RSS Feed for Vietsovpetro tự hào 40 năm ‘thắp sáng Biển Đông’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 22:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vietsovpetro tự hào 40 năm ‘thắp sáng Biển Đông’

 - Kỷ niệm 40 năm thành lập, thế hệ cán bộ, chuyên gia, công nhân Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro mỗi người có một cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng đều có chung một niềm tự hào kiêu hãnh về thành quả “thắp sáng Biển Đông” và “khơi vàng đen” cho Tổ quốc.


Vietsovpetro: Mô hình hợp tác quốc tế kiểu mẫu thành công ở Việt Nam

Vietsovpetro và các nghiên cứu thầm lặng phía sau 'giọt dầu'


Đại diện PVN và AO Zarubezhneft ký Văn kiện Hội đồng Vietsovpetro- kỳ họp lần thứ 52. (Ảnh Đức Hậu). 

Giải mã “chuông lặn” và những người “đặc biệt”

Một ngày trung tuần tháng 6, tôi đến tìm gặp anh Lê Hữu Giáp - nguyên thuyền trưởng 31 năm gắn bó với tàu dịch vụ lặn đa năng để xin được “giải mã” về “chuông lặn” và “những người đặc biệt”. “Chuông lặn giống như một cái lồng sắt kín, nặng khoảng 500 kg. Nó có tính năng tác dụng như một “cái nhà”. Muốn xuống biển làm việc, các thợ lặn phải chui vào đó”- anh Giáp bắt đầu “hé mở” câu chuyện.

Tháng 6/1990 của thế kỷ XX, việc tìm dò khai thác dầu khí ngoài khu đặc quyền kinh tế thềm lục địa phía Nam của Việt Nam được coi là khá hiện đại so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên để tìm dò vỉa dầu, hoặc hàn, xì chân đế giàn khoan dưới lòng đại dương không có cách nào khác là thợ lặn phải lặn sâu xuống biển và làm việc trong môi trường khắc nghiệt của dòng chảy cùng với áp lực của biển mặn. “Để xuống đáy biển làm việc, các thợ lặn được đưa vào cái chuông. Sau khi kiểm tra công tác an toàn, chuông lặn được cẩu lên rồi “dìm” xuống biển. Khi xuống đáy biển, chuông sẽ tự động mở cửa cho các thợ lặn chui ra đi làm. Để lao động dưới độ sâu 40 - 60 mét nước, mỗi thợ lặn được trang bị một dây truyền sinh và thở qua hệ thống này. Sự sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào dây truyền sinh. Cũng nhờ có hệ thống dây truyền sinh này, mà các công nhân làm việc dưới biển cũng như trên bờ. Tất cả việc hàn, xì, gõ búa đều có công suất tốt”.

Thợ lặn làm việc dưới chân đế giàn khoan ở độ sâu hơn 40 mét nước. (Ảnh Hữu Giáp).

Trong thời gian thợ lặn hàn, xì dưới các chân đế giàn khoan, có nhiều “bất ngờ” xảy ra khó lường. Bởi vậy, các phương án “mất an toàn giả định” được đặt ra và có phương án xử lý. Để khi lỡ không may bị tai nạn thật, các thợ lặn được nhanh chóng cứu sống. “Nghề lặn rất gian khổ, dễ mắc bệnh nghề nghiệp đau khớp, liệt chân tay nếu không có biện pháp y tế kịp thời khi sự cố xảy ra. Bởi vậy, an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Khi thợ lặn làm việc dưới đáy biển, tất cả được theo dõi qua camera. Thợ lặn và bác sĩ nói chuyện trực tiếp với nhau qua dây truyền sinh. Sức khoẻ của thợ lặn liên tục được cập nhật, hiếm khi có sự cố”- anh Giáp cho hay.

Trong lúc lao động, nếu thợ lặn bị tai nạn ở độ sâu 40 - 60 mét nước, sẽ bị mất trí nhớ không biết tìm đường “về chuông” hoặc bơi loạn xạ dưới đáy biển. Vì thế,  làm việc ở dưới đáy biển bao giờ cũng theo kíp, theo ca, tức là ít nhất 2 người làm việc cùng một lúc, một vị trí. “Thợ lặn được coi là những người đặc biệt. Ngoài không có bất kỳ một loại bệnh nền nào, phải chịu được “tốc độ” làm việc căng thẳng, áp lực, song lại luôn có tinh thần lạc quan mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ”.

Những công nhân trong giờ làm việc tại giàn khoan. (Ảnh TL).

Tự hào nối tiếp thế hệ cha anh

Những ngày này, cán bộ, chuyên gia, người lao động ở các xí nghiệp, nhà máy, cơ quan làm việc thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro niềm vui như được nhân đôi. Do điều kiện dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro không tổ Lễ kỷ niệm tập trung theo thường lệ, song, trong trái tim mỗi người luôn tự hào hãnh diện vì được sống, cống hiến và làm việc trong Vietsovpetro - nơi có môi trường tốt, trình độ chuyên môn cao, có văn hoá ứng xử tốt, ấm áp, nghĩa tình.

12 năm gắn bó với các công trình giàn khoan ngoài biển cả, 5 năm gắn bó với cảng Vietsovpetro, anh Hoàng Văn Lực luôn tâm đắc một điều, những việc anh đang làm, những gì anh đã cống hiến, chính là góp một phần công sức nhỏ bé để cho những ngọn lửa ngoài các giàn khoan không bao giờ ngưng lửa: “Có rất nhiều kỷ niệm qua 17 năm làm việc ở Vietsovpetro. Tôi cảm nhận được tình cảm chân thành của những người bạn Nga giành cho tôi trong thời gian làm việc. Thế hệ cha anh đã gầy dựng lên những giàn khoan, thì chúng tôi là thế hệ đi sau phải có trách nhiệm nối tiếp truyền thống. Làm tốt công việc của mình, cũng chính là góp phần xây dựng Vietsovpetro ngày càng vững mạnh”.

Các bạn Nga và công nhân Việt giờ giải lao.

Được làm việc trong môi trường thuận lợi, niềm vui của chị Lương Thị Minh Hồng như được nhân lên. Mỗi ngày đến Văn phòng Đoàn thanh niên trong toà nhà Bộ máy điều hành làm việc, chị Hồng đều cảm giác như về ngôi nhà thân thiện của mình: “Tôi cảm thấy mình hạnh phúc khi được làm việc và cống hiến trí tuệ công sức cho Vietsovpetro. Kỷ niệm 40 năm thành lập, là dịp để lớp trẻ chúng tôi giáo dục truyền thống yêu nước, yêu biển đảo và hiểu hơn các thế hệ cha anh đã xây dựng giàn khoan những ngày đầu tiên. Tôi nghĩ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao cũng là góp phần xây dựng Liên doanh Vietsovpetro ngày càng phát triển”.

11 năm gắn bó với Đảng uỷ Vietsovpetro, đảng viên trẻ Dương Hoài Phong luôn học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thiện mình. “Tôi hiểu rằng để có thành quả đạt được như hôm nay, Vietsovpetro đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhiều thế hệ cán bộ, chuyên gia, công nhân đã thầm lặng hi sinh, gian khổ, làm việc ngày đêm trên các công trình biển. Được làm việc cống hiến cho Vietsovpetro là niềm vinh dự và tự hào. Càng khâm phục thế hệ cha anh đi trước, tôi càng phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.

Một góc Liên doanh Vietsovpetro hiện nay. (Ảnh Mai Thắng).

Trở về Việt Nam sau 5 năm học ở Azerbaijan - Liên bang Nga, kỹ sư Trần Bá Phương chọn Ban Quản lý hợp đồng dầu khí (Bộ máy Điều hành) để cống hiến và làm việc. Là người được đào tạo cơ bản trên đất nước bạn, Phương hiểu được niềm vui khi mỗi ngày làm việc với các chuyên gia, công nhân Nga. “Những kiến tức tôi học ở Nga đã được vận dụng vào công việc tại Vietsovpetro. Làm việc ở Liên doanh có truyền thống lâu năm và phát triển bền vững tôi luôn cảm thấy an tâm. Là người trẻ, tôi muốn được cống hiến, được đem kiến thức đã học vận dụng vào công việc đang làm; cùng các thế hệ cán bộ, chuyên gia, công nhân, người lao động Vietsovpetro cùng phát triển. Vì một Vietsovpetro ngày càng vững mạnh”..

Những dấu mốc khai thác dầu khí:

- Ngày 19-6-1981, tại Mátxcơva, Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô KF. Katusen đã ký “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc thành lập Liên doanh Dầu khí Việt - Xô”.

- Ngày 24-5-1984: Phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên tại Mỏ Bạch Hổ.

- Ngày 21-6-1985: Phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên tại Mỏ Rồng.

- Ngày 26-6-1986: Khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hồ.

- Ngày 11-5-1987: Phát hiện dầu công nghiệp ở tầng Móng Mỏ Bạch Hổ.

- Ngày 16-7-1991: Ký Hiệp định về tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Vietsopetro.

- Ngày 12-10-1997: Khai thác tấn dầu thứ 50 triệu.

- Ngày 21-11-2001: Khai thác tấn dầu thứ 100 triệu.

- Ngày 27-12-2010: Ký Hiệp định về tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Vietsopetro.

- Ngày 8-8-2012: Khai thác tấn dầu thứ 200 triệu.

- Ngày 25-5-2016: Thu gom và đưa về bờ 30 tỉ mét khối khí.

- Ngày 19-12-2016: Đưa mỏ khí thiên ưng - Lô 04/3 vào khai thác.

- Ngày 19-5-2018: Khai thác tấn dầu thứ 230 triệu.

- Ngày 25-1-2019: Khai thác tấn dầu Mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12.
 

TUẤN CƯỜNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động