RSS Feed for Thuỷ điện Bản Vẽ xây dựng thành công ‘ứng dụng theo dõi thông số nhà máy điện’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 14/01/2025 04:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thuỷ điện Bản Vẽ xây dựng thành công ‘ứng dụng theo dõi thông số nhà máy điện’

 - Ứng dụng theo dõi thông số nhà máy điện - BanVeHMI chạy được trên nền tảng Android và iOS, tích hợp các modul quản lý tự động cập nhật thông tin thời gian thực về chế độ vận hành của các tổ máy; mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu; thống kê theo thời gian các thông số như: Công suất, sản lượng, thuỷ văn, thông tin mức nước hồ chứa… Ngoài ra, ứng dụng còn tích hợp các thông tin hữu ích khác phục vụ công tác thị trường điện, thông tin lịch công tác tuần…


Ứng dụng công nghệ số trong cảnh báo xả nước điều tiết hồ thủy điện


Thực hiện chủ đề năm 2021 của EVN là "Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam" và để đáp ứng kịp thời lộ trình chuyển đổi số của ngành điện, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã và đang tích cực triển khai lộ trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sản xuất và với mong muốn ngày càng hoàn thiện hệ thống quản lý, tổng hợp theo dõi số liệu, các thông tin trao đổi nội bộ của Nhà máy, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã và đang tổ chức nghiên cứu, xây dựng ứng dụng di động nhằm đáp ứng yêu cầu nêu trên - ứng dụng BanVeHMI.

Giao diện chương trình thân thiện, dễ sử dụng.

Theo ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc Công ty, việc sử dụng ứng dụng di động BanVeHMI giúp quản lý, cập nhật thông tin và thông số của nhà máy liên tục, mọi lúc mọi nơi, từ đó đưa ra những quyết định điều hành sản xuất hợp lý tham gia thị trường điện tối ưu, hiệu quả.

Đặc biệt, phiên bản trên điện thoại của ứng dụng này giúp người dùng theo dõi liên tục thủy văn, lượng mưa, lượng nước về hồ, là một công cụ cực kỳ hữu hiệu trong công tác phòng, chống thiên tai.

Trong thời gian cả xã hội đang tham gia phòng, chống Covid-19, việc tạo ra phần mềm ứng dụng này đã góp một phần không nhỏ để Công ty hoàn thành nhiệm vụ kép "Vừa an toàn chống dịch, vừa đảm bảo công tác sản xuất điện".

Với tinh thần cùng EVN, EVNGENCO 1 phát triển chuyển đổi số, Công ty luôn sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ phần mềm này cho các đơn vị thủy điện khác có nhu cầu.

Ca vận hành của Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ.

Theo ông Cao Thanh Liêm - chuyên viên Phòng Kỹ thuật và An toàn, thành viên nhóm phát triển ứng dụng: Hệ thống được xây dựng kế thừa các hệ thống hiện hữu của Nhà máy, vì vậy chi phí đầu tư cho phần cứng không quá cao. Tuy nhiên, vấn đề an ninh bảo mật, an toàn thông tin luôn được coi trọng: Phân quyền người dùng rõ ràng; hệ thống cơ sở dữ liệu và web service được thiết lập các chính sách bảo vệ cao trên cả firewall cứng và mềm.

Hiện tại, hệ thống đang được bổ sung thêm tính năng hiển thị lưu lượng mưa ở vùng hồ chứa; tính năng cảnh báo sự cố Nhà máy qua giao diện thông báo… Việc làm chủ công nghệ lập trình phần mềm nên các modul của phần mềm luôn được chủ động cập nhật nhanh chóng, phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh BanVeHMI, hiện nay Công ty đang sử dụng thêm các hệ thống phần mềm khác và mang lại hiệu quả tốt như: Phần mềm quản lỹ kỹ thuật PMIS, phần mềm quản lý công văn công việc eOffice cùng chữ ký số, phần mềm quản lý nhân sự HRMS, hệ phần mềm thị trường điện, phần mềm ERP-MMIS…

Trong thời gian tới, Công ty tập trung xây dựng, triển khai thêm các hệ thống như: Quản lý kế hoạch; số hoá toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã chỉnh lý; thu thập số liệu thủy văn, DCS tự động nhập vào phần mềm PMIS thay cho nhập bằng tay; nhật ký vận hành điện tử…

Với mục tiêu chung tay xây dựng EVN, EVNGENCO 1 trở thành doanh nghiệp số, Công ty Thủy điện Bản Vẽ luôn tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao lợi nhuận, nâng cao năng suất lao động... phù hợp với chủ đề năm 2021 của EVN là "Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam".

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, với công suất 320 MW. Là công trình đa mục tiêu, ngoài nhiệm vụ cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân, Nhà máy còn mang trọng trách cung cấp nước cho hạ du trong mùa kiệt, cắt và giảm lũ trong mùa lũ theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả.

Sau 11 năm đi vào hoạt động, Thủy điện Bản Vẽ đã hòa vào lưới điện quốc gia gần 11 tỷ kWh, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Đơn vị nộp ngân sách Nhà nước lên tới hàng nghìn tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - công nghiệp - du lịch khu vực miền Tây Nghệ An./.

CAO THANH LIÊM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động