RSS Feed for Truyền thống Dầu khí Việt Nam: 54 năm nhìn lại | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 06:04
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Truyền thống Dầu khí Việt Nam: 54 năm nhìn lại

 - Trải qua 54 năm xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí Quốc gia Việt Nam từ điểm xuất phát hầu như là con số không với nhiều bước thăng trầm do nhiều yếu tố lịch sử chi phối, các hoạt động tìm kiếm - thăm dò - khai thác - chế biến - phân phối dầu khí đã từng bước hoàn thiện...

40 năm, PVN đồng hành phát triển cùng đất nước

TS. TRẦN NGỌC TOẢN

Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu xây dựng lại đất nước giàu mạnh. Trong đó nhiệm vụ tự túc về xăng dầu, độc lập về năng lượng nói chung là một nhu cầu hết sức cấp bách, không những đáp ứng những nhu cầu tái thiết miền Bắc trước mắt, mà còn cho sự nghiệp đưa Việt Nam trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước sau này.

Thực hiện chỉ thị đó, ngày 27/11/1961, "Đoàn thăm dò dầu lửa 36" thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập và năm 2009 Chính phủ đã quyết định lấy ngày này làm Ngày truyền thống Dầu khí Việt Nam cho các tổ chức, cán bộ thuộc phạm vi của Tổng cục Dầu khí trước đây và Petrovietnam (PVN) hiện nay.

Trải qua 54 năm xây dựng và phát triển, từ điểm xuất phát hầu như là con số không với nhiều bước thăng trầm do nhiều yếu tố lịch sử chi phối, các hoạt động tìm kiếm - thăm dò - khai thác - chế biến - phân phối dầu khí đã từng bước hoàn thiện. Kết quả khai thác chuỗi giá trị ngành kinh tế dầu khí càng ngày càng cao, hàng năm đóng góp cho GDP đất nước không dưới 25%, nộp ngân sách nhà nước khoảng 30%, giúp nhà nước vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày nay đã có một chỗ đứng xứng đáng trong khu vực.

Petrovietnam trong nhiều năm qua là đơn vị kinh tế - kỹ thuật tiếp nhận được các thành tựu khoa học - công nghệ  tiến bộ của thế giới để có được một trình độ hiện đại tương đối ngang bằng với các nước sản xuất dầu khí khác, thu hút được nhiều công ty dầu khí quốc tế vào đầu tư, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyển biển đảo của tổ quốc.

Nhận thức được vai trò quan trọng hàng đầu của con người trong sự nghiệp cách mạng kinh tế - kỹ thuật, ngay từ sau khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ đã chọn gửi sinh viên đi học ở nước ngoài và thành lập các cơ sở đào tạo trong nước về dầu khí để làm hạt nhân cho các tổ chức chuyên ngành về sau.

Nhờ vậy mà sau khi đất nước thống nhất, hoạt động dầu khí mở rộng ra cả nước, chúng ta có đội ngũ cán bộ chuyên môn đủ  trình độ để đảm trách các nhiệm vụ với yêu cầu cao, đủ sức để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và hợp tác với nước ngoài. Đến nay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang có một đội ngũ cán bộ, nhân viên từ sơ cấp đến sau đại học đông đảo đến trên 30.000 người, chất lượng đã được thực tiễn xác minh, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực từ thượng nguồn đến hạ nguồn.

Đó là thành tựu lớn nhất, đáng tự hào nhất của ngành Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Nhờ đất nước ta có một tiềm năng dầu khí đạt mức trung bình trong khu vực, cũng như sự sáng suốt của các cấp lãnh đạo đảng, chính quyền và lòng yêu nước, hăng say lao động sáng tạo, với ý thức phải đưa vị thế nước ta lên ngang tầm với các dân tộc khác trên thế giới như Bác Hồ mong muốn từ 70 năm trước, Petrovietnam đã cơ bản xác định được phạm vi phân bố, đặc điểm địa chất của 8 bể trầm tích có khả năng chứa dầu khí. Đó là: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Mãlay - Thổ Chu, Nam Côn Sơn, Hoàng Sa,Trường Sa, Tư Chính - Vũng Mây và tiềm năng tài nguyên, trữ lượng dầu khí các cấp để làm cơ sở cho chiến lược phát triển ngành dầu khí nội địa toàn diện, đồng thời trong mười năm gần đây đã bắt đầu triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nước ngoài.

Trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam, theo đánh giá của các cơ quan nghiên cứu trong nước và nước ngoài, trữ lượng dầu khí tại chỗ (trữ lượng địa chất) giao động trong khoảng từ vài tỷ đến 4 tỷ tấn dầu tương đương (khí đốt cũng được quy về dầu theo đương lượng năng lượng) và trữ lượng xác minh đạt khoảng 500 triệu tấn đến 1 tỷ tấn.

Sở dĩ có khoảng biến thiên lớn như vậy, vì khả năng tiếp cận, thu nhận các thông số địa chất - vật lý về các tầng sinh, chứa, chắn dầu khí của các cơ quan nghiên cứu rất khác nhau và nói chung công tác điều tra cơ bản của chúng ta còn chưa đủ mức cần thiết tối thiểu.

Với sự giúp đỡ hào hiệp, trong sáng của Liên Xô (trước đây), mỏ khí Tiền Hải (Thái Bình) được đưa vào khai thác năm 1981, đánh dấu ngày khởi đầu của ngành khai thác dầu khí công nghiệp Việt Nam.

Kể từ ngày đó đến nay chúng ta đã phát hiện trên 80 mỏ dầu, hoặc khí, hoặc dầu khí hỗn hợp, quy mô từ nhỏ đến lớn và hơn 30 mỏ đã được đưa vào khai thác, tập trung nhiều nhất trong hai bể Cửu Long và Nam Côn Sơn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính đến cuối năm nay (2015) tổng sản lượng đã khai thác của nước ta đạt hơn 400 triệu m3 quy dầu, trong đó có hơn 300 m3 dầu thô và hơn 100 tỷ m3 khí đốt, đưa nước ta trở thành nước vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu dầu khí.

Thành tựu nổi bật nhất của PVN trong lĩnh vực hoạt động thượng nguồn có giá trị quốc tế cả về khoa học - kỹ thuật lẫn kinh tế là đã phát hiện và khai thác một lượng rất lớn dầu khí trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ - một đối tượng mà trong khoa học dầu khí về lý thuyết không được coi là có giá trị công nghiệp vì trên toàn thế giới chỉ có khoảng 10 mỏ loại này với trữ lượng và sản lượng mỗi mỏ không đáng kể. 

Điều hết sức ngạc nhiên là từ kinh nghiệm Bạch Hổ, một mỏ lớn có trữ lượng địa chất không dưới 400 triệu tấn quy dầu, ta đã phát hiện hiện tượng hiếm có này lại phổ biến rộng rãi ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Điển hình như: Bạch Hổ Rồng, Đồi Mồi, Thỏ Trắng, Mèo Trắng; các mỏ Sư Tử Đen, Trắng, Vàng, Nâu; Tê Giác Trắng, Cá Ngừ Vàng, Hải Sư Đen, Trắng; Rạng Đông, Phương Đông, Thăng Long; Đông Đô; Ruby, Topaz, Pearl, Diamond thuộc bể Cửu Long, Đại Hùng, Lan Đỏ, Lan Tây, Hải Thạch, Mộc Tinh, Rồng Đôi, Chim sáo thuộc bể Nam Côn Sơn, Cái Nước, Sông Đốc, PM3 thuộc bể Mãlay - Thổ Chu, vv... Điều này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của rất nhiều công ty dầu khí thế giới, dẫn đến thừa nhận đá móng phong hóa - nứt nẻ là một play (đối tượng chứa dầu khí công nghiệp) quan trọng trong khoa học dầu khí, có khả năng tồn tại ở nhiều nước khác nhau chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Nguồn gốc dầu khí chứa trong các khe nứt, các hang hốc của đá móng đặc sít còn là vấn đề bàn cãi giữa các trường phái khoa học và không dễ gì có thể giải quyết vì cuộc tranh luận giữa trường phái hữu cơ và vô cơ đã kéo dài hơn 200 năm đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Để qua một bên các tranh luận bác học đó, có thể xem đây là một dạng tồn tại của dầu khí phi truyền thống có giá trị không kém gì dầu khí truyền thống và tập trung vào nghiên cứu công nghệ xác định cấu trúc mỏ cũng như công nghệ khai thác cho một môi trường chứa bất đồng nhất, phức tạp nhất không có trong văn liệu công nghiệp dầu khí toàn cầu. Các cán bộ của Vietsovpetro đến nay đã làm được một phần công việc đó và đạt được những kết quả  hết sức tốt đẹp với vai trò của những người đi đầu khai phá.

Với tất cả sự khiêm tốn cần có của người làm khoa học chân chính, chúng ta vẫn có thể tự hào rằng đóng góp này của Việt Nam vào sự nghiệp dầu khí thế giới cũng có ý nghĩa đặc thù gần như các đóng góp của những nhà khoa học Mỹ trong lĩnh vực dầu khí phiến sét  và các loại dầu khí phi truyền thống khác.

Từ sau 1990, Petrovietnam đã từng bước xây dựng, phát triển các hoạt động thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn và dịch vụ đa dạng từ kỹ thuật đến sinh hoạt, đời sống song song với việc xử lý các hậu quả của giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp kéo dài và từ 1995 trở đi bắt đầu phát triển theo hướng sản xuất - kinh doanh đa ngành vượt xa khả năng tài chính, kỹ thuật, chuyên môn và quản lý của mình.

Để khắc phục các hạn chế của mô hình thử nghiệm mới này, theo tinh thần Thông báo số 148-TB/TW của bộ Chính trị, từ năm 2014, Petrovietnam tập trung các nguồn lực vào 5 lĩnh vực hoạt động chính. Trong đó tìm kiếm - thăm dò - khai thác là cốt lõi, đồng thời coi trọng phát triển công nghiệp khí, công nghiệp điện, công nghiệp chế biến lọc - hóa dầu và dịch vụ.

Cụ thể hơn, trong lĩnh vực thượng nguồn, Petrovietnam đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm - thăm dò trong nước, tích cực triển khai các đề án thượng nguồn ở nước ngoài trên nguyên tắc hiệu quả đầu tư và quản lý tốt các rủi ro; nghiên cứu, thử nghiệm các đề án dầu khí phi truyền thống, tạo điều kiện để triển khai sản xuất sau năm 2025 phục vụ công cuộc phát triển đất nước; khai thác hiệu quả các mỏ hiện có, đưa các mỏ đã phát hiện vào khai thác một cách hợp lý để phục vụ lợi ích lâu dài.

Nếu công nghiệp khí còn có những khó khăn liên quan đến thị trường tiêu thụ chưa phát triển, công nghiệp điện có những chồng chéo, vướng mắc với hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì công nghiệp lọc hóa dầu/khí đã nghĩ đến mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn mở rộng sang sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra thị trường khu vực với 3 đề án liên hợp lọc - hóa dầu lớn: Nghi Sơn, Dung Quất, Long Sơn ở 3  miền: Bắc - Trung - Nam, cùng các nhà máy phân đạm, sợi, ethanol và các sản phẩm khác ở các địa phương có nhu cầu lớn.

Về lĩnh vực dịch vụ, trong một số loại hình cụ thể, PVN đã có khả năng cạnh tranh thắng lợi theo cơ chế thị trường, hoàn chỉnh với các tổ chức đồng loại của nước ngoài và đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Đặc biệt  ngành cơ khí chế tạo của PVN đã tự thiết kế, sản xuất được một số loại hình giàn khoan biển tới độ sâu 200 m nước và tàu chứa/chở dầu thô loại trung bình.

Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong ba nước làm được việc này.

Công trình mới nhất của Petrovietnam được xây dựng ở miền Bắc là hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ 2 mỏ Hàm Rồng và Thái Bình ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ về Tiền Hải, cùng hệ thống phân phối khí thấp áp cho khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, gồm 2 pha, pha 1của đề án (khánh thành ngày 28/9/2015). Tổng giá trị đầu tư của dự án gần 154 triệu USD, cung cấp mỗi năm 200 triệu m3 cho thị trường và pha 2 khi kết thúc xây dựng thì trữ lượng thu hồi 15 tỷ m3 khí của các mỏ nói trên sẽ được tiếp tục đưa vào đất liền để phục vụ cho nhu cầu phát điện, cùng công nghiệp hóa dầu từ nguyên liệu khí đốt của miền Bắc.

Trước đó 3 tháng một đề án có ý nghĩa lớn đối với miền Tây Nam bộ được khởi công, gồm căn cứ cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Quốc và kho ngoại quan dự trữ xăng dầu quốc gia thuộc pha 1 của đề án khai thác khí đốt  lô B&52/97 ở phần tây bể Mã Lay - Thổ Chu, vịnh Thái Lan, do Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), công ty con của Petrovietnam điều hành. Đề án có giá trị 4.200 tỷ đồng, thực hiện trong 3 pha, pha 1 chiếm khoảng 1000 tỷ đồng, sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2017.

Hai đề án này không những tạo điều kiện sớm đưa trữ lượng khí đốt ở thềm lục địa Tây - Nam Việt Nam vào sử dụng mà còn là một yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh duyên hải Tây Nam, nhất là đưa đảo Phú Quốc trở thành một hòn ngọc mới trong tương lai.

Về đối ngoại, trong năm 2015, Petrovietnam đã có thêm các ký kết hợp tác, đầu tư với một số công ty của nhiều nước có uy tín cao trong ngành dầu khí thế giới, mở ra  nhiều hứa hẹn cho hoạt động trong nước và ngoài nước trong những năm sau.

Kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, những người đã và đang làm việc trong Petrovietnam hết sức vui mừng trước những thành tích to lớn của Tập đoàn  đã đạt được trong quá khứ và tự hào về phẩm chất, tài năng của các thế hệ đã và đang cống hiến hết mình cho những thành tích đó. 

Tuy nhiên, niềm vui này sẽ to lớn hơn nhiều nếu những ưu điểm, cũng như những thiếu sót, khuyết điểm, tiêu cực đã từng hạn chế những thành công trước đây được phân tích, tổng kết một cách minh bạch, nghiêm túc, thực hiện như một đề tài khoa học để rút ra những bài học thiết thực, bổ ích cho hoạt động của Tập đoàn trong tương lai.

Các câu hỏi về đánh giá như thế nào là khách quan, đúng mức về vai trò của Petrovietnam như một doanh nghiệp đầu tàu, nòng cốt của nền kinh tế qua các thời kỳ; nguyên nhân vì sao mà nhiều cơ hội để phát triển nhanh ngành Dầu khí nước ta bị bỏ lỡ? Các ưu điểm và bất cập mô hình tổ chức, quản lý, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ cán bộ, trang bị cơ sở vật chất cho ngành… đã từng thử nghiệm là gì? Sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với ngành Dầu khí, cũng như cơ chế, chính sách áp dụng cho quản lý ngành cái gì là sáng suốt, cái gì là chưa được như mong muốn, thậm chí là sai lầm, vv... cần có lời đáp hợp tình, hợp lý.

Cùng với việc tích cực thực hiện chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý, thoái vốn đã đầu tư vào các ngành ngoài dầu khí, cổ phần hóa các tổng công ty, nhiều công trình khác ở trong nước và nước ngoài sẽ được triển khai, cho thấy truyền thống tốt đẹp của Petrovietnam đang được phát huy mạnh mẽ. Dù trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn trong môi trường suy thoái kinh tế toàn cầu chưa chấm dứt, công cuộc đổi mới, tái cấu trúc Tập đoàn chưa hoàn thành, nguồn vốn còn hạn hẹp và nhiều cơ chế quản lý của nhà nước lẫn Tập đoàn còn chưa thích hợp với cơ chế thị trường trong một thế giới hội nhập đầy biến động.

Tuy nhiên, những gì đã thực hiện được trong 54 năm qua là những đảm bảo cho nguồn hy vọng của những người đã, đang và sẽ làm việc trong ngành Dầu khí Việt Nam về một tương lai luôn tốt đẹp.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động