Quy định đầu tư dầu khí ở nước ngoài và ý kiến chuyên gia
06:54 | 17/11/2017
Việt Nam có cơ hội phát triển các mỏ khí tại Hoa Kỳ
Cần một chiến lược quản trị rủi ro hoàn chỉnh cho ngành Dầu khí Việt Nam
Theo quy định mới, để chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai dự án dầu khí tại nước ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập, hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư, hoặc tại nước thứ ba theo quy định của pháp luật có liên quan, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung.
Trường hợp nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia, hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, công ty điều hành sẽ được ghi tên trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Công ty điều hành được sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án dầu khí.
Hình thức góp vốn
Nghị định quy định nhà đầu tư thực hiện góp vốn đầu tư theo hình thức sau:
1/ Góp vốn theo hình thức gọi vốn của người điều hành dự án.
2/ Góp vốn vào công ty liên doanh điều hành chung, công ty điều hành.
3/ Mua cổ phần của công ty sở hữu một phần, hoặc toàn bộ dự án dầu khí.
4/ Góp vốn theo hình thức cho công ty điều hành vay vốn.
5/ Các hình thức khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, hoặc do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án dầu khí nước ngoài trong hạn mức vốn đầu tư ra nước ngoài ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (bao gồm cả phần thay đổi so với vốn đầu tư ra nước ngoài đã đăng ký). Trường hợp nhà đầu tư có các khoản thu nhập từ việc đầu tư vốn cho dự án, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục kê khai và nộp thuế thu nhập (nếu có) đối với các khoản thu nhập này theo quy định của pháp luật về thuế.
Vốn đầu tư ra nước ngoài thể hiện dưới các hình thức sau:
1/ Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép, hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép, hoặc ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2/ Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam.
3/ Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hoá thành phẩm, hàng hoá bán thành phẩm.
4/ Giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu.
5/ Các tài sản hợp pháp khác.
Điều kiện chuyển vốn
Nghị định mới cũng quy định rõ nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư sau khi đáp ứng các điều kiện sau:
1/ Nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này.
2/ Dự án dầu khí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư, hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
3/ Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 63 của Luật đầu tư.
4/ Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm đối với việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, đảm bảo đúng mục đích, đúng thời hạn và tuân thủ các quy định của hợp đồng dầu khí, hợp đồng mua bán cổ phần...
5/ Nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
Quan điểm chuyên gia
Theo các chuyên gia trong Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, quy định của Chính phủ là rất chi tiết, chặt chẽ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư dầu khí Việt Nam khi tham gia vào hoạt động dầu khí quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn tài chính hạn hẹp, thế giới có nhiều biến động khó lường, các doanh nghiệp cần cân nhắc thận trọng khi quyết định đầu tư cho một dự án cụ thể ra nước ngoài.
Tính đến ngày 31/12/2015, có tới 28 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng mức đầu tư ra nước ngoài (phần tham gia của doanh nghiệp Việt Nam ghi theo Giấy chứng nhận đầu tư) là 7.990,9 triệu USD. Trong đó, 17 dự án đang hoạt động và 11 dự án tìm kiếm thăm dò đã, hoặc đang thực hiện việc chấm dứt do hoạt động tìm kiếm thăm dò rủi ro cao.
Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực thực hiện công tác đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực tế cho thấy, hoạt động đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã được triển khai với tốc độ "vừa phải", có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và bước đầu có hiệu quả.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các dự án đầu tư vào các mỏ dầu ở nước ngoài của Việt Nam có chi phí cao và rủi ro lớn. Trong khi đó, các mỏ dầu khí ở Biển Đông - ngay trên "sân nhà" thì chúng ta lại phải liên doanh đầu tư và phân chia sản phẩm với nước ngoài.
Do đó, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm cần thiết để rà soát, bổ sung chiến lược phát triển (bao gồm quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển theo hướng thích nghi với tình hình thay đổi nhanh trong lĩnh vực dầu khí). Đây cũng chính là giai đoạn cần đặt vấn đề hiệu quả toàn chuỗi hoạt động dầu khí và nâng cao năng lực hoạt động của toàn hệ thống lên trên hết. Làm tốt những khâu này là nhân tố quyết định để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí chủ đạo của mình và cũng là nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM