Tết này nhiều bà con dân tộc của tỉnh Yên Bái có điện đón Xuân
14:23 | 05/02/2013
>> EVN NPC khởi công dự án “Phân phối hiệu quả” khu vực phía Bắc
>> EVN triển khai kế hoạch 2013 và ra mắt các tổng công ty phát điện
>> Thi công lưới điện ra đảo Cô Tô bằng robot dưới biển
NGUYỄN TRUNG CAO
Sau hơn 60 ngày thi công, 3 nhà thầu thi công 3 gói thầu là: Công ty TNHH xây lắp Điện 4, Công ty cổ phần Vật tư và Xây dựng Hà Nội và Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Công Minh đã hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc, 4 TBA đã được đóng điện chạy không tải, hệ thống đường dây hạ áp, toàn bộ 351 công tơ đã được lắp đặt hoàn chỉnh và đưa vào vận hành an toàn.
Dự án TĐC cho gần 400 hộ dân thuộc 4 thôn di đân vùng hồ Thác Bà hoàn thành đánh dấu một sự thay đổi đổi cơ bản diện mạo của 4 thôn, bản chưa có điện vùng ven hồ Thác Bà, bộ mặt đời sống kinh tế văn hoá, xã hội của nông thôn, nông nghiệp và nông dân ở 4 thôn đã thực sự đổi thay.
Sự khát khao, mong đợi ánh sáng điện lưới Quốc gia về với các hộ dân người Dao, Nùng, Tày suốt hơn 50 năm qua đã trở thành hiện thực, tuyến đường dây 35 kV như sợi chỉ vắt qua những cánh rừng nguyên sinh, vượt ra đảo hồ chênh vênh soi bóng bên hồ nước mênh mang như đánh dấu một sự đổi thay thực sự của vùng đất lâu nay bị lãng quên.
Trong số 4 thôn thuộc dự án cấp điện lần này thì Vĩnh An là thôn xa nhất, giáp hồ, đường giao thông đi lại khó khăn nhất, cả thôn có 47 hộ, gồm 3 dân tộc anh em Dao, Tày, Nùng, trong đó người Dao chiếm đa số, ba dân tộc anh em sống quần tụ bên nhau từ những ngày đầu di dân làm hồ thuỷ điện Thác Bà từ năm 1965 đến nay. Ngoài trồng lúa nước, trồng rừng thì đánh bắt tôm cá trên hồ là thu nhập chính, ít nhất đã có 3 thế hệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ven hồ này, công nghiệp hoá vẫn chưa đến được nơi đây vì đường, điện chưa được đầu tư.
Đón mùa xuân mới này, đồng bào Dao thôn Vĩnh An vừa đón vụ mùa bội thu với những bồ lúa chất đầy nhà, không phải lo hạt gạo, bát cơm như năm trước nữa, Tết năm nay vui hơn mọi năm vì đã có cái điện về với bà con rồi nên nhà nào cũng mổ lợn, dê, làm bánh chưng.
Mùa đông năm nay lạnh hơn mọi năm gần bằng đợt rét năm 2008 nhưng do đã có kinh nghiệm chống rét cho gia súc nên đàn trâu bò vẫn béo khoẻ, không có con nào bị chết rét. Con đường từ Quốc lộ 70 về trung tâm thôn chưa được nâng cấp, đầu tư nên những ngày mưa đi lại rất khó khăn, chỉ có xe tải mới dám đi vì xe gầm thấp là bị sa lầy ngay, đường giao thông cách trở tạo nên sự cô lập từ bao năm nay của thôn với bên ngoài, giao thông ở đây vẫn là những vấn đề thời sự, nóng bỏng nhất sau cái điện. Nhưng niềm vui lớn nhất có lẽ là Tết này người Dao Vĩnh An đã có điện lưới quốc gia, điện đã thắp sáng các bản làng người Dao, người Tày, người Nùng.
Sáng ngày 31/1/2013 đánh dấu mốc quan trọng với người dân Vĩnh An khi Công ty Điện lực Yên Bái chính thức làm lễ đóng điện trạm biến áp (TBA) Vĩnh An, TBA cuối cùng, khánh thành dự án đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các hộ dân tái định cư thủy điện Thác Bà - xã Bảo Ái - huyện Yên Bình, đóng điện và đưa vào vận hành hệ thống lưới điện trung áp và hạ áp đường dây và TBA (TBA) ở 4 thôn cuối cùng của xã Bảo Ái.
Nhận thức rõ trách nhiệm trong việc triển khai, đẩy nhanh tiến độ của dự án, sử dụng hiệu quả đồng vốn tín dụng vay của EVNNPC, góp phần vào việc hoàn thành Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ Yên Bái khoá 16, nhiệm kỳ 2010 - 2015 “Đưa điện lưới Quốc gia về 100% số hộ tái định cư lòng hồ thuỷ điện Thác Bà’’, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá của các thôn, bản di dân nhường đất cho hồ thuỷ điện cách đây hơn 50 năm. Công ty Điện lực Yên Bái được EVNNPC giao nhiệm vụ lựa chọn nhà thầu có đủ kinh nghiệm xây lắp, chỉ đạo các nhà thầu tư vấn, giám sát và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Đặc biệt, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương xã Bảo Ái và và nhân dân các dân tộc 4 thôn, thuộc dự án và huyện Yên Bình trong việc giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công, nhiều gia đình ở các thôn đã không ngần ngại chặt những rừng keo, mỡ, quế để bàn giao mặt bằng xong rồi mới lấy tiền đền bù. Bà con còn tạo điều kiện cho các đơn vị thi công trong việc huy động thanh niên nam, nữ giúp đào hố móng, đổ bê tông móng cột, nhờ thế tiến độ thi công được đẩy nhanh.
Việc thi công, xây dựng cơ bản ở các xã vùng cao đã khó khăn vất vả. Song việc xây dựng các công trình lưới điện còn vất vả hơn rất nhiều. Gói thầu đưa điện về thôn Vĩnh An của Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 4, gồm 40 vị trí cột 35 kV dài 4 km, 94 vị trí cột hạ áp với 3 nhánh, tổng chiều dài 3,5 km, một trạm biến áp 100 KVA 35/0,4 kV thì việc thi công càng khó khăn gấp bội phần.
Đặc biệt, việc xây dựng lưới trung áp 35 kV, hạ áp 0,4 kV vượt hồ ra đảo, tuyến đường dây đi qua những vị trí xung yếu, khó khăn mà nhiều khoảng vượt gần 300m, phải thiết kế nhiều vị trí cột điện hai thân hình (∏). Thi công trong điều kiện đường giao thông rất khó khăn, mọi vật tư từ cột điện, xà, sứ đều vận chuyển bằng sức người. Hàng tấn vật liệu được đưa lên đồi cao, dốc thẳng đứng, vượt suối để dựng những cột điện, kéo dây trên địa hình rất chênh vênh, không có một phương tiện cơ giới nào vào đây được, chỉ có sức người.
Việc vận chuyển máy biến áp ( MBA) vào vị trí lắp đặt vô cùng khó khăn, phải dùng thuyền chở vượt hồ vào gần chỗ lắp trạm rồi dùng pa lăng kéo vào vị trí lắp đặt vì không có phương tiện cơ giới nào đi được, chỉ sơ sẩy một chút là cả người và máy lao xuống vực ngay. Ngay cả việc vận chuyển cột hạ áp xây dựng tuyến đường dây hạ áp cho 15 hộ ngoài ven hồ cũng phải dùng thuyền sắt để chở cột điện, phụ kiện thiết bị điện, khi rải dây anh em phải mặc áo phao bơi qua để lấy độ võng.
Không thể hình dung nổi bằng cách nào mà những người thợ xây dựng đường dây có thể làm nên những điều kỳ tích này. Chỉ trong hơn 60 ngày mà toàn bộ công trình đã được hoàn thành đưa vào vận hành, điều mà từ trước tới nay chưa có công trình nào làm được như thế.
Để hoàn thành đúng tiến độ như cam kết với chính quyền địa phương, Công ty đã phải huy động lực lượng gần 60 người trong những ngày cao điểm để thi công. Trong cái rét se sắt của mùa đông năm nay, lúc nào nhiệt độ cũng dưới 10 độ, anh em vẫn dầm mình dưới trời mưa lạnh để kéo dây, dựng cột.
Ông Trần Mạnh Cường, đội trưởng thi công thuộc Xí nghiệp Xây lắp số 1, Công ty TNHH Xây lắp Điện 4 - đơn vị thi công đưa điện về thôn Vĩnh An nói: “Khó khăn, vất vả thì không ngại, nhưng sợ nhất là mưa. Mưa ở Vĩnh An có những đợt kéo dài cả tuần, anh em công nhân chỉ biết đốt lửa ngồi nhìn mưa, chờ trời tạnh. Trong hơn 2 tháng thi công, đơn vị xây lắp luôn được sự ủng hộ, giúp đỡ của Công ty Điện lực Yên Bái và tình cảm gắn bó của nhân dân các dân tộc trong thôn. Sự ủng hộ của nhân dân địa phương đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư”.
Việc hoàn thành và đóng điện đường dây & TBA của các thôn thuộc dự án đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các hộ dân tái định cư thủy điện Thác Bà - xã Bảo Ái - huyện Yên Bình của tỉnh Yên Bái có một ý nghĩa vô cùng to lớn.
Ông Đặng Văn Tịch, Trưởng thôn Vĩnh An cứ nhắc đi, nhắc lại: “Vui lắm rồi, mong ước bao năm nay mới thấy cái điện về, có điện sẽ có nhiều ngành nghề mới mở ra, phát triển kinh tế, đời sống bà con sẽ đổi mới hơn, giờ chỉ mong con đường vào đây được nâng cấp để bà con đi lại đỡ khổ thôi”.
Chuẩn bị đóng điện, nhiều gia đình đã mua sẵn máy sát thóc, bơm nước để khi có điện là dùng ngay và làm dịch vụ cho bà con trong thôn.
Chị Trương Thị Tươi, nhà xa nhất mãi tận ngoài đảo hồ, phải đi lại bằng thuyền thì phấn khởi: “Cái thuỷ điện nhỏ lâu nay nhà mình vẫn dùng, chất lượng điện kém lắm, xem ty vi không nổi, hình ảnh cứ nhoà nhạt, nay điện lưới khoẻ lắm, không phải dùng cái ổn áp nữa, giờ cái máy thuỷ điện để làm kỷ niệm thôi, hôm qua chồng mình về huyện mua máy xát gạo rồi. Cả thôn mình đã được lắp công tơ rồi, nhiều nhà mua dây, bóng điện về mai nhờ thợ điện lắp hộ.
Trong niềm vui ngày khánh thành dự án đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các hộ dân tái định cư thủy điện Thác Bà - xã Bảo Ái, đóng điện TBA thôn Vĩnh An, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái, ông Chử Diệp Thu nói: “Đưa điện về các thôn, bản các hộ dân tái định cư thủy điện Thác Bà nói chung và 4 thôn của xã Bảo Ái nói riêng là trách nhiệm của Điện lực Yên Bái, góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo của địa phương, thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế miền núi. Để đảm bảo cung ứng, vận hành ổn định lưới điện, Công ty Điện lực Yên Bái thực hiện công tác quản lý vận hành và bán điện trực tiếp đến người dân. Tới đây, Điện lực Yên Bình và xã Bảo Ái sẽ tuyển chọn những thanh niên của 4 thôn đi đào tạo thợ điện về làm đại lý bản điện tại xã. Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả góp phần cải thiện đời sống và sản xuất của nhân dân”.
Một số hình ảnh:
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Á châu "Mùa biển động"
"Tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác"
Bắc Triều sẵn sàng cho 'bước chuyển mình vĩ đại'
"Con tim kiều bào cùng nhịp đập đất Mẹ Việt Nam"
Trước nguy cơ đại chiến Trung - Nhật
Tái cơ cấu nền kinh tế: 'Làm thật, chứ đừng nói... chơi'