RSS Feed for PV Gas và công tác an ninh công trình dầu khí trên biển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 10:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PV Gas và công tác an ninh công trình dầu khí trên biển

 - Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về công tác đảm bảo an ninh, an toàn Dầu khí và bảo vệ an ninh biên giới Tổ quốc, cuối năm 2010, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) 6 tỉnh miền Tây Nam bộ là Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu và Công ty Khí Cà Mau (KCM) - đơn vị trực thuộc được Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) giao nhiệm vụ đầu mối, đã ký các kế hoạch phối hợp tuyên truyền bảo vệ an ninh - an toàn (ANAT) các công trình, đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau phần trên biển. Sau một thời gian triển khai thực hiện, các đơn vị phối hợp đã tổ chức Hội nghị Sơ kết để đánh giá kết quả quá trình thực hiện đến hết tháng 6/2012.

HUỲNH QUỐC VIỆT

>> PV Gas cấp khí trở lại cho nhà máy điện Cà Mau
>> PV Gas và Vietsovpetro phối hợp lựa chọn nhà cung cấp máy nén khí
>> PV Gas thực hiện chiến lược đột phá về khoa học công nghệ

 

Công trình Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau có nhiệm vụ cung cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau và Nhà máy Đạm Cà Mau, với sản lượng 5,9 triệu Sm3/ngày, để sản xuất ra 10% sản lượng điện và 40% sản lượng đạm của cả nước.

Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau đi dưới đáy biển có chiều dài 298 km, bắt nguồn từ giàn Bunga Raya thuộc Lô PM3 trong vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, về đến khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Đường ống vận chuyển khí tự nhiên với áp suất 138 bar đi qua nhiều khu vực khác nhau, có mật độ phương tiện đánh bắt thủy sản cao của nhiều tỉnh. Nếu không kiểm soát tốt thì các rủi ro do ghe thuyền trục vớt phế liệu, đánh bắt bằng chất nổ, neo đậu… có rất nhiều dạng nguy hiểm, có thể gây va đập, chấn động dẫn đến biến dạng, hoặc gây ra sự cố cháy nổ đường ống dẫn khí, với hậu quả nghiêm trọng đối với con người, tài sản và môi trường. Vì vậy, công tác bảo vệ ANAT công trình khí trên biển là hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực Quốc gia.

Trong thời gian hơn 1 năm triển khai công tác phối hợp, các đơn vị đều đẩy mạnh trao đổi thông tin, từng bước đi vào nề nếp và đạt được các nội dung yêu cầu trong kế hoạch, giúp cho công tác chỉ đạo của lãnh đạo với các đơn vị cơ sở được kịp thời và sát với tình hình thực tế ở địa phương. Hầu hết các thông tin được xử lý nhanh, nhấn mạnh vào các vụ việc vi phạm hành lang an toàn công trình khí trên biển; tình hình an ninh biển đảo; sự thay đổi các chính sách của Nhà nước về quản lý phương tiện đánh bắt thủy sản, trang thiết bị thông tin trên các tàu cá… Các chương trình phối hợp nhằm mục đích tuyên truyền trực tiếp đến cho ngư dân trên mọi phương tiện cũng được triển khai tốt.

Trong thời gian qua, KCM và BCH BĐBP đã phối hợp với Chi cục BVNLTS 6 tỉnh miền Tây Nam bộ tổ chức được 55 lớp tập huấn cho ngư dân với 3.377 lượt người tham gia; cung cấp 18 đĩa CD cho các đồn biên phòng để phát thanh thường xuyên với nội dung tuyên truyền bảo vệ ANAT, kêu gọi người dân cùng bảo vệ tốt các công trình khí trên biển. Các bên cũng đã phối hợp phát được gần 21 nghìn tờ rơi tại các tỉnh có in tọa độ các công trình khí trên biển và các điều khoản của Nghị định 03/2002/NĐ-CP và Nghị định 145/2005/NĐ-CP liên quan đến công tác bảo vệ an ninh an toàn công trình dầu khí trên biển.

Ở mỗi tỉnh cũng đã diễn ra các hoạt động phù hợp với tình hình địa phương. BCH BĐBP tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Cảnh sát biển vùng 4, Hải quân vùng 5 tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan trong 8 buổi có 6.372 ngư dân tham gia.

Bên cạnh đó, KCM phối hợp với BĐBP tỉnh Trà Vinh in 6.000 sổ tay phát cho ngư dân có lồng ghép nội dung tuyên truyền. Trên kênh truyền hình CTV1, CTV2 của  Cà Mau, các bên cũng đã xây dựng các phóng sự tuyên truyền chuyên đề. Từ năm 2011 đến nay, hàng tháng KCM đã phối hợp với Hải đội II Sông Đốc tổ chức 17 lượt tuần tra đường ống dẫn khí trên biển trong khoảng 12 hải lý gần bờ, phát hiện 5 vụ vi phạm hành lang an toàn, tiếp xúc nhắc nhở ngư dân về quy định bảo vệ hành lang an toàn đường ống dẫn khí trên biển và phát tờ rơi để tuyên truyền.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá: kế hoạch phối hợp đã được các đơn vị quán triệt, phối hợp tổ chức thực hiện tốt, góp phần tạo điều kiện để KCM đảm bảo ANAT cho công trình và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Cà Mau.

Phân tích những thuận lợi khó khăn và kết quả thực hiện, đại diện PVN đánh giá cao việc PV Gas - KCM là đơn vị đầu tiên tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác này tại khu vực miền Tây Nam bộ, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền với chính quyền, BĐBP và nhân dân địa phương. Hội nghị cũng đưa ra phương hướng nhiệm vụ để các bên phối hợp thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Huỳnh Quốc Việt - Công ty Khí Cà Mau

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động