RSS Feed for PVN đặt mục tiêu ‘phát triển ổn định’ ngay cả khi giá dầu ở mức 30 USD/thùng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 05/12/2024 07:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PVN đặt mục tiêu ‘phát triển ổn định’ ngay cả khi giá dầu ở mức 30 USD/thùng

 - Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 9/6, tại Hà Nội, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN đã đề ra mục tiêu hạ giá thành khai thác dầu thô bình quân để có thể trụ vững (ngay cả khi giá dầu thô ở mức 30 USD/thùng).


Nếu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ‘quyền tự chủ’ cần thiết?


Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Mạnh Hùng cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2020, PVN đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là với lĩnh vực cốt lõi là thăm dò khai thác. Cụ thể, cuối năm 2015, đầu năm 2016, giá dầu thô chỉ ở mức 30 USD/thùng và đến cuối 2020 giá dầu thô rơi xuống mức dưới 40 USD/thùng.

Theo ông Hùng, hiện PVN đang đối mặt với hai rủi ro lớn.

Thứ nhất: Hệ số gia tăng trữ lượng bù vào sản lượng khai thác đang ở mức báo động (0,54 lần) do đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò chỉ đạt khoảng từ 400 - 500 triệu USD (giảm 5 lần so với trước). Trong khi ở giai đoạn 2011 - 2015, hệ số này đạt 1,5 lần (mức an toàn để phát triển bền vững).

Thứ hai: Cho dù PVN đã kiểm soát được tương đối chi phí, nhưng trong 21 lô mỏ đang khai thác (14 lô mỏ dầu và 7 lô khí) thì có 5 lô mỏ giá thành khai thác miệng giếng (UPC) vẫn đang cao hơn 25 USD/thùng. Đó là các mỏ Sông Đốc, Đại Hùng, Thăng Long - Đông Đô, Ruby và Chim Sáo. Với sản lượng của 5 lô mỏ này cũng khiến giá thành khai thác bình quân của PVN bị ảnh hưởng khi giá dầu thô thế giới rơi xuống dưới mức 30 USD/thùng.

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc Viện Dầu khí Việt Nam, giá dầu giảm trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên ở mức độ khác nhau. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng, doanh thu của PVN sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng), nộp ngân sách giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).

Với phương châm “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”, PVN đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động của biến động giá dầu để xây dựng và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp ứng phó trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trước “khủng hoảng kép”. Theo đó:

1/ Nhóm giải pháp về quản trị: PVN tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, kinh doanh (tối thiểu 15%), giảm lương (10 - 20%), giảm hội họp... Tăng cường quản trị chi phí tối ưu, triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động.

2/ Nhóm giải pháp về tài chính: Đánh giá tác động dòng tiền, có phương án hạn chế tác động và tận dụng cơ hội tối ưu, tái cơ cấu nguồn vốn, giảm chi phí vốn; tiết giảm chi phí lãi vay; huy động vốn vay. Mặt khác, tăng cường quản lý thu hồi công nợ, cơ cấu lại các khoản nợ và đàm phán điều chỉnh lãi vay…

3/ Nhóm giải pháp về đầu tư: Cập nhật, đánh giá, phân loại xác định nhóm các dự án ưu tiên; phân kỳ đầu tư, điều chỉnh tiến độ hợp lý; giãn dừng các dự án chưa thực sự quan trọng; tăng cường kiểm soát các hợp đồng; tìm kiếm cơ hội đầu tư mua mỏ tận dụng giá dầu thấp…

4/ Nhóm giải pháp về thị trường: Bám sát diễn biến cung - cầu, giá dầu thô và sản phẩm để có giải pháp kịp thời; đa dạng hóa kênh phân phối, tăng thị phần bán lẻ; xây dựng chính sách bán hàng linh động; mở rộng và tích hợp hệ thống phân phối để chia sẻ, tiết giảm chi phí; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp. Cùng với đó là kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét có các chỉ đạo định hướng cân đối cung - cầu, khuyến khích sản xuất trong nước, xử lý gian lận thương mại…

5/ Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách: Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét điều chỉnh sửa đổi một số chính sách thuế để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn…

Kết quả là trong 4 tháng đầu năm 2020, các đơn vị của PVN đều duy trì nhịp độ sản xuất, sản lượng sản xuất cơ bản hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 7,2 triệu tấn dầu quy đổi (vượt kế hoạch 7,7%), sản xuất điện đạt 7,03 tỷ kWh, sản xuất đạm đạt 601,6 nghìn tấn (vượt kế hoạch 7,8%), sản xuất xăng dầu ước đạt 4,53 triệu tấn (vượt kế hoạch 2,2%)… Trong khó khăn, PVN vẫn đạt tổng doanh thu khoảng 203,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 24,1 nghìn tỷ đồng.

Trong tháng các tháng còn lại, PVN yêu cầu các đơn vị tiếp tục thay đổi cách quản trị để thích ứng với các biến động của thị trường, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện, nắm bắt nhanh nhất các cơ hội để phục hồi tăng trưởng./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động