Phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ (Lô 09-1 điều chỉnh năm 2022) khu vực trung tâm
05:57 | 30/12/2022
Phát triển Lô 09-1 (điều chỉnh năm 2022): Nhìn từ đề án mở rộng cụm mỏ Bạch Hổ Từ đề nghị của Hội đồng Thẩm định Kế hoạch phát triển mỏ Dầu khí (Bộ Công Thương), Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1 điều chỉnh năm 2022 - Khu vực Đông Bắc (Quyết định số: 1256/QĐ-TTg, ngày 17/10/2022). Dưới đây là nội dung Quyết định và một vài đánh giá của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về đề án mở rộng cụm mỏ Bạch Hổ. |
Các nội dung chính của Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ (Lô 09-1 điều chỉnh năm 2022 - khu vực trung tâm) như sau:
1/ Tiếp tục khai thác các thân dầu tại khu vực trung tâm mỏ Bạch Hổ trên cơ sở hạ tầng hiện hữu.
2/ Cải hoán giàn BK-4A hiện hữu (giàn ống đứng không người ở) thành giàn khai thác với 6 lỗ giếng khoan, lắp đặt các hạng mục thiết bị khai thác và phụ trợ để vận chuyển dầu khí về giàn BK4. Tháo dỡ một số các hạng mục thiết bị tại giàn BK-4A không còn sử dụng (thiết bị trên giàn và thiết bị ngầm lân cận dưới chân giàn).
3/ Khoan mới 4 giếng khoan và chuyển giếng 452 thành giếng bơm ép.
4/ Tổng chi phí đầu tư là 32,1 triệu USD, bao gồm: Chi phí cải hoán giàn BK−4A là 7,3 triệu USD và chi phí khoan 24,8 triệu USD.
5/ Ghi nhận chi phí vận hành (OPEX) bổ sung trong giai đoạn 2023 - 2030 là 5,7 triệu USD.
6/ Chi phí thu dọn công trình dầu khí (ABEX) bổ sung ước tính là 5,1 triệu USD.
7/ Tổng sản lượng khai thác dầu khí từ giàn BK-4A trong giai đoạn 2023 - 2030 (thời điểm kết thúc Hiệp định) dự kiến là 285,9 nghìn m3 dầu thô và 53,5 triệu m3 khí đồng hành. Tổng sản lượng khai thác dầu khí trong giai đoạn 2031 - 2045 dự kiến là 176,0 nghìn m3 dầu thô và 32,9 triệu m3 khí đồng hành.
8/ Dự kiến có dòng dầu đầu tiên từ giàn BK−4A vào quý 3/2023.
Thủ tướng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro):
Thứ nhất: Tiếp tục vận hành, khai thác mỏ đối với các công trình hiện hữu và thực hiện các hạng mục công việc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 1420/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2020 về Kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ (Lô 09-1, điều chỉnh năm 2020) và Quyết định số 1256/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2022 về Kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ (Lô 09-1, điều chỉnh năm 2022 - khu vực Đông Bắc).
Thứ hai: Triển khai xây dựng các hạng mục công trình, thiết bị theo Kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ (Lô 09-1, điều chỉnh năm 2022 - khu vực trung tâm) được duyệt, đảm bảo tiến độ, tiết kiệm chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường.
Thứ ba: Tiếp tục triển khai công tác tận thăm dò các khu vực/cấu tạo tiềm năng khác của Lô 09-1. Trên cơ sở kết quả của các giếng khoan tận thăm dò, lập kế hoạch phát triển các khu vực mới trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Thứ tư: Lập và trình phê duyệt Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí mỏ Bạch Hổ (Lô 09-1), điều chỉnh và tiếp tục trích nộp Quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính đối với thu dọn công trình dầu khí theo quy định.
Đối với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan, Thủ tướng đề nghị: Là cơ quan chủ trì (Hội đồng thẩm định Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí) và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về hồ sơ, tài liệu, thông tin số liệu, nội dung thẩm định và việc trình, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ. Mặt khác, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch phát triển mỏ đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Trước đó, hồi cuối tháng 10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ Bạch Hổ (Lô 09-1 điều chỉnh năm 2022 - khu vực Đông Bắc). Nội dung chính của Quyết định này bao gồm:
- Tiếp tục khai thác các thân dầu tại khu vực Đông Bắc mỏ Bạch Hổ trên cơ sở hạ tầng hiện hữu.
- Xây dựng giàn nhẹ không người mini BK-22 tại vị trí bên cạnh giàn BK-15 hiện hữu với 9 lỗ giếng, hệ thống thiết bị phụ trợ, cầu dẫn, hệ thống đường ống kết nối với giàn BK-15 và cải hoán một số thiết bị trên giàn BK-15.
- Khoan mới 9 giếng, trong đó 8 giếng khai thác và 1 giếng bơm ép.
- Tổng chi phí đầu tư bổ sung là 90,4 triệu USD (bao gồm VAT). Trong đó, xây dựng và lắp đặt giàn BK-22 với tổng chi phí là 27,8 triệu USD, còn chi phí khoan là 62,6 triệu USD.
- Ghi nhận chi phí vận hành khai thác (OPEX) giai đoạn 2022 - 2030 là 12,1 triệu USD.
- Ghi nhận chi phí thu dọn mỏ (ABEX) bổ sung ước tính là 18,7 triệu USD.
- Dự báo tổng sản lượng khai thác dầu khí của giàn BK-22 giai đoạn 2022 - 2030 là 829,4 nghìn m3 dầu và 97,4 triệu m3 khí đồng hành.
- Dự kiến có dòng dầu đàu tiên vào quý 4 năm 2023./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM