PC Tuyên Quang: Nỗ lực cải tạo lưới điện nông thôn
08:00 | 22/10/2014
Trên 99% số xã đã có điện lưới quốc gia
Vượt mọi khó khăn
Những năm qua, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ đưa lưới điện về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đưa điện về thôn Lũng Búng, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Năm 2009, Điện lực Tuyên Quang chính thức tiếp nhận và vận hành lưới điện hạ áp nông thôn. Tại thời điểm đó, lưới điện nông thôn tại các xã khu vực nông thôn phần lớn được xây dựng từ 20- 30 năm trước và do địa phương quản lý, kinh doanh. Do việc xây dựng tự phát, chắp vá, nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết lưới điện không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Quá trình vận hành khai thác lưới điện hầu như không được sửa chữa, nâng cấp cho nên lưới điện xuống cấp, mất an toàn, chất lượng điện không đảm bảo, tổn thất điện năng khu vực nông thôn rất cao; rất ít xã có tỷ lệ tổn thất dưới 20%, thậm chí có nơi lên tới 40 đến 45%, số lượng công tơ cháy, kẹt, hư hỏng và số hộ mua điện theo hình thức khoán của địa phương chiếm tỷ lệ lớn.
Từ khi tiếp nhận lưới điện nông thôn đến nay, Công ty đã sửa chữa, thay mới 395 km đường dây, thay thế 4.000 cột gỗ, tre không đảm bảo tiêu chuẩn, giải phóng hàng trăm km hành lang lưới điện, lắp đặt và thay thế 108.000 công tơ 1 pha và 3.200 công tơ 3 pha với tổng kinh phí trên 73 tỷ đồng. Công ty đã đầu tư xây dựng mới và cải tạo 123 km đường dây trung thế, 383 km đường xây hạ thế, xây dựng mới 108 trạm biến áp với tổng dung lượng 18.540 KVA với tổng mức đầu tư 357,7 tỷ đồng... nhờ đó, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm một cách rõ rệt, từ 27,7% năm 2009 xuống còn 12,86% hiện nay. Số hộ sử dụng điện lưới Quốc gia từ 163.480 hộ năm 2009 lên trên 200.000 hộ hiện nay. Hiện có 108/137 xã khu vực nông thôn trong toàn tỉnh có 100% số thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia.
Để đạt hiệu quả trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế, công ty luôn tạo mọi điều kiện để cán bộ, công nhân viên nêu cao tính năng động, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động. Trong những năm qua, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được triển khai thực hiện làm lợi cho công ty.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, riêng với ngành điện đảm nhiệm thực hiện tiêu chí số 4 trong 19 tiêu chí. Theo đó, yêu cầu hệ thống lưới điện khu vực nông thôn phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của ngành, trên 95% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Sau hơn 3 năm triển khai chương trình, hạ tầng điện được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ, Công ty Điện lực tỉnh đầu tư vốn cải tạo, sửa chữa, nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn và bảo đảm khoảng cách an toàn; phát quang hành lang lưới điện, lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng... từ đó, làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng ở nông thôn.
Riêng các xã điểm xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Công ty Điện lực Tuyên Quang đảm nhiệm xây dựng 20,9 km đường dây 35 KV, 16 trạm biến áp phân phối, 112 km đường dây 0,4 KV và lắp đặt hệ thống đo đếm điện với tổng kinh phí 113 tỷ đồng. Dự kiến các công trình sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2014 - 2015, góp phần hoàn thành tiêu chí của các xã điểm xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi đến thôn Đá Bàn 1 và Đá Bàn 2 xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) vào những ngày đầu tháng 10. Vẫn con đường nhựa ấy trước đây ven đường thường bắt gặp những cây cọc gỗ dùng làm cột điện liêu xiêu bên đường. Nhưng giờ đây thay vào đó là những chiếc cột điện bê tông sừng sững với cánh tay xà sứ vươn ra đón sợi cáp điện. Bà con của 2 thôn Đá Bàn 1 và Đá Bàn 2 thì vui lắm, thấy khách lạ đến chơi chưa kịp hỏi đã khoe ngay: “Nhờ có Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhờ sự quan tâm của Đảng, của ngành điện mà bà con mình sắp có điện lưới Quốc gia dùng rồi”.
Anh Lê Chí Công, Trưởng thôn Đá Bàn 1 kể, thôn có 148 hộ đều là người dân tộc Dao, bao nhiêu năm nay người dân mình khát điện vì thế mà một số hộ trong thôn tìm mọi cách để tự kéo điện từ nơi khác về chi phí bỏ ra lên tới hàng trăm triệu đồng mà điện chả ra đâu vào đâu, đến việc dùng điện thắp sáng còn khó, nghĩ gì đến việc mua sắm thiết bị. Mấy năm gần đây nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ bà con phát triển kinh tế mà điều kiện kinh tế của các hộ dân được cải thiện thì nhu cầu sử dụng điện là rất lớn nhưng cũng đành chịu.
Công trình đưa lưới điện Quốc gia về 2 thôn Đá Bàn 1 và Đá Bàn 2 của xã Mỹ Bằng nằm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng. Dự án đầu tư trên 4 km đường dây cao áp và trên 15 km đường dây hạ áp cùng với 2 trạm biến áp có tổng công suất 500 KVA. Đây là một trong những công trình xây dựng và cải tạo lưới điện 13 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh và huyện.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn