RSS Feed for Tổng giám đốc EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 11/09/2024 20:34
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng giám đốc EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Trước thềm năm mới - xuân Giáp Thìn 2024, ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có những chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những khó khăn trong việc đảm bảo điện cho miền Bắc trong mùa nắng nóng năm 2023, cũng như những thách thức trong năm 2024 - khi mà năng lực truyền tải điện cung đoạn Trung - Bắc tới hạn. Cùng với đó là những chia sẻ về cách triển khai giải pháp để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành các chính sách để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.
Giải pháp cho dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối vận hành trước tháng 6/2024 Giải pháp cho dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối vận hành trước tháng 6/2024

Theo Quy hoạch điện VIII, cụm các dự án đường dây 500 kV cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định 1 - Phố Nối dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2025 - 2026. Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng đường dây này để đưa vào vận hành trước tháng 6/2024. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao phải gấp rút xây dựng và bằng cách nào để hoàn thành nhiệm vụ này? Phân tích và đề xuất giải pháp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Chồng chéo, bất cập của chính sách đang trói buộc kế hoạch phát triển truyền tải điện quốc gia Chồng chéo, bất cập của chính sách đang trói buộc kế hoạch phát triển truyền tải điện quốc gia

Qua quá trình thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã cho thấy những trở ngại (từ bước quy hoạch, đến chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành). Các trở ngại bao gồm cả cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục và nội tại chủ đầu tư, nhà thầu dự án... Dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đánh giá một số nội dung về chính sách đã, đang gây ảnh hưởng đến tiến độ phát triển truyền tải điện ở nước ta và giải pháp khắc phục.

Một trong những mục tiêu của EVNNPT là đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. Vậy, trong năm 2023, EVNNPT đã đạt được những kết quả cụ thể gì? Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn, thách thách mà Tổng công ty đã vượt qua?

Ông Phạm Lê Phú: Năm 2023, công tác vận hành hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết rất bất thường, ảnh hưởng của El Nino, số lượng sét tăng bất thường so với các năm trước đây, các đợt nắng nóng kéo dài dẫn đến tình hình vận hành lưới điện rất căng thẳng. Nhưng với sự chủ động, sáng tạo, EVNNPT đã thực hiện đồng bộ các giải pháp linh hoạt quản lý kỹ thuật và vận hành nhằm tập trung mọi nỗ lực, phương tiện, thiết lập kỷ cương và nâng cao kỷ luật vận hành.

Cụ thể, Tổng công ty đã lập và tổ chức thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa đúng kế hoạch các công trình lưới truyền tải điện. Đẩy nhanh nghiên cứu triển khai áp dụng quy trình sửa chữa lưới điện theo tình trạng vận hành và bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy ổn định của thiết bị, tăng cường chuyển đổi số… Kết quả sản lượng truyền tải điện của EVNNPT năm 2023 là 222,5 tỷ kWh, đạt 100,3% kế hoạch EVN giao, tăng 5,2% so với năm 2022. Tổn thất điện năng năm 2023 thực hiện đạt 2,4%, giảm 0,14% so với năm 2022.

Công tác an toàn, công tác bảo vệ môi trường đã được EVNNPT thực hiện nghiêm túc theo các quy định pháp luật, chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn. Công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đi vào nền nếp, tuân thủ các quy định của pháp luật phòng cháy chữa cháy. Trong năm không để xảy ra sự cố cháy nổ đối với trụ sở, kho tàng và đối với thiết bị do nguyên nhân chủ quan.

Trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, EVNNPT không để xảy ra các sự cố lớn do thiên tai, các sự cố do các cơn bão, mưa lũ được khắc phục nhanh chóng, đảm bảo truyền tải cung cấp điện liên tục, ổn định. Công tác an toàn vệ sinh lao động trong quản lý vận hành, sửa chữa, thí nghiệm, cũng như trong các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) được lãnh đạo các cấp quản lý quan tâm chỉ đạo thực hiện đến người lao động. Trong năm không để xảy ra tai nạn lao động chết người.

Thông điệp của Tổng giám đốc EVNNPT nhân dịp chào đón xuân Giáp Thìn 2024
Ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.

Đối với công tác đầu tư, phát triển hệ thống truyền tải điện, xin ông cho biết một số kết quả đã đạt được trong năm 2023?

Ông Phạm Lê Phú: Năm 2023 trong bối cảnh công tác ĐTXD tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, nhiều gói thầu phải đấu thầu lại do các nhà thầu tăng giá, nhưng nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn, cộng với sự nỗ lực của EVNNPT, các đơn vị thành viên cùng các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, công tác ĐTXD của Tổng công ty đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Trong đó:

EVNNPT đã hoàn thành khối lượng đầu tư với giá trị 15.997 tỷ đồng. Năm 2023, Tổng công ty đã phê duyệt 8/14 dự án theo kế hoạch chủ trương đầu tư, 21/62 dự án theo kế hoạch báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt 28/30 dự án theo kế hoạch thiết kế kỹ thuật. Đã thực hiện lựa chọn nhà thầu cho 906 gói thầu các loại, với tổng giá trị trúng thầu 12.146,896 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 4,7%.

Năm 2023, EVNNPT đã khởi công được 30 dự án, trong đó có nhiều công trình quan trọng đảm bảo cung cấp điện như: Giải pháp đảm bảo yêu cầu về điện áp cho lưới truyền tải điện khu vực miền Bắc; các trạm biến áp (TBA) 500 kV Quảng Trị, Bình Dương; lắp máy 2 TBA 500 kV Đức Hòa, Chơn Thành; mở rộng ngăn lộ TBA 500 kV Thạnh Mỹ và các đường dây 220 kV Sơn La - Điện Biên, Tương Dương - Đô Lương, Nhơn Trạch 3 - Long Thành…

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc trong các năm tiếp theo, EVNNPT đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối) và trong năm 2023 đã khởi công được dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa; 3 dự án còn lại của đường dây 500 kV mạch 3 đang gấp rút triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu và sẽ được khởi công trong tháng 1/2024.

Về công trình đóng điện, EVNNPT hoàn thành đóng điện (hoặc đã hoàn thành đủ điều kiện đóng điện) 29/33 công trình. Trong đó có nhiều dự án quan trọng như:

- Đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa, đường dây đấu nối các TBA 500 kV Đức Hòa, Chơn Thành, Long Thành.

- Nâng công suất TBA 500 kV Quảng Ninh.

- Các đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm, đấu nối TBA 220 kV Bắc Quang, Tao Đàn - Tân Cảng.

- Các TBA 220 kV Nghĩa Lộ, Duyên Hải, Long Khánh, Vĩnh Châu, Định Quán, Tân Biên, Krông Ana.

- Nâng khả năng tải các đường dây 220kV Sơn La - Việt Trì, Yên Bái - Phú Thọ, Hà Đông - Thường Tín, Dốc Sỏi - Quảng Ngãi.

- Giải pháp đảm bảo yêu cầu về điện áp cho lưới truyền tải điện khu vực miền Bắc...

Mặc dù năm 2023 EVNNPT chưa hoàn thành đóng điện tất cả các dự án theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh các khó khăn, vướng mắc kéo dài trong công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), với khối lượng ĐTXD thực hiện, cũng như các dự án trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào vận hành đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Tổng công ty và các đơn vị, góp phần cùng EVN cơ bản đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Việc đảm bảo điện cho miền Bắc trong mùa nắng nóng tới là một thách thức khi mà năng lực truyền tải điện cung đoạn Trung - Bắc tới hạn. Vậy, để đảm bảo truyền tải an toàn cung đoạn này, EVNNPT triển khai giải pháp gì để đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định trong năm 2024?

Ông Phạm Lê Phú: Theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, dự kiến mức tăng trưởng phụ tải đỉnh năm 2024 so với năm 2023 tăng từ 8% đến 12%, đối với tăng trưởng phụ tải miền Bắc dự báo cao nhất đến 15% cao nhất cả nước trong khi các nguồn điện không được bổ sung nhiều là một thách thức rất lớn trong công tác đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải, đặc biệt là lưới điện truyền tải Trung - Bắc cấp điện cho miền Bắc trong cao điểm mùa hè năm 2024.

Để đảm bảo năng lực truyền tải cung đoạn Trung - Bắc (từ Đà Nẵng - Vũng Áng - Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan), trong công tác quản lý vận hành, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp với tiến độ hoàn thành trước 30/4/2024. Cụ thể:

- Chỉ đạo các đơn vị lập và thực hiện phương án ngăn ngừa, giảm sự cố, cho từng đường dây, từng trạm biến áp.

- Đảm bảo hoàn thành khối lượng thí nghiệm định kỳ thiết bị năm 2024.

- Vệ sinh, bảo dưỡng, xử lý khiếm khuyết thiết bị trạm và đường dây trong các đợt cắt điện nhằm ngăn ngừa phát nhiệt, sự cố.

- Hoàn thành sửa chữa thiết bị theo kế hoạch sửa chữa năm 2023 và đẩy nhanh thực hiện kế hoạch năm 2024.

- Lắp đặt tăng cường lèo để tăng khả năng tải.

- Hoán đổi, đảo chuyển dao cách ly, thay thế bộ phận dẫn dòng, thay thế dao cách ly các trạm biến áp 500kV liên kết Trung - Bắc để đảm bảo vận hành khi truyền tải cao.

- Thiết lập mạch sa thải phụ tải theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia.

- Lắp đặt tụ bù ngang để đảm bảo vận hành điện áp lưới điện miền Bắc.

- Tăng cường kiểm tra thiết bị, tăng cường ứng trực tại trạm biến áp và trên đường dây trong thời điểm truyền tải cao.

Ngoài ra, EVNNPT cũng đang nghiên cứu áp dụng một số ứng dụng khoa học công nghệ (như ứng dụng hệ thống giám sát nhiệt độ để giám sát nhiệt độ mối nối, nhiệt độ các thiết bị tại trạm biến áp; ứng dụng UAV, trí tuệ nhân tạo phân tích hình ảnh kiểm tra thiết bị đường dây).

Năm 2023, EVNNPT đã khởi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 (cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa) và trong tuần trước (ngày 18/1/2024) triển khai đồng loạt các cung đoạn (Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Nam Định 1 - Phố Nối và Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa) với khí thế hết sức khẩn trương. Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là công tác giải phóng mặt bằng thi công gặp nhiều khó khăn, trong khi chúng ta phải hoàn thành dự án quy mô lớn, với một tốc độ rất nhanh và chưa có tiền lệ. Trước áp lực này, ông có kiến nghị gì để có thể hoàn thành xây dựng cụm công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Phạm Lê Phú: Có thể khẳng định đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc trong những năm tới. Chính vì vậy, dự án nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương có dự án đi qua và EVN. Đến nay, tiến độ của dự án đang bám sát mục tiêu, tiến độ điều hành của EVNNPT.

Tuy nhiên, Tổng công ty nhận diện thách thức lớn nhất đối với dự án này là công tác BTGPMB. Chính vì vậy, để đảm bảo hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVNNPT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác bồi thường GPMB thực hiện công trình 500 kV mạch 3 để đáp ứng mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể là giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện tiến độ GPMB công trình 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối). Có chỉ đạo, hướng dẫn về việc tác động vào rừng tự nhiên để mở đường tạm thi công dự án.

Cùng với đó, EVNNPT kiến nghị UBND các tỉnh có đường dây đi qua tăng cường năng lực cho Hội đồng bồi thường, Trung tâm phát triển quỹ đất tại địa phương, có đủ chế tài để bộ máy thực hiện công tác bồi thường GPMB tại các cấp của địa phương đáp ứng nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ yêu cầu của dự án.

UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp quận/huyện, xã/phường coi đây là dự án năng lượng cấp thiết, các sở, ban ngành và các huyện/thị xã phổ biến tuyên truyền cho người dân có đường dây đi qua về tính quan trọng, cấp thiết của dự án, kịp thời hỗ trợ và triển khai trong các công tác phê duyệt trích đo bản đồ, công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc đất, lập và phê duyệt phương án bồi thường... để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Mặt khác, chính quyền địa phương cần phối hợp chủ đầu tư để nhanh chóng, kịp thời xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình đo vẽ, kiểm kê, xác định nguồn gốc đất... tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai, tránh tình trạng tranh chấp, kiện cáo, ngăn chặn không cho triển khai thi công dự án.

Được biết, EVNNPT đạt được nhiều cải tiến trong chuyển đổi số, áp dụng công nghệ trong quản lý vận hành và đầu tư xây dựng. Xin ông cho biết một số kết quả đạt được và những giải pháp cần thúc đẩy triển khai trong năm 2024?

Ông Phạm Lê Phú: Năm 2023, EVNNPT đã nỗ lực, tập trung triển khai và đạt được nhiều thành tựu trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ. Việc chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ đã thay đổi căn bản công tác quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện truyền tải. Tôi xin nêu một số thành tựu nổi bật như sau:

Đối với công tác số hóa thông tin lưới điện: EVNNPT đã hoàn thành số hóa thông tin lưới điện trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS do EVN xây dựng. Hoàn thành số hóa thông tin lưới điện trên nền bản đồ thông tin địa lý GIS và triển khai ứng dụng rộng rãi trong toàn EVNNPT.

Đối với công tác kiểm tra, quản lý vận hành lưới điện: EVNNPT đã hoàn thành và triển khai ứng dụng rộng rãi phần mềm quản lý thí nghiệm, phần mềm kiểm tra đường dây ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm kiểm tra trạm biến áp, thay đổi hoàn toàn từ việc thực hiện thủ công sang sử dụng bằng phần mềm. Triển khai ứng dụng rộng rãi UAV trong công tác kiểm tra thiết bị đường dây với 245 thiết bị UAV và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh. Lắp đặt và khai thác hệ thống quan trắc cảnh báo sét để phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp giảm sự cố do sét. Nghiên cứu thử nghiệm hệ thống giám sát nhiệt độ thiết bị, nhiệt độ mối nối trong TBA…

Đối với công tác sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện: EVNNPT đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng với việc đưa vào sử dụng phần mềm quản lý sửa chữa lớn và triển khai sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng vận hành CBM (tính toán chỉ số sức khỏe thiết bị) đối với hầu hết các thiết bị chính trên lưới điện truyền tải như máy biến áp, máy cắt, biến điện áp, biến dòng điện, dao cách ly, chống sét van, kháng điện và các thiết bị trung áp.

Trong năm 2024, EVNNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng KHCN để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải, trong đó tập trung một số nội dung sau:

Hoàn thiện các phần mềm quản lý thí nghiệm, phần mềm kiểm tra quản lý vận hành đường dây, phần mềm kiểm tra trạm biến áp để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng hiệu quả UAV, trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh quản lý vận hành đường dây; khai thác hiệu quả phần mềm GIS và các phần mềm chuyển đổi số khác.

Hoàn thiện dữ liệu để triển khai sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo tình trạng vận hành CBM. Triển khai ứng dụng hệ thống giám sát thời gian thực nhiệt độ mối nối, nhiệt độ thiết bị tại một số TBA. Tổ chức tích hợp, kết nối đồng bộ các phần mềm để từng bước hoàn thành hệ thống quản lý tài sản của EVNNPT.

Trong năm 2023, EVNNPT đã có nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí để đảm bảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho người lao động. Xin ông cho biết những giải pháp đó là gì? Làm cách gì để EVNNPT không bị chảy máu chất xám?

Ông Phạm Lê Phú: Năm 2023, bên cạnh những khó khăn, căng thẳng trong công tác quản lý vận hành đảm bảo cung cấp điện, EVNNPT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí, xây dựng Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) toàn diện trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, tài sản; sử dụng lao động và thời gian lao động.

Mục tiêu của chương trình nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh - tài chính - đầu tư xây dựng để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 với mục tiêu kép phát triển kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu Nhà nước đầu tư tại EVNNPT, góp phần cùng EVN đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đời sống của CBCNV. Cùng với đó là phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Các giải pháp này đã được EVNNPT triển khai thực hiện như sau:

- Thống nhất công tác chỉ đạo THTK, CLP từ Tổng công ty đến các đơn vị.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong THTK, CLP.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đối với tất cả các lĩnh vực THTK, CLP.

- Tăng cường thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát THTK, CLP.

- Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý.

- Kiên quyết đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi gây thất thoát, lãng phí và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong THTK, CLP.

Nhờ việc xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể về THTK, CLP nêu trên, mặc dù nền kinh tế, xã hội Việt Nam trong năm 2023 phải đối mặt với nhiều thách thức và sự bất ổn từ kinh tế toàn cầu, cũng như tình hình tài chính của EVN còn nhiều khó khăn, nhưng việc làm và các chế độ như lương, thưởng, phúc lợi của người lao động EVNNPT về cơ bản vẫn được đảm bảo.

Ngoài ra, việc bố trí, sắp xếp lao động khoa học, hiệu quả, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nhân lực có sẵn đã giúp EVNNPT hoàn thành kế hoạch năng suất lao động theo sản lượng điện truyền tải năm 2023, góp phần đảm bảo quỹ tiền lương của người lao động. Đây là những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định tâm lý cho cán bộ công nhân viên, hạn chế tối đa tình trạng “chảy máu chất xám” đã và đang diễn ra ở một số doanh nghiệp.

Xin ông cho biết các mục tiêu và một số giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty năm 2024? Ông có đề xuất kiến nghị gì với các cấp thẩm quyền ban hành các chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay?

Ông Phạm Lê Phú: Năm 2024, dự kiến sản lượng điện truyền tải của EVNNPT khoảng 233,9 tỷ kWh, tăng 5,43% so với thực hiện năm 2023. Về đầu tư xây dựng, phấn đấu khởi công 34 dự án và hoàn thành và đưa vào vận hành 63 dự án. Tổng giá trị đầu tư xây dựng ước tính 20.476 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, EVNNPT tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy các đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống lưới điện 500 kV Bắc - Nam.

Tiếp tục tập trung mọi nỗ lực, triển khai các biện pháp toàn diện và quyết liệt nhằm ngăn chặn tai nạn lao động, giảm thiểu sự cố, cháy nổ. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện: Lưới điện thông minh, vệ sinh hotline, định vị sự cố, giám sát trực tuyến thiết bị chính, flycam và phân tích hình ảnh bằng AI, quản lý thông tin bản đồ GIS, giám sát cảnh báo sét, thiết kế PCCC các TBA 220 - 500 kV... để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải điện và nâng caonăng suất lao động. Mặt khác, chúng tôi tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng công tác thiết kế, chất lượng thi công lắp đặt, thí nghiệm thiết bị, tổ chức nghiệm thu các công trình trạm biến áp, đường dây và kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư thiết bị đưa lên lưới điện truyền tải.

Trong công tác đầu tư xây dựng, EVNNPT tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng đã đề ra. Trong đó, đối với các dự án đường dây 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch - Phố Nối), chúng tôi sẽ bám sát các mốc tiến độ của dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn, huy động nguồn lực cao nhất dành cho dự án. Thường xuyên bám sát công trường, bám sát các bộ, ban, ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương các cấp kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Đối với các dự án có kế hoạch khởi công, đóng điện năm 2024, EVNNPT tập trung đảm bảo tiến độ các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải, các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc. Các dự án giải tỏa công suất các Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, Nhơn Trạch 3, 4; các dự án phục vụ giải toả công suất năng lượng tái tạo, thuỷ điện Tây Bắc, mua điện Trung Quốc, Lào, các Ban quản lý dự án cần tập trung cao độ trong công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đặc biệt chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Để hoàn thành mục tiêu này, chúng tôi kiến nghị Tập đoàn báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ sớm có Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và giao danh mục các dự án lưới điện truyền tải do EVN chịu trách nhiệm để Tập đoàn xem xét, cân đối sớm giao danh mục đầu tư lưới điện truyền tải cho EVNNPT triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ EVNNPT trong quá trình làm việc với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án lưới điện truyền tải trọng điểm, đặc biệt đối với các dự án đường dây 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối).

EVNNPT kiến nghị các tỉnh đưa các dự án truyền tải điện vào Quy hoạch chung và quy hoạch đất năng lượng. UBND các tỉnh sớm thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án lưới truyền tải điện, tương tự các tỉnh, thành phố đã thẩm định phê duyệt như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình.

Về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng: Đối với công trình đường dây truyền tải điện (dạng tuyến), phê duyệt chủ trương, giao UBND tỉnh phê duyệt chi tiết diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật dự án, khi có đủ thông tin khảo sát, thiết kế dự án. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo hướng xử lý, tháo gỡ các vướng mắc về tác động vào rừng đối với đường tạm phục vụ thi công./.

Xin cảm ơn ông. Nhân dịp chuẩn bị chào đón xuân Giáp Thìn, xin chúc ông và tập thể Người lao động Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thắng lợi mới trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024!

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động