Chính quyền các tỉnh phía Nam đánh giá cao hoạt động điện lực của EVNSPC
07:54 | 21/05/2020
Tình hoạt hoạt động bốn tháng tháng đầu năm của EVNSPC
Đảm bảo cấp điện và phòng, chống dịch bệnh
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước, Tổng Giám đốc Nguyễn Phước Đức cho biết, năm 2020, EVN SPC đã bố trí 420 tỷ đồng để đầu tư phát triển lưới điện tại Bình Phước. 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng sản lượng điện tiêu thụ tại Bình Phước vẫn tăng 12%, đặc biệt điện sản xuất tăng 17%. EVN SPC dự kiến giảm tiền điện với số tiền khoảng 25 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tổng Giám đốc EVNSPC Nguyễn Phước Đức làm việc với UBND tỉnh Bình Phước.
Còn tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận, theo Phó Tổng Giám đốc EVNSPC, ông Lâm Xuân Tuấn, năm 2020, EVNSPC bố trí 1.260,59 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 30 công trình điện trên địa bàn tỉnh. Dự kiến giảm tiền điện cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền khoảng 120 tỷ đồng.
Ông Tuấn, mong muốn UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ Tổng công ty trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình điện trên địa bàn.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC, ông Nguyễn Văn Lý thông tin, năm 2020, EVNSPC đã bố trí 218,7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Điện lực đã triển khai giảm tiền điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, với số tiền dự kiến khoảng 125 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc EVNSPC - Nguyễn Văn Lý phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang.
Làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, Phó Tổng Giám đốc EVNSPC ông Nguyễn Văn Lý cho biết, năm 2020, EVN SPC đã bố trí 1.067 tỷ đồng đầu tư xây dựng và sửa chữa điện lưới trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giảm tiền điện cho khách hàng với số tiền dự kiến khoảng 151 tỷ đồng.
Lãnh đạo EVNSPC và UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất tiếp tục phối hợp hỗ trợ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình: Đường dây 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc, đường dây 110 kV ở Phú Quốc, tạo điều kiện cho các công trình điện hoàn thành đúng tiến độ.
Với chuỗi hoạt động như trên, ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch HĐTV EVNSPC đã đến và làm việc với UBND tỉnh Long An về tình hình cung cấp điện và việc đầu tư xây dựng các công trình điện trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch HĐTV EVNSPC cùng đoàn công tác làm việc với tỉnh Long An.
Năm 2020, ngành Điện dự kiến hoàn thành đóng điện 44 công trình lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh Long An, với tổng khối lượng lưới điện xây dựng mới và cải tạo để đưa vào vận hành bao gồm: 174,04 km đường dây trung thế; 253,54km đường dây hạ thế; tổng công suất trạm biến áp phân phối tăng thêm 25,098MVA; tổng chi phí đầu tư khoảng 255,244 tỷ đồng.
Song song đó sẽ triển khai hoạt động đầu tư kịp đưa vào vận hành 8 công trình lưới điện 110 kV với tổng khối lượng bao gồm: Xây dựng mới và cải tạo 63,626km đường dây 110 kV; tổng dung lượng trạm 110 kV tăng thêm 355 MVA. Tổng giá trị đầu tư là 546 tỷ.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN về việc giảm tiền điện cho người dân và doanh nghiệp, Công ty Điện lực Long An dự kiến hỗ trợ giảm tiền điện cho 468.831/481.282 khách hàng (tỷ lệ 97,41%) với tổng số tiền hỗ trợ ước khoảng 258,2 tỷ đồng.
4 tháng năm 2020, Công ty Điện lực long An đã giải quyết và đưa vào vận hành 228 công trình mới, mua điện từ lưới điện trung áp với thời gian giải quyết trung bình là 3,21 ngày/công trình. Công ty đã thực hiện cấp điện mới cho hơn 7.300 khách hàng mua điện hạ áp với thời gian cấp điện không quá 3 ngày/khách hàng.
Đánh giá cao hoạt động của ngành điện
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo UBND các tỉnh đánh giá cao hoạt động đầu tư phát triển lưới điện, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh của EVNSPC.
UBND các tỉnh cũng tiếp nhận ý kiến của lãnh đạo EVNSPC, về việc tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để giúp ngành Điện tăng cường các nguồn lực đầu tư, phát triển lưới điện trên địa bàn, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đồng thời khẳng định, UBND các tỉnh sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ ngành Điện trong công tác giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo các ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp quan tâm bố trí quỹ đất theo các công trình điện đã được duyệt trong quy hoạch, nhằm sớm thông qua vị trí và hướng tuyến xây dựng các công trình điện, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, kịp thời cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, tuyên truyền những chương trình tiết kiệm điện, sử dụng điện năng lượng mặt trời nhằm nguồn cung cho hệ thống thống điện quốc gia, giảm tiền điện cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường.
Lợi ích lớn từ điện mặt trời trên mái nhà
EVNSPC cho biết, đến cuối tháng 4/2020, đã có hơn 24.600 hộ lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đưa vào vận hành, được Điện lực trả tiền điện dư hàng trăm tỷ đồng.
Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà là biện pháp hiệu quả giúp giảm tiền điện, giảm áp lực nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia và góp phần bảo vệ môi trường.
Người dân và khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà sẽ được Điện lực gắn miễn phí công tơ đo đếm hai chiều để đo lượng điện dư phát lên lưới và ký Hợp đồng mua bán điện. Hàng tháng, ngành Điện trả tiền điện dư phát lên lưới điện.
Ngoài ra, lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ giúp hộ sử dụng điện ánh sáng sinh hoạt trên 101 kWh/tháng giảm sản lượng điện giá bậc thang cao có giá từ 2.014 đ/kWh đến 2.927 đ/kWh theo biểu giá điện hiện hành. Riêng hộ có giá điện kinh doanh, lợi ích nhiều hơn, đặc biệt từ 9g30 đến 11 giờ 30 trưa sản lượng điện mặt trời lớn, giảm nhiều tiền điện giờ cao điểm có mức giá 4.587 đồng/kWh.
Người dân và khách hàng có nhu cầu liên hệ lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, truy cập trang www. cskh.evnspc.vn hoặc gọi tổng đài 19001006 và 19009000 của Trung tâm chăm sóc khách hàng Điện lực miền Nam để được tư vấn và hỗ trợ./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM