RSS Feed for Chuẩn bị hạ tầng nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 15:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuẩn bị hạ tầng nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam

 - Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nghiên cứu phương án mua bán điện với nước ngoài - nhất là việc nhập khẩu điện từ Lào, các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã, đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai xây dựng lưới truyền tải nhập khẩu điện từ Lào (Cụm Thủy điện Nậm Sum, Thủy điện Nam Emoun, Monsoon, NamKong 1,2,3 và Cụm Thủy điện Nậm Mô) về Việt Nam.

Đánh giá hiện trạng triển khai các dự án điện trọng điểm


 

Đối với Cụm Thủy điện Nậm Sum (Lào) có tổng công suất 265 MW, hồi cuối tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Cụm thủy điện này và phê duyệt bổ sung một số công trình lưới điện phục vụ việc nhập khẩu điện (dự kiến) vào năm 2021-2022.

Tháng 6/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Phongsubthavy của Lào đã ký Hợp đồng mua bán điện dự án Thủy điện Nậm Sum 3 (công suất 156 MW) với giá bán điện về Việt Nam (tuân thủ theo nội dung Văn bản số 241/TTg-QHQT ngày 23/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Hiện nay, EVN đã giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) triển khai thực hiện đầu tư các công trình lưới điện trên lãnh thổ Việt Nam để đáp ứng tiến độ nhập khẩu điện về Việt Nam từ Thủy điện Nậm Sum 3 vào năm 2021-2022.

Đối với Cụm Thủy điện NamKong 1,2,3 và Thủy điện Nam Emoun, ngày 30/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về chủ trương nhập khẩu điện từ các nhà máy này (tổng công suất 409 MW) và bổ sung một số công trình lưới điện, dự kiến nhập khẩu năm 2021.

Cụ thể Việt Nam sẽ xây dựng các dự án như sau:

1/ Trạm cắt 220 kV Bờ Y (khu vực cửa khẩu Bờ Y - tỉnh Kon Tum) và đường dây 220 kV (4 mạch), dây dẫn phân pha 2xACSR-400 mm2, chiều dài khoảng 1,5 km phục vụ đấu nối chuyển tiếp trạm cắt trên đường dây 220 kV mạch kép Xekaman 1 - Pleiku 2, vận hành năm 2021.

2/ Đường dây 220 kV (mạch kép) NamKong 3 - Trạm cắt 220 kV Bờ Y (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), dây dẫn phân pha 2xACSR-330 mm2, chiều dài khoảng 20,5 km, vận hành năm 2021.

3/ Trạm cắt 220 kV Đak Ooc (trên địa bàn tỉnh Quảng Nam) và đường dây 220 kV (4 mạch), dây dẫn ACSR-400 mm2, chiều dài khoảng 2 km phục vụ đấu nối chuyển tiếp trạm cắt trên đường dây 220 kV mạch kép Xekaman 3 - Thạnh Mỹ, vận hành năm 2021.

4/ Đường dây 220 kV (mạch kép) Nam Emoun - Trạm cắt 220 kV Đak Ooc (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), dây dẫn phân pha 2xACSR-330 mm2, chiều dài khoảng 11 km, vận hành năm 2021.

Với Cụm Thủy điện NamKong 1,2,3 và Thủy điện Nam Emoun, Bộ Công Thương đã có Văn bản hướng dẫn gửi EVN về giá điện nhập khẩu.

Đối với Cụm Thủy điện Nậm Mô, đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng đề nghị phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối từ Cụm thủy điện này (gồm 11 nhà máy, với tổng công suất 505 MW), dự kiến nhập khẩu từ năm 2022-2024.

Theo đó, chúng ta phải xây dựng mới đường dây 220 kV (mạch kép) Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), dây dẫn phân pha 2xACSR-330 mm2, chiều dài khoảng 45 km, vận hành năm 2022.

Mặt khác, EVN phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành trạm biến áp 220 kV Tương Dương và nhánh rẽ 220 kV sang giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh quy mô đường dây 220 kV Tương Dương - Đô Lương (chiều dài 118 km) thành mạch kép, hoàn thành giai đoạn 2021-2025 và điều chỉnh tiến độ đường dây 220 kV (mạch kép) Đô Lương - Nam Cấm sang vận hành giai đoạn 2021-2025.

Còn đối với Nhà máy điện gió Monsoon, theo cập nhật của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, cuối tháng 8/2019, EVN đã có Văn bản đề nghị phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối từ Cụm điện gió này (công suất 600 MW). Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ liên quan để xem xét, thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động