Tái cơ cấu ngành dầu khí: Kiến nghị quyền tự chủ nhiều hơn
06:35 | 01/10/2014
Cổ phần hóa các đơn vị thành viên trong tiến trình tái cơ cấu PVN
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012-2015 tại Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 05/01/2013. Sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án, Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo tái cấu trúc Tập đoàn và Tổ công tác thoái vốn.
Đến nay, Tập đoàn đã phê duyệt Phương án tái cơ cấu của 18/18 đơn vị (VPI và PVFC có Đề án tái cơ cấu riêng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Nhưng theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lê Minh Hồng, tiến độ thực hiện tái cấu trúc cũng gặp phải không ít khó khăn.
Hiện nay, ở không ít đơn vị, bộ máy quản lý gián tiếp khá cồng kềnh, hiệu quả chưa cao. Cơ cấu, số lượng lãnh đạo còn lớn, không hợp lý và chưa được thực hiện chế độ kiêm nhiệm tại một số vị trí không cần chuyên trách, chất lượng nguồn nhân lực còn tồn tại nhiều yếu kém, hạn chế.
Bên cạnh đó, định mức chi phí còn cao, sức cạnh tranh thấp so với các đơn vị bên ngoài trong cùng ngành, cùng lĩnh vực; còn trông chờ và nhận được nhiều sự hỗ trợ của Tập đoàn trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường, nhưng hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp nếu so với ngay lãi suất ngân hàng, thậm chí một số đơn vị kinh doanh thua lỗ…
Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp dầu khí nằm ở chỗ, các doanh nghiệp đều có qui mô lớn, nhiều đặc thù, có doanh nghiệp chịu sự điều tiết về giá bán sản phẩm của Nhà nước nên thời gian chuẩn bị, tháo gỡ khó khăn trước cổ phần hóa thường kéo dài.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn nhiều bất cập, Nhà nước chưa có qui định rõ ràng (ví dụ giá khí cho PVCFC và ưu đãi thuế cho BSR) nên thời gian kiến nghị, đề xuất kéo dài, đồng thời nếu không phê duyệt thì có thể nhìn thấy ngay doanh nghiệp sẽ thua lỗ sau cổ phần hóa.
Ngoài ra, theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lê Minh Hồng, chi phí cho cổ phần hóa (tối đa 500 triệu đồng) là quá thấp, dẫn đến việc tìm đối tác, cổ đông chiến lược bị hạn chế.
Đối với công tác thoái vốn, việc cùng lúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty tiến hành thoái vốn đã tạo nguồn cung quá lớn trên thị trường chứng khoán, trong khi nhu cầu thị trường còn hạn hẹp (bất động sản, vốn góp…).
Mặt khác, việc các đơn vị thuộc đối tượng thoái vốn kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, thậm chí không hoạt động liên tục... cũng ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn.
Một vấn đề nữa, việc một số công ty thuộc đối tượng thoái vốn có phần góp vốn của nhiều đơn vị trong Tập đoàn, hoạt động thua lỗ, chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán dẫn đến các đơn vị chưa chủ động thoái phần vốn góp của mình.
Đa số các ý kiến đề xuất với Tập đoàn, chỉ khi Đại hội cổ đông của doanh nghiệp không quyết định được vấn đề, Hội đồng quản trị các đơn vị thành viên mới phải trình lên Hội đồng thành viên Tập đoàn xem xét, quyết định.
Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu lưu ý người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, đặc biệt là tiếp tục nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện các qui trình, qui chế nội bộ, các định mức kinh tế kỹ thuật…
Đối với các đơn vị góp vốn vào cùng 1 doanh nghiệp thuộc đối tượng thoái vốn, Tổng giám đốc đề nghị các đơn vị cần chủ động phối hợp, lập phương án cụ thể để triển khai thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Trưởng ban chỉ đạo tái cấu trúc Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn kết luận, Hội đồng thành viên Tập đoàn sẽ tập hợp các ý kiến từ cơ sở, qua đó trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung phương án tái cơ cấu cho giai đoạn 2014-2015 và phê duyệt phương án sắp xếp tái cơ cấu cho giai đoạn sau 2015.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn để hoàn tất công tác tái cấu trúc theo hạn định của Thủ tướng Chính phủ.
NangluongVietnam.vn