RSS Feed for Sản xuất than hướng đến ngành "công nghiệp xanh" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 05:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sản xuất than hướng đến ngành "công nghiệp xanh"

 - Bảo vệ môi trường trong khai thác than luôn được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) coi là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình sản xuất kinh doanh thời gian qua. Mỗi năm Vinacomin dành khoảng 700 tỷ đồng cho công tác bảo về môi trường. Từ những định hướng cụ thể này, đến nay hầu hết các đơn vị khai thác than trực thuộc luôn nâng cao ý thức và tập trung đầu tư nhiều hơn cho công tác môi trường.

>> Thuế xuất khẩu than giảm xuống 10%
>> "Vinacomin cần giải quyết các vấn đề môi trường trong khai thác than"

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tại Trạm xử lý nước thải, Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu.

Trạm xử lý nước thải, Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu.

Đầu tư lớn cho bảo vệ môi trường

Là một trong những đơn vị khai thác than lộ thiên lớn nhất vùng mỏ Cẩm Phả, thời gian qua Công ty Than Cọc Sáu đã triển khai hiệu quả các dự án bảo vệ môi trường. Cùng với dự án "Trạm xử lý nước thải mỏ Than Cọc Sáu" hoàn thành năm 2011, Công ty đã thực hiện bơm chuyển tải nước thải mỏ theo hai cấp: Nước thải được bơm từ đáy moong lên hố bơm Động tụ Nam mức -34 để lắng đọng bùn đất và trung hòa bớt a xit; sau đó bơm chuyển tải  từ hố Đông tụ Nam lên cửa lò +28 chảy qua hệ thống mương Cầu hóa chất ra biển. Ngoài ra, còn tiến hành nạo vét định kỳ, khơi thông hệ thống mương dẫn thoát nước khu vực dân cư, tránh ô nhiễm nguồn nước mặt.

Để giảm tối đa nồng độ bụi phát sinh ảnh hưỏng tới khu vực xung quanh, Công ty đã sử dụng nhiều biện pháp như: đầu tư mua ô tô chuyên tưới nước trên các tuyến đường vận chuyển; trồng cây che chắn bụi cho khu dân cư; gia cố tường rào quanh khu vực kho than; áp dụng công nghệ khoan ướt và nổ mìn trong các khâu khoan nổ…

Trong khi đó, Công ty Than Hòn Gai cho biết, 12,87 tỷ đồng là số vốn dành cho công tác môi trường và sản xuất sạch hơn trong năm 2013 của đơn vị. Sáu tháng đầu năm 2013, hơn 7,1 tỷ đồng đã được Công ty dành cho công tác sản xuất sạch hơn, với các giải pháp như: Thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường cho các dự án khai thác và chế biến than; tiếp tục triển khai hệ thống phun sương dập bụi trong hầm lò; duy trì hoạt động thường xuyên hệ thống dập bụi cho các mặt bằng công nghiệp, đặc biệt là các đầu máng rót than, bãi chứa than; triển khai dự án trồng chè tại các khuôn viên văn phòng, mặt bằng sân công nghiệp; nạo vét các tuyến mương, suối đảm bảo không ngập úng khu dân cư và mặt bằng sân công nghiệp vào mùa mưa…

Những tháng còn lại của năm nay, Công ty sẽ tiếp tục các giải pháp đầu tư sâu hơn cho công tác sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường khu vực sản xuất như: triển khai trạm xử lý nước thải hầm lò dự án khai thác dưới -75m Xí nghiệp than Thành Công và trạm xử lý nước thải lộ thiên 917; bổ sung đề án xả thải khu vực dự án khai thác dưới -75m Xí nghiệp than Thành Công; tiếp tục xây dựng khuôn viên tạo cảnh quan môi trường các mặt bằng mỏ xanh - sạch - đẹp, bê tông hóa các tuyến đường ra vào mỏ…

Tại Công ty Than Cao Sơn, với chủ trương “xanh hoá” môi trường, nhiều việc làm cụ thể, kịp thời của đơn vị đã khắc phục hiệu quả những tác động trong khai thác, sản xuất đến môi trường. Theo lãnh đạo Công ty, ngoài việc thay thế các thiết bị khai thác, vận tải cũ bằng các thiết bị hiện đại của các nước tiên tiến, đơn vị còn thành lập Phòng môi trường để trực tiếp chuyên trách về công tác bảo vệ môi trường với kinh phí dành cho việc thực hiện tăng dần theo từng năm.

