RSS Feed for Đột phá từ khoa học công nghệ Dầu khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 12:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đột phá từ khoa học công nghệ Dầu khí Việt Nam

 - Trong lịch sử hình thành và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã có những đột phá cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), đóng góp rất lớn vào sự phát triển của KHCN Việt Nam và thế giới, cũng như sự phát triển kinh tế của đất nước. Giai đoạn hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho ngành, nhưng cũng là cơ hội để tạo nên đột phá mới trong lĩnh vực KHCN dầu khí.

Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho trường hợp Việt Nam

Lịch sử phát triển KHCN của ngành Dầu khí Việt Nam kể từ khi thành lập vào năm 1960 đến nay có thể tóm lược trong 3 giai đoạn phát triển và hiện đang ở giai đoạn thứ 4 của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Giai đoạn 1: Khẳng định Việt Nam có dầu khí

Từ 1960 đến 1975 - là thời kỳ sơ khai, đào tạo và tích lũy kiến thức được hình thành trên cơ sở của đoàn địa chất thăm dò với công nghệ của Liên Xô (trước đây), chúng ta đã tiến hành tìm kiếm dầu khí trên đồng bằng Bắc bộ và vùng Đông Bắc Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, nhưng Đảng và Nhà nước rất quyết tâm dồn sức tìm dầu. Chúng ta đã khoan hàng trăm giếng khoan, trong đó có những giếng khoan sâu trên 3.000m, tiến hành đo, khảo sát hàng trăm km tuyến địa chấn và trọng lực, nói cách khác đã áp dụng những giải pháp KHCN tiến bộ của Liên Xô thời kỳ đó để tìm dầu.

Kết quả đã phát hiện mỏ khí Tiền Hải, mặc dù trữ lượng khiêm tốn.

Trong khi đó ở miền Nam, Chính phủ Sài Gòn đã hợp tác với các công ty nước ngoài triển khai tìm kiếm dầu khí trên thềm lục địa và đã khoan một số giếng phát hiện dầu khí. Thành quả và sự bứt phá của KHCN ở giai đoạn này là sự khẳng định Việt Nam có dầu khí, được phát hiện ở thềm lục địa cũng như trên đất liền, ở miền Nam và miền Bắc khi nhiều tư liệu quốc tế còn nghi ngờ.

Qua hợp tác, chúng ta đã tiếp cận, tích lũy và ứng dụng những giải pháp KHCN để chứng minh tiềm năng dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh chia cắt nên hiệu ứng của KHCN đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước bị hạn chế.

Giai đoạn 2: Tạo nên đột phá trong lịch sử công nghiệp dầu khí thế giới

Từ năm 1975 đến 1988 là giai đoạn thứ hai và là giai đoạn tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới để thăm dò dầu khí ngoài thềm lục địa. Sau khi đất nước thống nhất, với sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước phát triển ngành Dầu khí Việt Nam thành tiềm năng vật chất để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chính sách khơi thông hợp tác quốc tế đa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Dầu khí Việt Nam - dù hiệu ứng có bị hạn chế do cấm vận kéo dài và chiến tranh biên giới.

Trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng ngành Dầu khí Việt Nam đã tiến hành hàng nghìn km tuyến địa chấn, ứng dụng các phương pháp xử lý tiên tiến trình độ quốc tế thời bấy giờ, xây dựng mạng tọa độ chính xác qua hệ định vị toàn cầu và khoan hàng chục giếng sâu đến 4.000m bằng các phương tiện khoan biển hiện đại.

Đặc biệt, Việt Nam đã có bức phác họa về tiềm năng dầu khí trên toàn thềm lục địa Việt Nam, xây dựng được căn cứ logistic, đặt nền móng cho công nghiệp dịch vụ kỹ thuật cao, lĩnh hội được công nghệ chế tạo các chân đế giàn khoan và lắp ráp các giàn công nghệ khai thác dầu ngoài biển. Chúng ta đã xây dựng được đội ngũ KHCN, bắt đầu phát huy được hiệu quả.

Đỉnh cao về hiệu ứng KHCN là sự phát hiện tầng dầu phi truyền thống, chưa có tiền lệ trong khoa học dầu khí và bắt đầu xây dựng phương pháp luận và hệ phương pháp để khai thác tầng dầu đặc biệt này - tầng dầu trong đá móng nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với trữ lượng siêu cấp riêng ở tầng móng trên 4 tỷ thùng. Tên mỏ Bạch Hổ với tầng dầu trong đá móng granit nứt nẻ đã đi vào các văn liệu dầu khí thế giới. Công trình này đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN vào năm 2012.

Sự phát hiện tầng dầu trữ lượng lớn và bắt đầu tổ chức khai thác với sản lượng ngày càng gia tăng đã tạo động lực tăng trưởng nền kinh tế khởi đầu "thời kỳ đổi mới đất nước", đồng thời đánh dấu sự bứt phá lần 2, tạo đà cho KHCN dầu khí bùng nổ ở giai đoạn phát triển thứ ba.

Giai đoạn 3: Hoàn chỉnh ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam

Giai đoạn ba có thể tính từ năm 1988 đến 2010, được tiếp sức bởi chính sách mở cửa của "thời kỳ đổi mới", Luật Dầu khí ra đời tạo khung pháp lý thuận lợi cho hợp tác quốc tế, đặc biệt là "Nghị quyết 15" của Bộ Chính trị về xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh, toàn diện từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến (lọc hóa dầu) và dịch vụ kỹ thuật đã định hướng, tạo "không gian rộng mở" để phát triển nền công nghiệp dầu khí, cũng như sự thăng hoa của KHCN Dầu khí Việt Nam.

Ở giai đoạn này chúng ta đã tiến hành khảo sát địa vật lý phủ toàn bộ diện tích thềm lục địa Việt Nam ở các tỷ lệ khác nhau, triển khai khoan tìm kiếm ở vùng biển nước sâu đến 1000m, hoàn chỉnh việc đánh giá tiềm năng tài nguyên dầu khí Việt Nam và phân vùng triển vọng ưu tiên tìm kiếm dầu khí, có những đóng góp quan trọng trong việc lập Báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam một cách khoa học theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam đã hoàn thiện lý luận chưa có tiền lệ về tầng chứa đá móng granit nứt nẻ, phương pháp luận, hệ phương pháp và công nghệ để khai thác dầu với nhịp độ cao, hiệu quả lớn, với sản lượng đỉnh ở mức 10,5-11 triệu tấn/năm và kéo dài gần 4 năm ở mỏ Bạch Hổ, với hệ số thu hồi dầu cao, duy trì năng lượng vỉa bằng ép nước có kiểm soát… Tiêu biểu nhất của giai đoạn này là công trình khoa học về các giải pháp công nghệ thu gom, vận chuyển an toàn dầu nhiều parafin có nhiệt độ lắng parafin và đông đặc cao - Cụm công trình "Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam" đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2017.

Đồng thời, ngành dầu khí đã xây dựng và hoàn thiện công nghiệp vận chuyển và chế biến khí. Cùng với đó là sự hình thành Khu công nghiệp khí - điện - đạm Phú Mỹ với nhu cầu về điện tăng nhanh, đòi hỏi sớm khai thác mỏ khí lớn Lan Tây ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam đưa vào bờ. "Đường ống dẫn khí Nam Côn sơn" với đường kính 26 inches (660mm) dài 370km dẫn khí ở trạng thái 2 pha vào bờ, công suất 7 tỷ m3 khí/năm được xem là một trong những công trình lớn bậc nhất thế giới đòi hỏi những giải pháp KHCN đảm bảo tính ổn định, an toàn cao trong vận hành, đánh dấu sự trưởng thành của KHCN dầu khí Việt Nam cuối thế kỷ XX. Hình thành ngành công nghiệp điện khí với Nhà máy Điện Phú Mỹ và Nhơn Trạch.

Triển khai xây dựng Khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau và đường ống dẫn khí dài 327km, đường kính 405mm, công suất 2 tỷ m3 khí/năm từ khu khai thác chung trên thềm lục địa giữa Việt Nam - Malaysia (PM3) về Khu công nghiệp Khánh An - Cà Mau. Việc đưa khí có hàm lượng CO2 cao vào bờ để phát triển điện và đạm một lần nữa ghi nhận thành tựu công nghệ trong lĩnh vực xử lý và vận chuyển khí.  

Lĩnh vực thiết kế, xây lắp các công trình biển và dịch vụ dầu khí kỹ thuật cao đạt nhiều dấu ấn quan trọng, Công trình "Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam" vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2017 đã minh chứng cho sự thành công lớn trong lĩnh vực này. Chúng ta đã thiết lập và triển khai công nghệ khoan sâu ổn định, qua những địa tầng có điều kiện địa chất phức tạp với dị thường nhiệt độ và áp suất cao, khoan có quỹ đạo nằm ngang là những giải pháp công nghệ quan trọng, hỗ trợ cho sự gia tăng trữ lượng và sản lượng, tăng hiệu quả thăm dò, khai thác dầu khí.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau thời gian dài "thai nghén" đã đi vào hoạt động năm 2010, đánh dấu khâu cuối cùng trong chu trình hoàn chỉnh ngành công nghiệp dầu khí từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác, đến vận chuyển, chế biến và dịch vụ kỹ thuật, phân phối sản phẩm... Thực hiện chương trình xây dựng ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế đất nước… Sản lượng sản xuất lũy kế của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến hết tháng 5/2017 khoảng 47 triệu tấn dầu, với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD.

Trong lĩnh vực hóa dầu, hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đảm bảo gần 80% nhu cầu về đạm, nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại và mục tiêu ứng dụng, tạo giá trị gia tăng, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, bảo vệ môi trường ngày càng cao.

Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị tiếp tục mở ra không gian mới cần thiết tạo bứt phá cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam không những vượt qua khủng hoảng hiện nay, mà còn phải tiếp tục đảm nhận vai trò chủ lực của nền kinh tế Nhà nước trong thời gian 20 đến 25 năm tới, đặc biệt trước đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0 về chất lượng, sáng tạo và năng lực trí tuệ.

Đòn bẩy quan trọng để vượt qua cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay và tiếp tục phát triển ổn định bền vững đó là sự bứt phá về KHCN và hiệu ứng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công nghiệp dầu khí Việt Nam.

TS. NGÔ THƯỜNG SAN - CHỦ TỊCH HỘI DẦU KHÍ VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động