RSS Feed for Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 18/04/2024 18:12
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển

 - “Ngành Dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt, có vai trò rất lớn với nền kinh tế, cũng như với an ninh, quốc phòng, là biểu tượng, niềm tự hào của đất nước. Trong chiến lược kinh tế biển mà Đảng vừa thông qua, vai trò ấy một lần nữa được khẳng định. Muốn thực hiện tốt Nghị quyết, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực dầu khí có ý nghĩa hết sức quan trọng” - Đây là khẳng định của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội tại tọa đàm “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển” do Báo Đại biểu Nhân dân và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức ngày 28/10, tại Hà Nội.

Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết: tháng 6/1986, tấn dầu thô đầu tiên được khai thác đã ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới. Từ đó đến nay, dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng trong tăng trưởng GDP hàng năm.

Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành Dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.

Ngành Dầu khí cũng được đánh giá là đơn vị đi đầu trong cách mạng 4.0, Hiện nay, khoa học công nghệ được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh của ngành Dầu khí. 

Tuy vậy, theo ông Nghĩa, tỷ trọng đóng góp của ngành Dầu khí vào nền kinh tế những năm gần đây có xu hướng giảm. Vấn đề  đặt ra là trong tầm nhìn mới về Chiến lược biển, ngành Dầu khí giữ vị trí như thế nào? Làm sao để ngành Dầu khí tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo của mình và phát triển bền vững trong hội nhập cũng như trong Cách mạng 4.0?

Tọa đàm là diễn đàn đối thoại thẳng thắn, bàn về đóng góp của ngành Dầu khí đối với đất nước. “Đây là diễn đàn để các đại biểu quốc hội, chuyên gia trao đổi ý kiến nhằm xây dựng chính sách, chiến lược phát triển cho ngành Dầu khí phát triển bền vững, thông qua đó góp phần nâng cao vai trò của ngành Dầu khí trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” - Ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS. Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu.

Nói về những khó khăn, thách thức của ngành Dầu khí sẽ phải đối mặt trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và làm thế nào để thích ứng, cũng như nắm bắt cơ hội phát triển bền vững? TS. Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết: Dự báo chiến lược cho thấy, dầu khí như một nguồn nguyên liệu/năng lượng sẽ cạn kiệt dần, hết vai trò lịch sử và cần được thay thế trong tương lai”. Dù vậy, để phát triển nguồn năng lượng mới đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng sử dụng phù hợp, liên quan đến trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực và ứng dụng sáng tạo công nghệ của từng nước/khu vực. Việc này thường kéo dài nhiều thập kỷ và sự chuyển tiếp này sẽ xảy ra từng bước cùng với sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế của mỗi nước.

Do đó, TS. Ngô Thường San cho rằng, tiềm lực công nghiệp dầu khí vẫn là chỗ dựa lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, theo ông San, các công ty dầu quốc gia nói chung và ngành Dầu khí Việt Nam vẫn phải tính chuyện thích nghi ngay từ bây giờ.

Ngược lại, không phải không có những cơ hội. “Công nghiệp 4.0 liên kết công nghệ thực và ảo, tự động hóa với dây chuyền sản xuất thông minh có thể tạo đột phá cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, đòi hỏi đổi mới tư duy trong quản lý và điều hành thực sự xem khoa học và công nghệ là công cụ quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành”, TS. Ngô Thường San nhấn mạnh.

Cụ thể, theo ông San, ngành Dầu khí cần nhanh chóng đổi mới hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế liên kết từ công ty mẹ đến các công ty thành viên trong Tập đoàn. Đồng thời, áp dụng các thành tựu và công nghệ 4.0 nhằm giảm giá thành tấn trữ lượng thăm dò và tấn dầu khai thác, tấn sản phẩm chế biến, mở rộng thăm dò khai thác ra vùng biển nước sâu và những “bẫy phi truyền thống”; ứng dụng các thành tựu công nghệ cải thiện hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí, đặc biệt đối với khí có hàm lượng CO2 cao; hệ thống nghiên cứu cần nhanh chóng chuyển đổi sang nghiên cứu ứng dụng, giảm thiểu thời gian biến từ ý tưởng công nghệ sang nghiên cứu phát triển và sản xuất ứng dụng… 

Tiếp đó, tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội đều có chung đánh giá, ngành Dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt, có vai trò rất lớn với nền kinh tế, cũng như với an ninh, quốc phòng, là biểu tượng, niềm tự hào của đất nước. Trong chiến lược kinh tế biển mà Đảng vừa thông qua, vai trò ấy một lần nữa được khẳng định. Muốn thực hiện tốt Nghị quyết, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực dầu khí có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, tọa đàm cũng đã đưa ra được những khó khăn và thách thức cho ngành Dầu khí trong giai đoạn mới, cũng như cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, đưa ra các giải pháp cụ thể giúp cho ngành Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững.

Hội nghị lần thứ 8 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về Chiến lược biển đến năm 2020. Chiến lược biển đến năm 2020 xác định khai thác, chế biến dầu khí là một trong năm lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua những nội dung cơ bản Nghị quyết mới về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo tinh thần Nghị quyết, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác xếp thứ ba trong thứ tự ưu tiên phất triển các ngành kinh tế biển.

Nghị quyết nêu rõ: Nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

 MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động