Tối đa hóa tự chủ trong bảo dưỡng Lọc dầu Dung Quất
09:14 | 22/05/2017
Dấu ấn khoa học công nghệ ngành Dầu khí Việt Nam
Sẵn sàng cho bảo dưỡng tổng thể Lọc dầu Dung Quất
Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên.
Thông tin về kế hoạch bảo dưỡng tổng thể lần 3 Lọc dầu Dung Quất, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết, sản lượng sản xuất luỹ kế của BSR từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đến 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 47 triệu tấn với doanh thu gần 40 tỷ USD. Trong đó, luỹ kế số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư (3 tỷ USD). Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 4,81 %. Hệ số bảo toàn vốn là 1,091 (>1 thể hiện việc bảo toàn và phát triển vốn).
Ngày 5/6/2017, BSR sẽ dừng nhà máy, tiến hành Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 với 52 ngày. Lần bảo dưỡng này sẽ gồm 7 gói thầu với khoảng 6.000 công việc, cùng sự tham gia của 4.000 nhân sự và hàng chục nghìn máy móc, thiết bị chuyên dụng. Mọi công việc lên kế hoạch hoàn thành, sẵn sàng cho đại công trình bảo dưỡng và phấn đấu rút ngắn thời gian bảo dưỡng 5-7 ngày, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước.
Về cổ phần hóa, theo kế hoạch đã được phê duyệt, BSR sẽ thực hiện chào bán lần đầu cổ phiếu ra công chúng trong quý 4/2017. Trong đợt IPO này, BSR dự kiến chào bán từ 5-6%, phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và các nhà đầu tư chiến lược. Là công ty có quy mô vốn lớn, nên việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn: Công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017. Giai đoạn 2, công ty sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần.
Việc tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng với BSR. Đó sẽ là các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu và cam kết đồng hành lâu dài để hỗ trợ BSR nâng cấp, mở rộng nhà máy, mở rộng thị trường...
Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang.
Đối với Dự án NCMR NMLD Dung Quất đã triển khai 25 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu Tư vấn lập thiết kế tổng thể (FEED). Các mốc quan trọng của dự án đã được triển khai, hoàn thành như: Công tác đền bù/GPMB đạt 99%. Tổng diện tích mặt bằng đã thực hiện xong công tác bồi thường đạt 99%. Dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2017. Hồ sơ thiết kế FEED và tổng dự toán Dự án đã được Nhà thầu AFW bàn giao cho chủ đầu tư vào ngày 24/3/2017. BSR/DQRE đã trình Tập đoàn, Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt Hồ sơ theo quy định.
Về hạng mục thu xếp vốn (vốn chủ 30% và vốn vay 70%): PVN đang xem xét phê duyệt điều chỉnh gói thầu tư vấn thu xếp tài chính. Song song BSR/DQRE tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để tài trợ vốn cho dự án như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, BNP Paribas Việt Nam, Societe Generale Việt Nam,… trong đó phần vốn vay (dự kiến khoảng: 1,269 tỷ USD ) thu xếp dự kiến từ 2 nguồn vốn: vay ECA và từ các Ngân hàng TM nước ngoài; vốn vay trong nước từ các Ngân hàng TM trong nước.
Trong suốt quá trình vận hành nhiều năm qua, BSR đã đạt trên 10 triệu giờ công an toàn. Việc kiểm tra, giám sát, huấn luyện an toàn, PCCC được thực hiện thường xuyên, sức khỏe người lao động được quan tâm chăm lo chu đáo. Công tác Quan trắc môi trường và Quản lý chất thải được thực hiện đúng theo quy định pháp luật: Nước thải, khí thải được xử lý đạt Quy chuẩn/tiêu chuẩn về môi trường hiện hành trước khi xả thải; Thu gom, phân loại, lưu chứa và bàn giao chất thải xử lý đáp ứng các Quy chuẩn về môi trường. Công tác ATSKMT cho TA3 cũng được chuẩn bị chu đáo.
Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên cho biết: theo tính toán với giá dầu 50 USD/thùng, quá trình bảo dưỡng rút ngắn 1 ngày sẽ giúp BSR tăng doanh thu 250 tỷ đồng và tăng nộp ngân sách 30 tỷ đồng. Chính vì vậy, BSR đang thực hiện mọi biện pháp, sáng kiến để rút ngắn thời gian bảo dưỡng từ 5-7 ngày như: Bố trí làm việc 3 ca tại một số khu vực bảo dưỡng và sử dụng máy móc hiện đại như các thiết bị cắt bằng tia nước, các thiết bị làm sạch đồng thời và liên tục...
Trong thời gian nhà máy dừng bảo dưỡng, việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn được bảo đảm và không bị xáo trộn vì kế hoạch dừng nhà máy đã được BSR thông báo cho các khách hàng từ đầu năm 2016. BSR cũng đã xây dựng phương án tăng sản lượng sản xuất, dự trữ và cung ứng cho thị trường trước và trong TA3. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ khách hàng để duy trì nhận hàng đường bộ trong giai đoạn bảo dưỡng này.
Về dự án NCMR, tính đến tháng 4/2017, dự án Nâng cấp mở rộng(NCMR) NMLD Dung Quất đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể FEED và đang chuẩn bị các thủ tục tiếp theo để lựa chọn nhà thầu EPC. Hiện nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 98%, công tác xây dựng khu tái định cư đang khẩn trương triển khai. Theo kế hoạch đến ngày 30/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho BSR triển khai dự án. Sau khi Dự án NCMR hoàn thành vào cuối năm 2021, công suất chế biến của NMLD Dung Quất tăng từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm (148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày), đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước và cung cấp nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như nhựa đường, nguyên liệu cho hóa dầu, hóa chất… Ngoài ra, khi NCMR Nhà máy sẽ giúp tăng độ linh động chế biến và có thêm nhiều cơ hội lựa chọn nguồn dầu thô giá rẻ trong và ngoài nước, đảm bảm được nguồn nguyên liệu lâu dài, đồng thời sản phẩm nhiên liệu (xăng, dầu DO) sẽ đáp ứng tiêu chuẩn môi trường EURO V cũng như các yêu cầu, cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang nhấn mạnh: CBCNV Công ty BSR đã và đang sẵn sàng đối mặt với các khó khăn, thử thách. BSR đã đào tạo ra đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm và sẽ đưa con tàu BSR vượt qua các thách thức về nâng cấp mở rộng nhà máy, IPO và sản xuất kinh doanh. Bởi vì BSR có được vốn quý nhất là tài sản con người.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM