Giảm tổn thất điện năng, EVNNPT triển khai đồng bộ 4 giải pháp
14:04 | 16/03/2020
Chủ tịch EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Năm 2019, EVNNPT hoàn thành vượt mức kế hoạch được EVN giao, như: Khối lượng đầu tư xây dựng đạt 101,2% kế hoạch; khối lượng đầu tư thuần đạt 101,9%; công tác tài chính đạt kết quả tốt, EVNNPT được Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm ở mức BB, tương đương với mức xếp hạng của Công ty mẹ EVN, xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức BB+. Đặc biệt chỉ tiêu tổn thất điện năng đặt được kết quả nổi bật, tỷ lệ tổn thất điện năng thấp nhất trong 11 năm kể từ ngày thành lập EVNNPT.
Năm 2018, tổn thất điện năng lưới điện truyền tải là 2,44%, xấp xỉ kế hoạch EVN giao (vượt 0,07% so với chỉ tiêu kế hoạch EVN giao) do là năm truyền tải sản lượng cao trên trục Bắc - Nam phục vụ cấp điện cho miền Nam, truyền tải điện năng từ miền Bắc phục vụ cấp điện cho miền Nam, xấp xỉ 12 tỷ kWh, cao nhất từ trước tới nay.
Năm 2019, TTĐN thực hiện đạt 2,15% thấp hơn 0,19% so với kế hoạch EVN giao (2,34%), thấp nhất từ khi thành lập EVNNPT, kết quả này bằng với kế hoạch năm 2020 EVN giao Tổng công ty (tại kế hoạch 5 năm 2016-2020), góp phần tích cực giúp EVNNPT nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống truyền tải điện.
Để đạt được kết quả trên, trong những năm qua, EVNNPT đã triển khai quyết liệt các giải pháp để giảm TTĐN, các giải pháp hiệu quả cũng sẽ tiếp tục được triển khai trong những năm tới, cụ thể:
Thứ nhất, về giải pháp quản lý:
EVNNPT đã củng cố và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo giảm TTĐN. Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch giao, các đơn vị xây dựng phương án và kế hoạch chi tiết các giải pháp giảm TTĐN để thực hiện.
Thực hiện nghiêm kế hoạch TTĐN được giao. Các Công ty Truyền tải điện giao chỉ tiêu tổn thất điện năng cho từng Truyền tải điện, có đánh giá thực hiện theo từng tháng, quý, năm và gắn kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giảm TTĐN với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Các đơn vị bố trí nhân lực chuyên trách cho công tác quản lý TTĐN và tính toán lưới điện; tổ chức đào tạo, bồi huấn nâng cao nghiệp vụ công tác quản lý TTĐN.
Thứ hai, giải pháp trong vận hành (chống đầy, quá tải thiết bị, sự cố và điện áp thấp):
Giảm sự cố lưới điện, không để xảy ra sự cố chủ quan, tìm và xử lý nhanh sự cố để khôi phục chế độ vận hành, đảm bảo các sự cố thoáng qua được tự động đóng lại thành công, đảm bảo kế hoạch về suất sự cố EVN giao. Trong năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài trên cả nước và đặc biệt là khu vực miền Trung, nhưng bằng nhiều giải pháp hiệu quả, tăng cường kiểm soát hành lang, kiểm soát thiết bị nên hệ thống lưới điện truyền tải vận hành an toàn, mặc dù quy mô lưới điện tăng nhưng số vụ sự cố lại giảm 0,72% so với năm 2018. Suất sự cố giảm đã góp phần làm giảm tổn thất điện năng so với kế hoạch được giao.
Các đơn vị trực thuộc EVNNPT đã chỉ đạo theo dõi sát mức độ mang tải, trào lưu công suất của các đường dây (ĐZ), máy biến áp (MBA); phối hợp và đề xuất với các Trung tâm Điều độ các giải pháp, phương án để tránh vận hành quá tải, non tải MBA, ĐZ và thiết bị lưới điện; đề xuất thay thế, nâng khả năng tải các ĐZ, MBA thường xuyên đầy tải, có tổn thất điện năng cao.
Các trạm biến áp phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Điều độ điều khiển đóng cắt các dàn tụ bù ngang, kháng bù ngang ở các thời điểm phù hợp và theo dõi trào lưu công suất phản kháng, hệ số công suất cosφ qua MBA, các xuất tuyến ĐZ để điều chỉnh và giữ điện áp trong giới hạn tối ưu, hạn chế truyền tải vô công giữa truyền tải và phân phối. Hàng tháng có rà soát, đánh giá về hệ số cosφ, làm việc với các Công ty Điện lực để có giải pháp đối với các xuất tuyến thường xuyên có hệ số thấp dưới quy định.
Việc theo dõi sát sao trào lưu công xuất, phối hợp với các trung tâm điều độ để có chế độ vận hành, kết dây phù hợp đã làm giám đáng kể các đường dây, các TBA đầy tải,, quá tải, góp phần không nhỏ trong việc giảm tổn thất điện năng lưới điện truyền tải.
EVNNPT cũng đã chỉ đạo kiểm tra, đánh giá và lập phương án di chuyển các dàn tụ bù ngang đến các vị trí phù hợp, có đánh giá để thay thế các dàn tụ cũ có tổn hao công suất cao vượt thiết kế của các bình tụ.
Đảm bảo chất lượng công tác lập, duyệt phương án thi công (kể cả thi công các công trình mới và sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm thiết bị), phối hợp các đơn vị trong việc cắt điện thi công công trình mới kết hợp với sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm lưới điện để hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện kể cả đối với lưới điện của các Công ty Điện lực, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Ưu tiên bố trí cắt điện thi công trong các ngày nghỉ, thời điểm phụ tải thấp. Nhờ làm tốt công tác này nên đã tăng cao tính an toàn, liên tục cho hệ thống, giảm tình trạng đầy tải, quá tải trên các thiết bị còn lại và góp phần làm giảm tổn thất điện năng.
Thư ba, trong công tác đầu tư xây dựng:
Đầu tư phát triển lưới điện mới; cải tạo, chống quá tải lưới điện cũ, đảm bảo vào vận hành đúng hoặc vượt tiến độ. Đây là giải pháp quan trọng đối với việc giảm TTĐN. Chủ động triển khai các dự án trang bị thiết bị ổn định điện áp lưới điện như trang bị kháng bù ngang trên lưới điện 500 kV và 110 kV, tụ bù ngang trên lưới điện 110 kV.
Năm 2019, trong bối cảnh công tác ĐTXD tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; các trình tự thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư hết sức phức tạp và kéo dài; công tác đấu thầu gặp nhiều vướng mắc; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp,... nhưng nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ giúp đỡ của các bộ, ngành và các địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn. Lãnh đạo EVNNPT thường xuyên trực tiếp trên các công trường, đơn vị rà soát, chỉ đạo, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án ĐTXD; tăng cường kiểm soát chất lượng, tiến độ và quản lý chặt chẽ hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực ĐTXD.
Theo đó, năm 2019, EVNNPT khởi công được 36/33 dự án theo kế hoạch (4 dự án 500 kV, 32 dự án 220 kV), trong đó có 24 dự án theo kế hoạch và 12 dự án khởi công ngoài kế hoạch để đảm bảo cung cấp điện, trong đó có nhiều dự án quan trọng như TBA 500 kV Long Thành, đường dây 500 kV Long Thành rẽ Phú Mỹ - Sông Mây, NCS TBA 500 kV Nho Quan…
EVNNPT đóng điện được 43/47 dự án theo kế hoạch (11 dự án 500 kV, 32 dự án 220 kV), trong đó có 37 dự án theo kế hoạch và 6 dự án đóng điện ngoài kế hoạch để đảm bảo cung cấp điện, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như các đường dây 500 kV: Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên, Sông Mây - Tân Uyên, Sông Hậu - Đức Hòa, Long Phú - Ô Môn; các TBA 500 kV: Tân Uyên, Đức Hòa; NCS các TBA 500 kV: Lai Châu, Tân Định, Dốc Sỏi và nhiều dự án lưới điện 220 kV trọng điểm.
Việc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu ĐTXD năm 2019 trong đó có nhiều dự án vượt tiến độ như: Dự án nâng công suất Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm (vượt tiến độ 6 tháng), lắp máy 2 trạm biến áp 220 kV hàm Tân (vượt tiến độ 2 tháng), trạm biến áp 220 kV Phan Rí (vượt tiến độ 3 tháng)… không những tránh được tình trạng đầy và quá tải trên hệ thống, góp phần giảm tổn thất điện năng mà còn góp phần quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận.
Thứ tư, công tác quản lý vận hành hệ thống đo đếm giao nhận điện năng:
Quản lý chặt chẽ hệ thống đo đếm điện năng giao nhận ranh giới, đảm bảo cấp chính xác của hệ thống theo quy định, kịp thời khắc phục nhanh các sự cố, khiếm khuyết. Thực hiện xác nhận, tính toán sản lượng điện năng tại các nhà máy điện và thực hiện giao nhận điện với các Công ty Điện lực, các nhà máy điện, không để tình trạng thất thoát điện năng giao nhận.
Mức tổn thất điện năng hiện tại trên lưới điện truyền tải của EVNNPT đã tiệm cận với tổn thất điện năng kỹ thuật và tương đương với mức tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải của các nước tiên tiến trên thế giới. Để tiếp tục thực hiện tốt các công việc trên, ngoài thực hiện quyết liệt các giải pháp đã nêu trên, năm 2020 EVNNPT sẽ triển khai nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp sau:
1/ Triển khai đề án thử nghiệm tách nối đất dây chống sét, cho một ĐZ 500 kV và một ĐZ 220 kV trong năm 2020 để có số liệu đánh giá phân tích sự ảnh hưởng của việc nối đất khép vòng dây chống sét đến tổn thất điện năng. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của giải pháp trên sẽ triển khai đối với các ĐZ phù hợp trên lưới điện.
2/ Sử dụng dây dẫn tổn hao thấp cho các dự án thay dây, nâng khả năng tải cho các đường dây mới và đường dây hiện hữu. Hiện tại, EVNNPT đang áp dụng giải pháp này cho các dự án ĐZ 220 kV Hòa Bình - Hà Đông (56,99km) và ĐZ 220 kV Bình Hòa (276) - Trị An (272).
3/ Từng bước trang bị các thiết bị tự động giám sát, đánh giá tình trạng các thiết bị chính lưới điện truyền tải để chủ động phòng ngừa sự cố thiết bị, nâng cao độ an toàn, tính liên tục và độ tin cậy vận hành lưới điện. Hiện nay, EVNNPT đã sử dụng thiết bị giám sát bản thể MBA cho 4 trạm biến áp 500 kV (Phú Lâm, Pleiku2, Đà Nẵng, Hiệp Hòa), sử dụng thiết bị giám sát dầu online cho tất cả các MBA 500 kV và kháng điện trên hệ thống truyền tải điện.
4/ Hoàn thành các dự án trang bị pin mặt trời trên mái nhà để lấy điện tự dùng, giảm sản lượng điện tự dùng lấy từ lưới điện./.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM