới tiêu số diện tích canh tác tăng từ 5-7 công, nuôi tôm phát triển, toàn xã nuôi trên 500 ha đất nuôi tôm.

Vùng đất này trước kia trồng lúa, nay chuyển sang nhiều mô hình: Chuyển cây màu xuống chân ruộng, xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao và hình thành những cánh đồng tôm… đời sống người dân được nâng lên, kinh tế tăng trưởng bình quân từ 12-14%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,2 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, riêng tiêu chí số 4 về điện đạt cách đây 3 năm, dự kiến năm 2022 phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Nhờ đẩy mạnh đầu tư phát triển lưới điện, đến nay Trà Vinh có 51/85 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 1 huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; 1 thị xã  Duyên Hải được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Năm 2019, sau khi hoàn thành công trình cấp điện cho cồn An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè góp phần cho huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới.

Điện về làng nghề khởi sắc, kinh tế nông thôn phát triển

Tiếp nối niềm vui của chính quyền và người dân huyện Cầu Ngang, trở lại Trà Cú, đây cũng là huyện có trên 60% đồng bào dân tộc Khmer. Mười năm gần đây ngành điện đầu tư phát triển các dự án công trình điện, đặc biệt dự án cấp điện cho đồng bào Khmer. Các làng nghề ngày càng khởi sắc, toàn huyện có 3 làng nghề (Làng nghề dệt chiếu Hàm Tân; Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An; Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang). Hàng năm sản xuất trên 680.000 sản phẩm các loại (bàn, ghế, giường, thang, ky, thúng, nia, hom… làm từ tre, trúc, lát), giải quyết trên 3.273 lao động.

Điện về nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng trọt mang lại hiệu quả cao.

Ông Thạch Trì Cảnh, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, có gần 50 năm trong làng nghề gia truyền này từ đời ông bà, cha mẹ và đến nay cho biết: Khi chưa điện, làng nghề hoạt động nhỏ lẻ theo thời vụ, hơn 5 năm nay điện lưới kéo về, tui đã kết hợp đưa máy móc thay thế thủ công, sản phẩm làm ra đẹp và nhiều: Salon tre, bàn ghế tre làm ra nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận và sản phẩm đã vượt qua khỏi “lũy tre làng”, cùng với hơn 20 kiểu mẫu salon, bộ bàn ghế được thiết kế đã vươn tới thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 tỉnh Trà Vinh đạt 14,85%, cao nhất khu vực dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 24,1%/năm. Đi đôi phát triển điện, ngành công thương đẩy mạnh các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các xã, huyện vùng nông thôn.

Điện về góp phần phát triển làng nghề đóng giường tre ở Hàm Giang.

Đến nay, Trà Vinh có 13 làng nghề được công nhận, trong đó 2 làng nghề hoa kiểng, 7 làng nghề Tiểu thủ công nghiệp, 4 làng nghề chế biến thực phẩm. Các làng nghề này duy trì sản xuất ổn định, tổng doanh thu đạt trên 770 tỷ đồng/ năm, thu hút 10.080 lao động và giải quyết thu nhập cho bà con nông thôn bình quân 2 đến 3,5 triệu đồng/ tháng.

Ông Võ Minh Cầm- Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Dấu ấn điện khí hóa tỉnh Trà Vinh qua nhiều năm: Điện về đổi thay, có nhiều xã nông thôn mới và làng nghề khởi sắc, kinh tế nông thôn phát triển. “Điện” là yếu tố không thế thiếu được trong việc phát triển kinh tế của tỉnh Trà Vinh, nhất là khu vực nông thôn.

Mười năm qua ngành điện đầu tư nhiều công trình, dự án điện trên địa bàn với tổng giá trị 815,7 tỷ đồng, khối lượng 715km đường dây trung thế, 1.840km đường dây hạ thế, tổng công suất trạm phân phối 98 MVA. Một số dự án cung cấp điện đã thực hiện:

  - Dự án cải tạo lưới điện nông thôn RD (vay vốn WB) với tồng mức đầu tư 10,85 tỷ đồng, hoàn thành năm 2011;

- Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer, tổng vốn đầu tư 469,7 tỷ đồng, gồm 3 giai đoạn, khởi công ngày 05/7/2011, hoàn thành tháng 8/2016 cấp điện cho 34.926 hộ dân trên địa bàn 83 xã của 07 huyện, 01 thị xã;

- Dự án thành phần "Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Trà Vinh" thuộc dự án DPL3, vốn đầu tư 107,4 tỷ đồng: hoàn thành năm 2016, cung cấp điện cho trên 5.779 hộ nuôi tôm công nghiệp;

- Các công trình cấp điện nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghiệp giai đoạn 2016-2019 với tổng vốn là 118,5 tỷ đồng;

- Cấp điện 02 cồn cuối cùng của tỉnh: cồn Phụng, huyện Châu Thành và cồn An Lộc, huyện Cầu Kè, tổng vốn là 22 tỷ đồng, cấp điện cho 282 hộ dân./.

ĐẶNG HUY HOÀNG - CÔNG TY ĐIỆN LỰC TRÀ VINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động