Tuy năm nay là năm đặc biệt khó khăn với ngành than nói chung, Cao Sơn nói riêng, nhưng đơn vị vẫn dành tới 16,5 tỉ đồng cho công tác bảo vệ môi trường (nhiều hơn năm 2012 gần 1 tỉ đồng). Trong đó, phòng chống sự cố, bảo vệ môi trường khoảng 12,5 tỉ đồng; 4 tỉ đồng còn lại dành phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, đo đạc quan trắc môi trường, thu gom xử lý chất thải…

Ngoài việc sử dụng tối đa các giải pháp công nghệ như: dùng công nghệ khoan nổ mìn làm tơi đất đá; sử dụng các loại vật liệu nổ được các cấp có thẩm quyền cho phép; kiểm tra siết chặt các bulông đai ốc; san, gạt cải tạo mặt đường liên lạc vận chuyển nhằm hạn chế độ rung, tiếng ồn của các bộ phận chuyển động… hiện đơn vị đang khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải mỏ (trị giá hơn 40 tỉ đồng) nhằm quyết tâm thực hiện mục tiêu “xanh hóa” môi trường của Công ty.

Hướng đến ngành kinh tế xanh

Vinacomin cho biết, hiện đã có 66/67 khu vực khai thác than, 7/12 cảng than được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, 4 cảng được xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. Nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại, Vinacomin đã triển khai thực hiện các dự án, công trình như cải tạo hệ thống thoát nước Khe Chàm - Dương Huy (Cẩm Phả), cải tạo cảnh quan môi trường sông Vàng Danh (Uông Bí); cải tạo các bãi thải mỏ bằng biện pháp cắt tầng, hạ độ cao, xây dựng đê chắn để ngăn chặn việc đất, đá thải chảy trôi lấp sông, suối hoặc khu vực dân cư lân cận; tiến hành công tác hoàn nguyên môi trường như việc san lấp các địa điểm đã khai thác, trồng cây xanh.

Bên cạnh đó, Vinacomin và các đơn vị sản xuất - kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 33 trạm xử lý nước thải cho các đơn vị trong ngành, góp phần cải thiện chất lượng các nguồn nước.

Với lộ trình giảm dần và tiến tới dừng hẳn việc khai thác than lộ thiên trên địa bàn, theo cam kết giữa Vinacomin với tỉnh Quảng Ninh, đến nay Vinacomin cũng đã triển khai đầu tư các dự án khai thác than hầm lò thay dần cho khai thác than lộ thiên tại những mỏ có quy mô công suất lớn.

Cùng với các hoạt động trên, chất thải rắn sinh hoạt cũng được các đơn vị của Vinacomin thuê các công ty môi trường trên địa bàn thu gom, xử lý. Đặc biệt Tập đoàn đang triển khai Dự án Nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp nguy hại tại Cẩm Phả. Đây là dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư trên 173 tỷ đồng từ nguồn Quỹ môi trường tập trung của Vinacomin.

Hiện dự án đang được tập trung thực hiện thi công các hạng mục nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng. Dự kiến tháng 10/2013 công trình sẽ hoàn thành, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ xử lý tái chế dầu thải (10.000 lít/ngày) và các loại chất thải công nghiệp nguy hại. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, Vinacomin đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hoá trong khai thác than hầm lò như: cột chống thuỷ lực, dàn chống thuỷ lực, máy khấu than, nhờ đó giảm đáng kể việc sử dụng gỗ chống lò, nâng cao hệ số thu hồi than, hạn chế tổn thất tài nguyên.

Theo Vinacomin, những thành công bước đầu kể trên chính là tiền đề để Vinacomin tiếp tục thực hiện các dự án bảo vệ môi trường trong những năm tiếp theo nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên toàn địa bàn các vùng khai thác than. Đặc biệt, đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào quỹ đạo của ngành công nghiệp môi trường, cơ bản đưa công nghiệp sản xuất than theo hướng ngành kinh tế xanh như chiến lược mà Vinacomin đã đề ra.

NGUYỄN TÂM (Tổng hợp)

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Sau cuộc 'tán tỉnh chính trị' Campuchia ngả về Trung Quốc
Mỹ tấn công Syria vì "đại cục" hay "sĩ diện"?
Châu Á "phiên bản" 2013 và châu Á thời khủng hoảng
Nga quyết định cải tổ không quân nhằm tránh thảm họa
Abenomics: "Canh bạc" không chỉ của Nhật Bản
Sự yên bình 'khó hiểu' ở thủ đô Bình Nhưỡng
Chính sách kinh tế Lý Khắc Cường và sức ép chính trị

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động