RSS Feed for Thí điểm ‘cho phép tác động vào rừng tự nhiên’ khi thi công đường dây tải điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/11/2024 18:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thí điểm ‘cho phép tác động vào rừng tự nhiên’ khi thi công đường dây tải điện

 - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc thí điểm cho phép tác động vào rừng tự nhiên để làm một số công trình tạm phục vụ thi công dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ trên địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Sau thí điểm, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, bổ sung quy định về tác động, sử dụng rừng để làm các công trình tạm phục vụ thi công các công trình, dự án trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Vướng mắc chuyển đổi đất rừng - Nguy cơ chậm tiến độ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam Vướng mắc chuyển đổi đất rừng - Nguy cơ chậm tiến độ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam

Các dự án đường dây 500 kV Monsoon (Lào) - Thạnh Mỹ (đấu nối tại khu vực huyện Nam Giang, Quảng Nam) và dự án trạm cắt 220kV Đăk Ooc, cùng đường dây 220 kV đấu nối, cũng thuộc khu vực huyện Nam Giang, có mục tiêu nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam. Trong đó, dự án cấp điện áp 220 kV, mặc dù cột cuối đấu nối ngay bên kia biên giới đã được nước bạn Lào xây dựng xong, chờ sẵn, nhưng chủ đầu tư, nhà thầu phía Việt Nam hiện vẫn đang lúng túng chưa thể hoàn thành các thủ tục về chuyển đổi đất rừng tự nhiên để thực hiện các hạng mục móng cột đường dây và đường tạm thi công.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 23/2/2023, Chính phủ đã đồng ý chủ trương thí điểm cho phép tác động vào rừng tự nhiên tại các xã: La Dêê, Chà Val, Tà Bhinh, Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam để làm các công trình tạm (đường công vụ và bãi tập kết vật liệu) phục vụ thi công các móng trụ của dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam).

Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát hồ sơ thiết kế, xác định chính xác địa điểm, quy mô xây dựng và thời gian tồn tại của công trình tạm, diện tích, hiện trạng rừng cần tác động để làm các công trình tạm (đường công vụ, bãi tập kết vật liệu) phục vụ thi công các móng trụ của dự án này.

Phục hồi lại rừng ngay sau khi kết thúc dự án:

UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt địa điểm, quy mô xây dựng và thời gian tồn tại của công trình tạm, phương án tác động, phục hồi rừng để thi công các công trình tạm trước khi triển khai dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ, đảm bảo diện tích, mức độ tác động vào rừng tự nhiên là thấp nhất, không tác động xấu đến môi trường rừng và đa dạng sinh học. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ về vị trí, diện tích rừng đề nghị tác động, đảm bảo thống nhất giữa hồ sơ và thực địa.

Đồng thời, tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra chặt chẽ việc tác động vào rừng tự nhiên để làm các công trình tạm và phục hồi lại rừng ngay sau khi kết thúc dự án. Quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản nhà nước, không để xảy ra việc lợi dụng để phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp, điện lực, xây dựng, quản lý sử dụng tài sản công và các pháp luật liên quan.

Báo cáo kết quả việc thí điểm cho phép tác động vào rừng tự nhiên để làm các công trình tạm phục vụ thi công các móng trụ của dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ giao EVN rà soát thiết kế các công trình tạm, xác định chính xác nhu cầu sử dụng rừng tự nhiên để làm các công trình tạm (đường công vụ và bãi tập kết vật liệu) phục vụ thi công dự án.

Lập hồ sơ về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm, diện tích, hiện trạng rừng cần phải tác động, phương án tác động và phục hồi rừng, gửi UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, phê duyệt, tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ, đảm bảo không ảnh hưởng xấu đến diện tích rừng, đất rừng và môi trường xung quanh.

Mặt khác, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật liên quan. Tuân thủ nghiêm quy định về xây dựng công trình tạm của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Sau khi hoàn thành thi công các công trình tạm, phải phục hồi lại rừng, tổ chức bàn giao lại cho địa phương và chủ rừng quản lý theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Trong quá trình triển khai dự án, nếu có phát sinh vướng mắc liên quan đến các công trình khác (hạ tầng viễn thông, xây dựng...) kịp thời báo cáo cơ quan, cấp có thẩm quyền xem xét, phối hợp xử lý.

Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thí điểm tác động vào rừng tự nhiên và phục hồi lại rừng sau khi hoàn thành thi công các công trình tạm của Dự án. Kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, bảo đảm không gây thất thoát, sử dụng rừng trái mục đích, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền. Tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết.

Đặc biệt, sau khi thí điểm thành công, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định về tác động, sử dụng rừng để làm các công trình tạm phục vụ thi công các công trình, dự án trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, đúng thẩm quyền, áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động