RSS Feed for Ứng dụng chuyển đổi số trong vận hành lưới điện tại PC Hưng Yên | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 14:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ứng dụng chuyển đổi số trong vận hành lưới điện tại PC Hưng Yên

 - Mô hình trạm biến áp không người trực là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện chương trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo Đề án “Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình này đã được Chính phủ, các bộ, ngành nói chung và EVN nói riêng nghiên cứu từ lâu bởi hiệu quả cao được chứng minh tại các quốc gia phát triển.


Cao điểm nắng nóng, PC Hưng Yên khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm


Để đẩy mạnh công tác ứng dụng và chuyển đổi số trong vận hành hệ thống điện theo chủ trương và chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Hiện nay, Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên) đang quản lý vận hành 13 trạm biến áp 110 kV, trong đó đã chính thức triển khai vận hành 12/13 trạm biến áp 110 kV theo mô hình trạm biến áp không người trực. Đối với 1 trạm biến áp còn lại, PC Hưng Yên đang tích cực cải tạo, nâng cấp thiết bị để sớm triển khai mô hình không người trực trong tháng 7/2021.

Triển khai trạm biến áp không người trực được hiểu là tại các trạm biến áp 110 kV sẽ không còn công nhân trực tiếp trực vận hành tại trạm, các thao tác đối với hệ thống thiết bị, việc thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động. Mọi hoạt động đóng cắt, vận hành lưới, thu thập dữ liệu của các thiết bị trong trạm đều được điều khiển từ xa qua hệ thống SCADA, việc giám sát được thông qua hệ thống camera từ Trung tâm điều khiển xa tại trụ sở Công ty.

Công tác vận hành hệ thống trạm biến áp không người trực đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác vận hành/điều hành lưới điện thông qua hệ thống SCADA tại Trung tâm điều khiển xa tới các trạm biến áp 110 kV.

Cụ thể, hệ thống này giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp... từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng.

Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết cực đoan như mưa gió, bão lũ, việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác đóng/cắt điện các đường dây/trạm biến áp được thực hiện nhanh chóng và chính xác từ xa, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị vận hành trong trạm.

Công tác điều hành lưới điện tại Trung tâm điều khiển xa - PC Hưng Yên.

Đối với Trung tâm điều khiển xa, khi đưa hệ thống SCADA vào vận hành đã hỗ trợ các điều độ viên phát hiện sự cố kịp thời/nhanh chóng và chính xác các vị trí bị sự cố (hiển thị trên phần mềm với 3 mức cảnh báo, đồng thời có chuông báo động tại các TBA 110 kV), từ đó kịp thời báo cáo cấp trên để điều hành xử lý sự cố theo quy định, đảm bảo chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện.

Ngoài ra, khi theo dõi qua hệ thống SCADA, các nhân viên trực vận hành có thể kiểm soát được chính xác các thông số kỹ thuật vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành việc duy trì nguồn điện an toàn, liên tục và ổn định trên lưới điện, đặc biệt trong các thời gian cao điểm (So với trước đây, tình trạng các thông số vận hành vượt ngưỡng giới hạn hoặc việc phát hiện/xử lý sự cố chậm chễ đã không còn xảy ra).

Khi xảy ra sự cố, các thông tin sự cố như vị trí sự cố, nguyên nhân sự cố, thời gian/kế hoạch xử lý sự cố, thời gian khôi phục lưới điện… đều được đồng bộ/cập nhật kịp thời từ hệ thống SCADA sang hệ thống “Quản lý lưới điện OMS”, từ đó hệ thống sẽ nhắn tin thông báo tới các khách hàng bị gián đoạn cấp điện, giúp nâng cao độ hài lòng khách hàng sử dụng dịch vụ điện.

Như vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác vận hành hệ thống điện được áp dụng đối với việc triển khai trạm biến áp không người trực đã tạo ra bước đột phá trong công tác điều khiển theo dõi, cập nhật tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị tại trạm biến áp, đồng thời giúp tối ưu hóa nhân lực, tăng năng suất lao động trong công tác quản lý, vận hành trong ngành điện nói chung và tại PC Hưng Yên nói riêng.

Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý, vận hành hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, PC Hưng đã nhìn nhận ra các mục tiêu cũng như thách thức trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số của ngành điện. Qua đó, PC Hưng Yên cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác đào tạo nâng cao nhận thức cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ của toàn bộ CBCNV, đặc biệt ưu tiên đầu tư đào tạo nhân lực công nghệ cao và nâng cấp/đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ trong công tác sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Năm 2021, PC Hưng Yên đã xây dựng các kế hoạch/đề án chi tiết và cụ thể trong công tác sản xuất, kinh doanh của Công ty (kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 - 2022; Đề án Top 10 EVN…). Qua đó đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2023 sẽ đạt vị trí Top 10 trong bảng xếp hạng các Công ty Điện lực tỉnh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam./.

PC HƯNG YÊN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động