RSS Feed for Cần hơn 500.000 tỷ đồng đầu tư điện giai đoạn 2011-2015 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 15:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần hơn 500.000 tỷ đồng đầu tư điện giai đoạn 2011-2015

 - Từ nay tới năm 2015, EVN sẽ phải bổ sung đúng tiến độ tổng công suất 11.600 MW cho hệ thống điện quốc gia. Tổng nhu cầu vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 501.470 tỷ đồng.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 của EVN vừa được Thủ tướng phê duyệt, nhu cầu vốn của Tập đoàn phục vụ phát triển hệ thống điện rất lớn.

EVN sẽ cần khoản vốn đầu tư trong nước là 368.759 tỷ đồng, vốn góp đầu tư các dự án điện cần 2.042 tỷ đồng. Riêng khoản vốn để trả nợ gốc và lãi vay cũng lên tới 130.668 tỷ đồng.

Dự kiến, trong tổng vốn đầu tư trong nước nêu trên, EVN sẽ dành 60,5% đầu tư cho nguồn điện, 17,8% vốn cho lưới điện truyền tải, 20,7% vốn cho đầu tư lưới điện phân phối trung, hạ thế và đầu tư cho các công trình khác là 1%.

Nhu cầu vốn trên cũng đã được tính toán trên cơ sở nhiệm vụ của EVN được giao đóng vai trò trụ cột trong phát triển hệ thống điện quốc gia.

Từ nay đến năm 2015, EVN sẽ phải đảm nhiệm đưa vào vận hành đúng tiến độ 42 tổ máy thuộc 20 dự án nguồn điện với tổng công suất 11.600 MW, hoàn thành đưa vào vận hành 318 công trình lưới điện truyền tải 220 - 500 kV với tổng chiều dài đường dây khoảng 11.577 km và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 44.450 MVA.

Đồng thời, EVN sẽ khởi công xây dựng 14 dự án nguồn điện với tổng công suất 12.410 MW để đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, để lo được số vốn trên, EVN cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế cho vay vốn ODA cũng như các ngân hàng thương mại trong nước. Ngoài ra, EVN có thể phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế cho các dự án điện giai đoạn 2011-2015.

Tập đoàn cũng có thể tranh thủ vay vốn nước ngoài từ nguồn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu thông qua việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị hoặc nhà thầu EPC. Các nhà thầu có thể chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay nước ngoài theo hình thức tín dụng người bán hoặc tín dụng người mua.

Ngoài ra, EVN cũng sẽ thoái vốn ở các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm đển hết năm 2015, tập trung nguồn lực cho ngành điện.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, EVN vẫn đang gặp khó về huy động vốn.

Trả lời bạn đọc tại buổi tọa đàm trực tuyến về Quy hoạch điện VII do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 28/6/2012, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện Tập đoàn mới chỉ thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng, chiếm 62-63% và còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng vốn cho giai đoạn 5 năm tới.

NangluongVietnam

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động