Than Hạ Long: Thành công sau tái cơ cấu
16:45 | 25/08/2014
>> Phê duyệt phương án sắp xếp lại sản xuất 2 đơn vị ngành Than
>> Than Uông Bí tin tưởng vào mô hình quản lý mới
Là đơn vị cấp 2 đầu tiên trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thực hiện lộ trình tái cơ cấu, tại thời điểm chưa thực hiện tái cơ cấu, tổng số đầu mối Công ty phải quản lý là 112, với số lao động lên tới 4.986 người. Với số lượng đầu mối nhiều nên công tác quản lý lao động, điều hành sản xuất (ĐHSX) ở các mặt công tác của Công ty tới các xí nghiệp trực thuộc, chỉ mới mang tính thống kê, cập nhật từ các phòng, ban, phân xưởng, sau đó báo cáo lên cấp trên, dẫn đến mất nhiều thời gian, chồng chéo trong chức năng nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác quản lý kinh tế trước khi Công ty thực hiện tái cơ cấu cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Tập đoàn, Công ty đã tiến hành xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể cho chuyên môn và khối đoàn thể, thành lập Ban Chỉ đạo Công ty, tổ công tác chuyên đề, lập các phương án triển khai, rà soát lại lao động dôi dư… để thực hiện tái cơ cấu, bảo đảm đúng lộ trình và yêu cầu của Tập đoàn. Theo đó, Công ty xác định mục tiêu bước đầu sẽ giải thể và sắp xếp lại bộ máy quản lý cấp xí nghiệp.
Việc tái cơ cấu nguồn nhân lực của Công ty đã đạt được nhiều chuyển biến đáng kể, người lao động đã có tâm lý ổn định và đặt niềm tin vào sự phát triển của Công ty theo mô hình mới.
Xác định việc ổn định tư tưởng người lao động là việc làm quan trọng hàng đầu, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền tại các hội nghị người lao động, các cuộc họp giao ban, Công đoàn đã cùng với Ban Giám đốc Công ty, tổ chức nhiều buổi gặp riêng để trò chuyện, động viên, nắm bắt diễn biến tình hình, từng bước giúp người lao động hiểu chủ trương đúng đắn của Nhà nước và Tập đoàn. Việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động cũng được giải quyết sao cho “trọn vẹn nghĩa tình” nhất. Đến thời điểm hiện tại, việc tái cơ cấu nguồn nhân lực của Công ty đã đạt được nhiều chuyển biến đáng kể, người lao động đã có tâm lý ổn định và đặt niềm tin vào sự phát triển của Công ty theo mô hình mới.
Để thuận lợi cho công tác ĐHSX, Công ty đã ban hành tất cả các quy chế, cơ chế, quy định, nội quy, phân cấp… đồng bộ từ các tổ chức Đảng, đoàn thể, chuyên môn điều hành đến các đơn vị cơ sở, người lao động theo mô hình Công ty một cấp. Công ty cũng đã tách, nhập một số đơn vị, phòng, ban, đầu mối nhỏ lẻ, phân loại lại lao động cho phù hợp với mô hình mới theo hướng tinh gọn, nâng cao nội lực.
Theo đó, tổng số đầu mối Công ty quản lý sau tái cơ cấu chỉ còn 57 (giảm 55 đầu mối), số lao động tính đến hết tháng 6/2014 là 4.530 người (giảm 39 lao động quản lý, 24 lao động phục vụ; 75 lao động phụ trợ, 318 lao động trực tiếp sản xuất). Đồng thời, Công ty đã chuyển trụ sở điều hành từ TP Hạ Long xuống TP Cẩm Phả và thành lập Trung tâm ĐHSX Công ty, chịu trách nhiệm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Sau khi thành lập, Trung tâm đã trực tiếp bám sát hiện trường sản xuất, nắm bắt kịp thời khối lượng, thay mặt giám đốc để chủ trì, chắp mối tháo gỡ, giải quyết những ách tắc trong quá trình ĐHSX tại các khu vực và kiện toàn hệ thống sổ sách, báo cáo thống kê. Công ty cũng đã chuyển cơ bản toàn bộ công nhân ở trong các công trường ra định cư ở khu chung cư tập trung (phường Cẩm Đông, Cẩm Phả). Do vậy chi phí đưa đón CBCNV và công nhân đi làm bằng đội xe ca chỉ bằng 50-60% chi phí thuê xe ngoài chở công nhân.
Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp, sau 9 tháng tái cơ cấu, thu nhập bình quân của người lao động trong toàn Công ty tăng 0,5 triệu đồng/người/tháng (đạt 8,93 triệu đồng/người/tháng). Các khu vực khối hầm lò thu nhập đều cao hơn so với trước như: khu Cẩm Thành đạt 8,7 triệu đồng/người/tháng Khe Tam đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng, khu Hà Ráng đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng…