RSS Feed for Mở lối cho kinh doanh khí gas | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 16:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mở lối cho kinh doanh khí gas

 - Chính phủ đang rà soát nhằm bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh. Các doanh nghiệp kinh doanh khí gas cho đây là cơ hội để phát triển.

Kinh doanh than và khoáng sản đang "vướng luật"

Thời gian qua, Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh khí gas và Thông tư 03 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 19 về kinh doanh khí có nhiều vướng mắc, nhiều thủ tục gây khó khăn cho các DN.

Nhiều vướng mắc

Nghị định 19, tại Khoản 1, Điều 9 đã quy định điều kiện đối với thương nhân phân phối khí:  “…có các bồn chứa với tổng sức chứa tối thiểu 300m3 (ba trăm mét khối)…

Và điểm a, khoản 2 “ Có số lượng LPG chai các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít (tương đương 100.000 vỏ chai gas loại 12kg).

Thị phần của các hãng gas lớn như: Petrolimex, Petrovietnam chiếm từ 35 – 45%  thị trường. Ảnh: TTO

Giải thích khi đưa ra con số trên, Bộ Công Thương tính trung bình 1 chai gas 12kg có vòng quay 4 tháng/lần (3 vòng/năm), lượng tiêu thụ của một thương nhân phân phối LPG là: 100.000 chai × 3 vòng × 12kg/1.000kg = 3.600 tấn/năm = 300 tấn/tháng.

Do vậy, quy định 300m3 sẽ đáp ứng đủ yêu cầu dự trữ tối thiểu 15 ngày đối với hoạt động cung cấp LPG cho 100.000 chai LPG phù hợp với vùng sâu, vùng xa…

“Chúng tôi thấy số liệu đưa ra như vậy là chưa phù hợp” ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Đông Tùng, cho rằng, dân số các tỉnh miền núi dao động quanh mức 450.000 - 750.000 ngàn người, bình quân sản lượng tiêu thụ khoảng 150 - 250/tháng/ tấn, tùy điều kiện kinh tế xã hội của mỗi tỉnh.

Ông Tùng nhẩm tính, với mức sản lượng này, thị phần của các hãng lớn như: Petrolimex, Petrovietnam chiếm từ 35 - 45% vì các hãng này có mặt trên thị trường từ rất sớm, có thương hiệu, có uy tín, lượng còn lại là của các trạm chiết tại địa phương và thương hiệu của một số tỉnh khác cung ứng vào.

Thực tế bình quân sản lượng trạm chiết của các tỉnh miền núi chỉ đạt từ 80 - 150 tấn/tháng. Tuy nhiên, theo cách tính mà Bộ Công Thương đưa ra thì mỗi tỉnh vùng sâu, vùng xa phải tiêu thụ khoảng 300 tấn/tháng, nên các doanh nghiệp phải đầu tư thừa khả năng tiêu thụ của thị trường, hơn một nửa giá trị thật của nhu cầu.

“Việc áp đặt con số bắt buộc cho tất cả các trạm chiết mà chưa tính đến yếu tố dân số, vùng miền, vùng kinh tế khó khăn”, ông Tùng khẳng định.

Nhiều câu hỏi được các doanh nghiệp kinh doanh khí khu vực Đông Bắc và Tây Bắc đặt ra, tại sao các tỉnh miền núi, hải đảo dân số ít, thu nhập thấp mà bắt buộc phải đầu tư số lượng vỏ bằng với các tỉnh có dân số lớn? Tại sao quy định phải đầu tư nhiều như vậy? Đầu tư nhiều như vậy có đúng quy luật thị trường không? Sản xuất vỏ xong mang đi đâu khi mà người mua không có? Bộ Công Thương có cơ sở khoa học nào để áp đặt con số cụ thể về tồn trữ và số lượng vỏ bình của các tỉnh trên cả nước là giống nhau?

Thực tế, nếu đầy đủ các quy định theo luật hiện hành, các trạm chiết quy mô nhỏ và vừa sẽ phải vay bổ sung một lượng vốn khoản 25 tỷ đồng để mua thêm khoảng 50.000 - 55.000 vỏ, đầu tư thêm bồn tồn trữ và kho chứa vỏ chai khi chưa có người mua để đảm bảo điều kiện quy định của Nghị định là 100.000 vỏ chai LPG và 300m3. Khi đó, chi phí về vốn, khấu hao, về quản lý sẽ đẩy giá thành lên cao, hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện khi hết thời gian chuyển tiếp thì các thương nhân này hoạt động theo loại hình nào chưa thấy Nghị định 19 và Thông tư 03 đề cập.

Hậu quả về mặt xã hội mà không ước lượng về mặt giá trị. Cụ thể, nếu các trạm chiết tại địa phương dừng hoạt động thì bà con phải mua gas (LPG) của các hãng lớn với giá cao hơn nhiều.

Lý do các hãng phải vận chuyển bằng xe chở bình với quãng đường dài hơn, và hàng hóa nhiều khi thiếu ổn định, có nguy cơ dẫn đến độc quyền, lợi ích nhóm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng…

Hậu quả về môi trường, do nguồn cung giá đắt nên bà con lựa chọn sản phẩm thay thế là củi. Như vậy rừng đầu nguồn sẽ chịu nhiều tác động xấu từ sự điều chỉnh chính sách của nhà nước.

Chưa tính đến an sinh xã hội

Một điểm nữa mà Nghị định 19 và Thông tư 03 chưa tính đến là chính sách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, theo các doanh nghiệp kinh doanh khí khu vực Đông Bắc và Tây Bắc.

Công ty Đông Tùng là thương hiệu địa phương nên giá thành rẻ, khách hàng tập trung chủ yếu là các vùng nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Nếu mua gas của các hãng lớn, chi phí vận chuyển xa hơn dẫn đến giá thành tăng, người dân còn khó có thể tiếp cận nguồn năng lượng sạch, ông Tùng chia sẻ.

Nghị định và Thông tư cũng chưa phân tích đến yếu tố quy hoạch, có nhiều trạm chiết quỹ đất không có để có thể lắp đặt thêm bồn chứa, hoặc có tỉnh nhiều trạm chiết rất gần các nhà máy chế biến, cụm cảng như: Đình Vũ, Dung Quất, Nghi Sơn, Vũng Rô…, đây là nơi cung cấp thêm sức chứa cho thị trường LPG hiện tại và tương lai.

Ở đây, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao mỗi trạm chiết cứ phải đầu tư ở mức 300m3 tồn trữ?

Nghị định và Thông tư quy định Trạm chiết nạp LPG được gọi là thương nhân phân phối khí. Bộ Công Thương giải thích các trạm chiết là nơi phát nguồn thì được gọi là thương nhân phân phối khí.

Không đồng ý với giải thích này, ông Tùng cho rằng nơi phát nguồn phải là các nhà sản xuất, chế biến và nhập khẩu. Trạm chiết gas chỉ là những đơn vị mua thương mại của nhà sản xuất và nhập khẩu về để chiết ra và bán cho các đại lý.

“Không nên đưa trạm chiết phải thuộc sở hữu của thương nhân phân phối để ràng buộc về các điều kiện tồn trữ, vỏ bình và quản lý nó bằng giấy phép con”, ông Tùng khuyến cáo.

Ở đây, có thể Bộ Công Thương đang hướng thị trường gas Việt Nam theo mô hình Thái Lan chỉ có 5 DN hoạt động. Tuy nhiên, nếu để các doanh nghiệp tự co hẹp lại về số lượng đầu mối dựa trên cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ thì mới thực sự lựa chọn được những DN tốt.

Bởi thực tế, các doanh nghiệp lớn chưa chắc đã là doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tốt cho thị trường, thậm chí đôi khi còn tạo sự độc quyền ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Lại thêm “giấy phép con”

Nghị quyết về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã nêu rõ nhiệm vụ của các bộ trong việc rà soát các điều kiện kinh doanh, quy định đúng thẩm quyền của Luật Đầu tư và Phụ lục về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai rất chậm, đặc biệt là đưa các điều kiện kinh doanh từ Thông tư lên Nghị định. Chỉ đến khi Thủ tướng có chỉ đạo trực tiếp tại các cuộc họp Chính phủ thì tiến độ mới được đẩy nhanh hơn.

Tuy nhiên, thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai tiếp tục phát sinh.

Chúng tôi phải xin hai “giấy phép con”, trước đây chỉ có một giấy phép”, ông Tùng cho biết.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Thông tư 03 quy định: “Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai phải có Bản sao Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG”.

Tại Điều 8 Thông tư này lại quy định: “Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm thương nhân phân phối LPG phải bổ sung các giấy tờ như quy định tại Khoản 4, Điều 7 của chính Thông tư này, đó là Bản sao Giấy chứng nhận đủ Điều kiện nạp LPG vào chai hoặc hợp đồng thuê nạp LPG vào chai”.

Với hướng dẫn thủ tục kiểu như vậy, ông Tùng than: “Chúng tôi không thể xin được giấy phép”, bởi vì, khi xin giấy phép làm thương nhân phân phối gas thì phải có giấy phép nạp gas, còn xin giấy phép nạp gas thì phải có giấy phép là thương nhân phân phối.

Điều này, theo ông Tùng, chưa thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ và luật Doanh nghiệp 2014.

Dư luận đang quan tâm việc Bộ Công Thương cấp giấy phép loại hình thương nhân phân phối nhằm mục đích gì, nếu chỉ để quản lý sức chứa và số lượng vỏ chai, có thể ghép với Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai và giao cho Sở Công thương các tỉnh quản lý.

Thực ra, Sở Công thương các tỉnh có đủ nguồn lực để kiểm tra, và nếu cần Sở có thể đến trực tiếp các trạm chiết. Bộ ở xa, quản lý địa bàn cả nước sẽ khó khăn cả về giám sát lẫn việc đi lại của công chức. Cạnh đó, các trạm chiết gas cả nước sẽ phải về tận Bộ Công Thương để xin giấy phép.

Một điểm ông Tùng lưu ý: “Nghị định trước không có giấy phép này”.

Một vấn đề khác, để xin cấp phép của Tổng Đại lý thì các cửa hàng phải gửi cho Tổng Đại lý 1 bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cửa hàng bán LPG chai. Trong khi đó, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai phải có bản sao Giấy chứng nhận đủ Điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG.

Việc quy định trên gây khó hiểu, chính các doanh nghiệp kinh doanh gas cũng không biết giấy phép nào có trước, giấy phép nào có sau.

Tại Khoản 3, Điều 43, Nghị định 19 quy định thời hạn cấp 1 giấy phép là 30 ngày làm việc, tương đương 45 ngày gồm cả ngày nghỉ.

Như vậy, tính từ khi xin phép của Bộ Công Thương cho đến khi Đại lý nhận được giấy phép để bán hàng phải qua ít nhất qua 3 cấp giấy phép (GP: Thương nhân phân phối, Chiết nạp gas và Đại lý) với tổng thời gian 135 ngày (4 tháng rưỡi) là quá dài. Trong khi Nghị định trước đó, chỉ quy định thời gian cấp chỉ có 7 ngày.

Theo quy định tại Điều 7 Luật đầu tư về ngành kinh doanh có điều kiện. Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với mục tiêu quy định tại khoản 1, Điều 7 và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Vậy thời gian cấp 1 giấy phép dài như vậy có đúng với Luật Đầu tư không?

Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển

Nhóm các doanh nghiệp khu vực Đông Bắc và Tây Bắc kiến nghị, Nghị định 19 không nên quy định về số lượng vỏ chai và tồn trữ để việc tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy luật của thị trường.

Nếu áp quy định trên với nhóm ngành kinh doanh có điều kiện thì nên quy định ở mức thấp nhất đối với 1 trạm chiết là 50.000 vỏ chai LPG và tồn trữ 150m3.

Còn để giảm bớt một giấy pháp, cần sửa đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đó là: Gộp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối và chiết nạp LPG vào chai thành 1 giấy, giao việc cấp phép về cho Sở Công Thương các tỉnh quản lý.

Quy định lại thủ tục cấp phép theo hướng minh bạch, dễ hiểu, dễ làm. Cạnh đó, cần nêu rõ giấy phép nào có trước, giấy phép nào có sau.

Với những tài liệu Sở Công Thương đã có thì không nên bổ sung vào hồ sơ, bởi nó sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính. Chẳng hạn, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các Sở Công Thương đã cấp cho từng cửa hàng, nay hồ sơ xin cấp giấy phép cho thương nhân không cần phải bổ sung bản sao giấy chứng nhận cấp phép cửa hàng.

Giảm thời hạn cấp phép xuống mức 7 ngày một giấy phép như quy định tại Nghị định 107 trước đây.

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm về các quy định an toàn để hoạt động kinh doanh LPG phát triển lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế và nộp thuế cho Ngân sách Nhà nước.

TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khẳng định: “Doanh nghiệp không sợ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch”.

Liên quan đến quy định chi tiết một số điều của Nghị định 19 về kinh doanh khí, Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn cho là câu chuyện “con gà, quả trứng”.

“Việc doanh nghiệp cạnh tranh, giảm giá dịch vụ là tốt cho người tiêu dùng. Nhà nước chỉ cần xử lý hành vi không thực hiện đúng quy trình”, ông Tuấn nói.

Thực tế, Nghị quyết về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã nêu rõ nhiệm vụ của các bộ trong việc rà soát các điều kiện kinh doanh, quy định đúng thẩm quyền của Luật Đầu tư và Phụ lục về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai rất chậm, đặc biệt là đưa các điều kiện kinh doanh từ Thông tư lên Nghị định. Chỉ đến khi Thủ tướng có chỉ đạo trực tiếp tại các cuộc họp Chính phủ thì tiến độ mới được đẩy nhanh hơn.

Bởi vậy, trong thông báo 66/TB-VPCP, ngày 27/4/2016, Thủ tướng cho phép rút gọn về trình tự, thủ tục trình các Nghị định về điều kiện kinh doanh, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng và lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động