RSS Feed for Tiến độ triển khai chuỗi dự án khí Lô B Ô - Môn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 11:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiến độ triển khai chuỗi dự án khí Lô B Ô - Môn

 - Chuỗi dự án khí Lô B Ô - Môn là dự án trọng điểm quốc gia, khi đi vào hoạt động, các dự án thành phần dự kiến sẽ đóng góp khoảng 18 tỷ USD cho ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, do nhiều yếu tố, dự án này đang có nguy cơ chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư và giảm hiệu quả kinh tế, cũng như làm chậm nguồn thu ngân sách Nhà nước. Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp cho dự triển khai đúng kế hoạch, mang lại nguồn thu cho Nhà nước, cũng như đảm bảo hiệu quả cho các nhà đầu tư? Ông Lê Ngọc Sơn - Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PVN kiến nghị gỡ khó cho chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn
Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Ông Lê Ngọc Sơn - Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc phát biểu tại tọa đàm “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển”, tổ chức ngày 28/10, tại Hà Nội.

Ông Lê Ngọc Sơn cho biết: Chuỗi dự án khí Lô B Ô - Môn bắt đầu được triển khai vào năm 1997, nhưng đến nay (sau 21 năm) chưa đưa vào khai thác được. Đây là một “kỷ lục buồn” của ngành Dầu khí Việt Nam. Vì tài nguyên có, tuy nhiên, chúng ta chưa đưa vào khai thác được, do nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan.

Đối với các dự án khí, đều có đặc thù so với dự án dầu rất nhiều. Với dự án dầu, khi chúng ta phát hiện có dầu, là triển khai đầu tư, xây lắp và đưa vào khai thác rất nhanh, không phụ thuộc vào yếu tố thị trường nhiều. Tuy nhiên, đối với dự án khí thì phụ thuộc vào chuỗi giá trị, chuỗi giá trị ở đây tức là khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn.

Cụ thể, nếu như khai thác khí mà không có khâu tiêu thụ, hộ tiêu thụ thì không có giá trị, cũng như chúng ta khai thác khí, có hộ tiêu thụ mà đường ống dẫn khí không có thì cũng không có giá trị. Vậy, việc triển khai đồng bộ chuỗi các dự án thành phần là rất quan trọng trong việc triển khai các dự án khí.

Theo ông Sơn, đối với dự án khí Lô B, có ba thành phần chính, một là đối với khâu thượng nguồn, hai là đối với khâu trung nguồn và ba là khâu hạ nguồn.

Đối với khâu thượng nguồn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đầu tư chiếm 70%, còn lại là 30% là của đối tác nước ngoài (Nhật Ban và Thái Lan). Để đầu tư thăm dò, khai thác các hợp đồng phân chia sản phẩm của khí Lô B, với tổng mức đầu tư khoảng 6,7 tỷ USD, và thời gian đầu tư, khai thác vận hành là hơn 20 năm.

Đối với dự án trung nguồn, đường ống dài hơn 400 km, nối từ ngoài mỏ vào bờ (cập bờ ở Cà Mau), cấp cho khu vực này, đồng thời đi về phía Kiên Giang và dẫn về phía Ô Môn. Dự án đường ống này có tổng mức đầu tư là 1,3 tỷ USD.

Đối với dự án hạ nguồn, có một số hộ tiêu thụ chính vùng Ô Môn đã có trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), là chủ đầu tư dự án điện Ô Môn 3 và 4 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), ngoài ra có 1 dự án Ô Môn 2, trước đây dự kiến đầu tư là BOT, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định được chủ đầu tư.

Dự kiến lượng khí cung cấp cho 4 nhà máy điện (với quy mô công suất mỗi nhà máy 750MW), mà theo Quy hoạch điện VII, tiến độ dự kiến Ô Môn 3 đưa vào vận hành là 2020, tuy nhiên tiến độ hiện nay đưa vào khai thác là 2025, Ô Môn 4 dự kiến là 2021 đưa vào vận hành, dự kiến hiện nay là tháng 12/2023. Tổng vốn đầu tư của các dự án điện này khoảng 5 tỷ USD.

Theo ông Sơn, ở Việt Nam, chúng ta gọi dự án này là dự án trọng điểm quốc gia, còn quốc tế họ gọi là Mega project, vì có 3 yếu tố cấu thành Mega project:

Một là, về quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư (trên 3 tỷ USD).

Hai, là về mức độ phức tạp.

Đây là dự án có quy mô tương đối lớn, giàn công nghệ trung tâm khi đưa vào vận hành là một trong 5 dự án lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là lớn nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó là số lượng giàn, số lượng giếng, tổng số giàn vệ tinh khoảng 52 giàn, và số lượng giếng thì gần 1.000 giếng khai thác.

Quy mô dự án rất lớn và đặc thù ở đây là khó khăn phức tạp vì là vùng mới. Chúng ta thấy rằng, ngành Dầu khí phát triển trong thời gian qua là đi từ gần bờ, tiếp đến là vùng sâu, vùng xa, (gọi là khu vực xa bờ, vùng nước sâu). Khu vực Lô B là khu vực vùng mới của ngành Dầu khí Việt Nam trong tương lai, vì vùng này là vùng chưa có sẵn các công trình sẵn có. Bên cạnh đó, địa chất ở đây là phi truyền thống, đây cũng là đối tượng mới đòi hỏi phải tập trung trí tuệ, có những đột phá về mặt công nghệ để làm chủ vấn đề thăm dò khai thác khí tại khu vực này, cũng như các giải pháp triển khai về mặt kỹ thuật để đảm bảo chi phí đầu tư nằm trong tầm kiểm soát và tối ưu nhất.

Ba là, yếu tố kinh tế tác động đến vùng miền và quốc gia.

Dự án này ngoài việc đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực Tây và Nam Bộ, tạo việc làm nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp cho ngân sách Nhà nước trong chuỗi dự án trong vòng hơn 20 năm (khoảng 18 tỷ USD). Trong đó, phần thượng nguồn là hơn 17,4 tỷ USD, và phần thu của Nhà nước sau khi trừ chi phí, thì cứ tính 1 USD giá khí trừ đi chi phí khoảng 28cent, phần thu còn lại của Nhà nước chiếm hơn 60%, thu của PVN trong phần 70% tổng cộng thì khoảng 8-9 %, các đối tác nước ngoài thu khoảng hơn 11%. Để thấy rằng phần thu của phía Việt Nam trong dự án chiếm tỷ lệ đáng kể trong cân đối nguồn thu chung.

Ông Sơn chia sẻ: Tình trạng hiện nay dự án đang chậm tiến độ, hiện trạng như thế nào trong chuỗi dự án từ khâu thượng nguồn trung nguồn và hạ nguồn. Cụ thể như sau:

Khâu thượng nguồn (trước năm 2015), nhà thầu Chevron (của Mỹ) là nhà điều hành, vì nhiều lý do khó khăn, Chevron rút và PVN đã tiếp quản điều hành từ nhà thầu Chevron.

Sau khi tiếp quản dự án, PVN đã tích cực triển khai các hạng mục công việc. Đến tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá khí (đây là điểm nghẽ mà trong vòng hơn 20 năm chưa được tháo gỡ, thì đã được tháo gỡ). Tiếp đó, vào tháng 11/2017, báo cáo phát triển mỏ - báo cào đầu tư dự án đã được Hội đồng Nhà nước thẩm định và thông qua trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đến ngày 19/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt báo cáo FDP (kế hoạch phát triển mỏ). Song song với công việc đó, công tác đấu thầu đã triển khai, tuy nhiên công tác này đang phải chờ trong vòng 9 tháng nữa, vì các khâu khác của dự án chưa sẵn sàng nên không thể triển khai được…

Về khâu trung nguồn, đường ống cũng có cái khó là hiện nay tiến độ chưa chốt, vậy nên công tác đấu thầu cũng chưa triển khai được. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật chúng ta đã sẵn sàng.

Khâu hạ nguồn, tình trạng hiện nay tương đối là chậm so với kế hoạch đề ra, vấn đề nữa là vấn đề thu xếp vốn cho các dự án điện. “Việc chậm các dự án điện vì có một số nguyên nhân, trong đó là việc khó khăn thu xếp vốn cho các dự án” - Ông Sơn khẳng định.

Vì vậy, nguy cơ dự án so với kế hoạch ban đầu bị chậm tiến độ là cao (kế hoạch ban đầu được Chính phủ phê duyệt là có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2021), mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu các hộ tiêu thụ khí.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp cho dự án triển khai đúng kế hoạch, mang lại nguồn thu cho Nhà nước, cũng như đảm bảo hiệu quả cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam, ông Sơn kiến nghị:

Thứ nhất, phê duyệt báo cáo Pre FS (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) các nhà máy điện Ô Môn 3, Ô Mô 4. Hiện báo cáo đang được trình Chính phủ, vậy rất mong Chính phủ sớm phê duyệt để có sơ sở triển khai các đàm phán khác.

Thứ hai, có chủ trương cho đầu tư các dự án điện còn lại, các dự án điện còn lại rất cần thiết, vì chúng ta đầu tư các công trình, các giàn khai thác mà không có đủ các hộ tiêu thụ thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế chung.

Thứ ba, là các điểm nghẽn về bảo lãnh của Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài, bảo lãnh Chính phủ hiện nay, cơ bản các điểm chính đã thống nhất. Tuy nhiên, còn một số điểm hiện đang vướng, dẫn đến chưa phê duyệt GGU với các nhà đầu tư nước ngoài để có các cơ sở để cho các bên có niềm tin để có quyết định đầu tư dự án.

Thứ tư, rất mong các cấp có thẩm quyền hỗ trợ PVN tháo gỡ khó khăn về cơ chế đối với việc thu xếp vốn cho chuỗi dự án.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động