Việt Nam đã sản xuất được amoniac ‘xanh nước biển’ từ năm 2004
15:27 | 08/08/2022
GS Energy đề xuất PVN thử nghiệm ‘amoniac xanh’ thay thế nhiên liệu than Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: Ngày 3/8/2022 tại Hà Nội, ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV và ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN đã có các buổi làm việc với ông Kim Sung Won - Tổng Giám đốc Công ty GS Energy (Hàn Quốc). Tại các buổi làm việc, đối tác Hàn Quốc đã đề xuất việc hỗ trợ PVN, cũng như Chính phủ Việt Nam sử dụng Blue Ammonia (nhiên liệu amoniac xanh) để dần thay thế nhiên liệu than trong sản xuất điện. |
Khi nào ‘amoniac xanh nhiên liệu’ khả thi về mặt kỹ thuật và thương mại? Tiềm năng và lợi ích của ‘amoniac xanh nhiên liệu’ là rất lớn. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Khi nào thì nguồn năng lượng này mới khả thi về mặt kỹ thuật và thương mại? Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Trong bản dự thảo lần cuối của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), phần nhiệt điện than từ sau 2030 buộc phải chuyển sang đốt sinh khối, hoặc amoniac. Mục tiêu là cắt giảm nhiệt điện than dần từ 2030 đến 2045 bằng cách chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu không phát thải khí nhà kính nhằm đáp ứng cam kết Net zero vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam.
Sản xuất amoniac không còn mới đối với ngành hóa chất Việt Nam. Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo) mà người dân quen gọi là Đạm Phú Mỹ đã sản xuất amoniac từ khi thành lập (năm 2004). Năm 2021, sản lượng amoniac của PVFCCo đạt 540.000 tấn. Trong đó, từ năm 2018 nhờ phân xưởng mở rộng, lượng amoniac không những đủ cho sản xuất phân urea của Công ty mà còn cung cấp cho thị trường.
Dự kiến năm 2022, PVFCCo sẽ cung cấp 70.000 tấn amoniac cho nhu cầu hóa chất của Việt Nam.
Amoniac là hóa chất cơ bản được sử dụng nhiều trong ngành hóa chất và một phần làm môi chất lạnh. Tương lai phát điện bằng amoniac còn khá xa, mà phải phát điện bằng amoniac xanh lá cây mới có giá trị trong cắt giảm khí nhà kính.
Tiếng Việt blue và green đều là "xanh", nhưng cần phân biệt phân biệt hai loại amoniac: "Xanh nước biển" (blue) và "xanh lá cây" (green). Amoniac xanh nước biển được sản xuất từ khí tự nhiên, còn amoniac xanh lá cây được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Xung đột Nga - Ukraina làm cho các nhà máy sản xuất amoniac trên thế giới thiếu nguồn khí tự nhiên, nên giá amoniac tăng cao tới 851 USD/tấn (FOB) vào tháng 7/2022. Giá amoniac cao giúp việc sản xuất nguồn nhiên liệu này của Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt lợi nhuận tốt.
Mới đây nhất (ngày 3/8/2022, tại Hà Nội), ông Kim Sung Won - Tổng Giám đốc Công ty GS Energy (Hàn Quốc) đã đề xuất với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thử nghiệm Blue Ammonia (nhiên liệu amoniac xanh nước biển) trong các nhà máy nhiệt điện than. Cụ thể, đối tác Hàn Quốc đề xuất việc hợp tác, hỗ trợ PVN, cũng như Chính phủ Việt Nam sử dụng nhiên liệu amoniac xanh nước biển để dần thay thế nhiên liệu than trong sản xuất điện - Tức là nguồn sản xuất amoniac vẫn là khí tự nhiên như hiện nay Đạm Phú Mỹ đang sản xuất, hoặc khí tự nhiên hóa lỏng LNG.
Tuy chưa "xanh" hẳn, nhưng nếu ngành sản xuất đạt quy mô lớn, với các thông số tối ưu, sẽ có thể cung cấp lượng amoniac đủ để có thể thử nghiệm làm nhiên liệu phát điện (tất nhiên với giá điện khá cao).
Dự kiến năm 2022, PVFCCo sẽ cung cấp 70.000 tấn amoniac cho nhu cầu hóa chất của Việt Nam. |
Những đề xuất về amoniac xanh lá cây đến từ các dự án điện gió ngoài khơi. Các dự án này sẽ chủ yếu bán điện qua đường truyền tải vào bờ và tận dụng điện lúc phụ tải thấp để sản xuất khí hydrogen. Rồi từ hydrogen sẽ tổng hợp amoniac.
Sở dĩ bên cạnh hydrogen, thì amoniac vẫn có chỗ đứng, vì amoniac dạng khí, hay lỏng dễ vận chuyển hơn nhiều so với hydrogen.
Con đường tiến tới amoniac xanh lá cây chắc chắn còn rất dài, vì ngay các dự án điện gió ngoài khơi với kế hoạch công suất đặt 7 GW vào năm 2030 còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hiện tại, dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được thông qua, quy hoạch không gian biển chưa có. Nhà đầu tư cũng chưa biết họ sẽ trúng thầu lô mặt biển trước, hay bỏ tiền khảo sát rồi mới đấu thầu.
Như chúng ta đều biết, điện gió ngoài khơi không thể triển khai nhanh như điện gió trên bờ, vì vậy, Việt Nam muốn có 7 GW vào 2030 mọi việc phải bắt đầu ngay từ ngày hôm nay./.
ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM