RSS Feed for Phương án cải tạo móng bản cho trụ tháp sắt cột điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 08/09/2024 22:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phương án cải tạo móng bản cho trụ tháp sắt cột điện

 - Đối với các công trình đường dây cải tạo phân pha và tăng cường tiết diện dây dẫn, việc gia tăng khả năng chịu lực của nền móng cho công trình là rất quan trọng. Thông thường, móng hiện hữu sẽ không đủ khả năng chịu lực khi chịu tải mới. Lúc này, các chỉ tiêu cần phải xem xét đến bao gồm: cường độ đất nền, khả năng chịu lực của bảng móng, dầm móng, cổ cột, và bu lông neo hiện hữu. Sau khi kiểm tra các chỉ tiêu trên, người thiết kế sẽ đưa ra phương án cụ thể cho từng trường hợp móng sao cho kết cấu đủ độ tin cậy để tiếp tục sử dụng.

 

HUỲNH LỘC THOẠI
Công ty Tư vấn điện miền Nam 

hi1

Hình 1. Cải tạo toàn bộ dầm móng, bản móng

 hi2

Hình 2. Thi công gia cố nền bằng vữa xi măng

 Trường hợp đất nền không đủ cường độ chịu lực (thường gặp ở các vùng đất có chỉ tiêu cơ lý nhỏ) thì có hai phương án xử lý:

- Một là, giảm ứng suất tính toán đáy móng bằng cách cải tạo mở rộng bản móng. Với phương án này, một bản móng mới sẽ được thi công ngay trên bản móng hiện hữu và mở rộng ra đến khi đạt kích thước yêu cầu. Biện pháp này có ưu điểm là dễ dàng thi công, không đòi hỏi kỹ thuật cao, tuy nhiên lại có nhược điểm là phải đào toàn bộ khối đất trên bản móng hiện hữu nên khối lượng đào đắp sẽ lớn, đồng thời việc mở rộng bản móng có thể không khả thi nếu bị vướng mặt bằng và liên quan đến công tác đền bù.

- Hai là, gia tăng cường độ đất nền bằng các biện pháp phun vữa xi măng cao áp gia cố đất nền dưới đáy bản móng. Đây là biện pháp còn khá mới mẻ trong lĩnh vực xây dựng công trình điện, mặc dù đã được sử dụng rộng rãi từ lâu trong các công trình dân dụng và cầu đường. Biện pháp này đòi hỏi phải có các loại máy thi công chuyên dụng, kỹ thuật thi công cao, giá thành tương đối lớn. Tuy nhiên, đây là một phương án khá hiệu quả, đặc biệt là không ảnh hưởng lớn đến mặt bằng hiện hữu, không cần phải đào đắp cũng như việc cần thêm đất để mở rộng móng, thời gian thi công lại ngắn.

Trường hợp dầm móng hoặc bản móng không đủ cường độ chịu lực thì việc đào đất trên bản móng để tăng cường thêm bể dày bản móng, dầm móng hiện hữu là điều bắt buộc.

Riêng đối với trường hợp cổ cột hiện hữu không đảm bảo khả năng chịu lực thì không cần thiết phải đào đất để tăng cường tiết diện. Lúc này, một hệ đà giằng bao quanh đầu cột sẽ được thi công mới để liên kết 4 đầu cột thành một hệ cứng. Nhờ hệ cứng này mà chiều cao tính toán cổ cột sẽ giảm lại dẫn đến hàm lượng cốt thép yêu cầu cho cổ cột cũng giảm theo. Kết hợp với phương án thi công đà giằng cổ cột, ta chỉ cần bổ sung thêm các tấm thép liên kết bản đế chân cột với thép chủ cổ cột hiện hữu là sẽ giải quyết được bài toán về bu lông neo chịu nhổ.

hi3

 Hình 3. Thi công đà giằng đầu cột

 hi4

Hình 4. Chi tiết liên kết đầu cột và đà giằng

Tóm lại, việc thi công cải tạo nền móng đối với các công trình đường dây phân pha và tăng cường tiết diện dây dẫn là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, việc cải tạo theo phương án nào đòi hỏi người thiết kế phải nắm được các yêu cầu cần thiết cũng như các điều kiện liên quan đến mặt bằng, địa chất thực tế tại mỗi vị trí cần cải tạo sao cho phương án đưa ra phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí và phù hợp với thực tế công trình.

Ngoài ra, việc tính toán kiểm tra cho các công trình cải tạo chỉ thuận lợi khi có hồ sơ hoàn công của công trình. Trường hợp hồ sơ không còn, việc cải tạo sẽ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người thiết kế. Tuy nhiên, với trường hợp này thì nên chọn phương án làm mới để đảm bảo về mặt an toàn. 

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động