RSS Feed for Phát triển điện sạch tại Cà Mau: Tiềm năng, giải pháp và những kiến nghị | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 19:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển điện sạch tại Cà Mau: Tiềm năng, giải pháp và những kiến nghị

 - UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Mặc dù được các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án điện sạch (điện gió, mặt trời, khí...), nhưng hiện nay các dự án triển khai tương đối chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả mời gọi đầu tư trên địa bàn.


Năng lượng tái tạo ‘phi thủy điện’ thế giới và vấn đề tham khảo cho Việt Nam

Những vấn đề cần ưu tiên trong phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam


Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có địa hình thấp và bằng phẳng, 3 mặt giáp biển về phía Đông, phía Nam và phía Tây với bờ biển dài trên 254 km. Với thuận lợi về mặt địa hình và điều kiện gió biển mạnh khoảng 6,3-7,0 m/s ở độ cao từ 80-100 mét nên tiềm năng khai thác năng lượng gió ven biển tại các khu vực này là rất lớn.

Về năng lượng mặt trời, với lợi thế là một trong những khu vực nằm trong dải phân bố ánh nắng mặt trời số giờ nắng trung bình 2.000-2.200 giờ/năm nên Cà Mau có rất nhiều thuận lợi để khai thác nguồn năng lượng này, chủ yếu là khu vực các bồi ven biển, diện tích đất nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả có thể chuyển đổi sang đầu tư năng lượng mặt trời với tiềm năng rất lớn.

Ngoài ra, Cà Mau có các hòn đảo xung quanh, với khoảng cách, độ sâu rất phù hợp cho việc xây dựng kho chứa khí nổi phục vụ cho việc nhập khẩu, vận chuyển, dự trữ để cung cấp khí cho sản xuất điện và các lĩnh vực khác.

Để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tỉnh Cà Mau cơ bản đã chủ động lập xong các quy hoạch điện gió và điện mặt trời.

Trong thời gian vừa qua, tỉnh Cà Mau đã tiếp và làm việc với rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các dự án năng lượng tái tạo, cũng như các dự án điện khí LNG. Đến nay đã có trên 30 nhà đầu tư chính thức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án với tổng công suất khoảng 12.000 MW, cụ thể như sau:

Đối với dự án điện gió có 29 dự án đề xuất, với tổng công suất là 6.050 MW, trong đó:

8 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng công suất 550 MW, trong đó, có 1 dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận (khởi công vào ngày 27/12/2019).

13 đề án đã được UBND tỉnh trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch, với tổng công suất 4.150 MW.

2 đề án đã thông qua thường trực UBND tỉnh và các ngành, nhà đầu tư đang hoàn thiện theo góp ý để UBND tỉnh trình Bộ Công Thương thẩm định bổ sung dự án vào quy hoạch với công suất 250 MW.

6 dự án đang tiếp cận nghiên cứu làm cơ sở đề xuất dự án bổ sung vào quy hoạch với công suất 1.100 MW.

Đối với dự án điện mặt trời nối lưới, tính đến thời điểm hiện nay, các nhà đầu tư đề xuất 1.450 MWp, trong đó: 1 dự án 25 MWp trong quy hoạch nhà đầu tư đề xuất dự án lên 50 MWp và 1 dự án điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản 1.000 MWp đã được UBND tỉnh trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch; 1 dự án điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản, với công suất 400 MWp nhà đầu tư đã xin chủ trương tỉnh.

Đối với dự án điện khí LNG, tổng công suất dự kiến 4.500 MW với hai nhà đầu tư xin thực hiện: 1 dự án điện khí với công suất 3.000 MW của Công ty B.Grimm đề xuất được UBND tỉnh trình Bộ Công Thương bổ sung dự án vào quy hoạch; 1 dự án điện khí Cà Mau 3 với công suất 1.500 MW do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đề xuất đã được UBND tỉnh chấp thuận để nhà đầu tư nghiên cứu tiếp cận.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, mặc dù được các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án, nhưng hiện nay các dự án triển khai tương đối chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả mời gọi đầu tư trên địa bàn, với các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Theo hiện trạng lưới điện của tỉnh có đường dây truyền tải cấp điện áp 220 kV để giải phóng công suất cho Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, gồm 4 tuyến đường dây (8 mạch) đi các tỉnh lân cận (1 tuyến đi Kiên Giang, 1 tuyến đi cần Thơ, 1 tuyến đi Sóc Trăng, 1 tuyến đi Bạc Liêu) hiện đang mang tải khoảng 40% so với công suất thiết kế, do đó, trong thời gian tới cơ bản đáp ứng công suất cho các dự án điện gió đã được tỉnh trình bổ sung vào quy hoạch; nếu các dự án điện gió và điện khí vào đồng loạt thì lưới điện truyền tải sẽ không đáp ứng.

Thứ hai: Vị trí đấu nối từ các dự án nhà máy điện đến các trạm biến áp còn khá xa (do địa hình tỉnh có 3 mặt giáp với biển, hiện tại đường dây 220 kV chỉ đến khu vực Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, nên việc mỗi nhà đầu tư phải đầu tư đường dây truyền tải riêng biệt và khá xa, làm tăng suất đầu tư lên dẫn đến dự án kém hiệu quả).

Thứ ba: Về việc bổ sung các dự án vào quy hoạch phát triển điện lực hiện nay còn khá chậm, do lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan rất nhiều, làm ảnh hưởng đến tiến đô thực hiện dư án của các nhà đầu tư.

Để tháo gỡ khó những khăn trên, nhằm giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị:

Một là: Đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đối với các dự án thuận lợi về đất đai, có khả năng đấu nối để giải phóng công suất theo Quyết định số 329/QĐ-BCT ngày 22/01/2020 của Bộ Công Thương, theo nguyên tắc “dự án có văn bản đề nghị của UBND tỉnh gửi Bộ Công Thương trước thi được giải quyết trước” và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công trình đường dây và hạm biến áp 220 kV Cà Mau 2 - Năm Căn.

Hai là: Bổ sung vào quy hoạch điện VIII: Đường dây và trạm biến áp 500 kV về đến tỉnh Cà Mau; Đường dây 220 kV kết nối mạch vòng từ 3 phía phía Đông, Nam, Tây để thuận tiện trong việc giải phóng công suất nguồn điện cho các dự án.

Đồng thời, ghi nhận công suất đối với các dự án mà nhà đầu tư đã đề xuất nhưng chưa được bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) để đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động